HoREA đề xuất tháo gỡ khó khăn cho một số dự án điển hình

HoREA vừa có văn bản gửi tới Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ báo cáo về những vướng mắc, khó khăn trong quá trình triển khai thực hiện các dự án bất động sản trên địa bàn thành phố và đề xuất một số giải pháp tháo gỡ.

 

HoREA đề xuất tháo gỡ khó khăn cho một số dự án điển hình - Ảnh 1

HoREA đã đề xuất Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước xem xét nới room tín dụng thêm khoảng 1% (tăng trưởng tín dụng năm 2022 lên 15%) để có thêm khoảng 100.000 tỷ đồng bơm cho nền kinh tế, trong đó thị trường bất động sản hấp thụ khoảng 20%.

Đáng chú ý, trong các giải pháp cho thị trường trái phiếu đang là gánh nặng đối với các doanh nghiệp bất động sản khi thị trường giảm tốc, Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) đã đề xuất gia hạn kỳ hạn trái phiếu.

Cụ thể, HoREA đề nghị Bộ Tài chính trình Chính phủ xem xét sửa đổi, bổ sung nghị định 65 theo hướng quy định chặt chẽ để đảm bảo nâng cao năng lực của doanh nghiệp phát hành trái phiếu, đơn vị tư vấn đánh giá tín nhiệm, đơn vị tư vấn phát hành trái phiếu.

HoREA cho hay, hiện các biện pháp mà doanh nghiệp phát hành trái phiếu đã thực hiện là mua lại trái phiếu trước thời hạn (khoảng 147.000 tỷ đồng trong 10 tháng đầu năm 2022), thỏa thuận hoán đổi trái phiếu lấy nhà ở của dự án với mức chiết khấu hấp dẫn (gần đây các doanh nghiệp đã giảm giá bán nhà, chiết khấu đến 40 - 50% giá bán cũ) hoặc đàm phán gia hạn kỳ hạn của trái phiếu.

Bên cạnh đó, HoREA cũng đề nghị Bộ Tài chính trình Chính phủ cho phép gia hạn kỳ hạn của trái phiếu thêm một năm để giảm áp lực và tăng niềm tin cho thị trường trái phiếu.

Ngoài ra, HoREA đề nghị Bộ Tài chính trình Chính phủ cho phép nhà đầu tư cá nhân không phải là "nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp" được đầu tư, mua trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ với một tỉ lệ nhất định thông qua ủy thác cho công ty chứng khoán, đại lý phát hành có năng lực bằng các hợp đồng thương mại để đầu tư trái phiếu theo quy định, đồng thời các nhà đầu tư mua trái phiếu là cá nhân phải có văn bản cam kết đã hiểu rõ và tự chịu trách nhiệm về đầu tư trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ theo quy định tại nghị định 65.

Theo HoREA, chỉ cần Chính phủ cho phép Công ty Quản lý tài sản (VAMC) và ngân hàng thương mại mua lại trái phiếu doanh nghiệp thì sẽ tăng niềm tin cho thị trường trái phiếu và các nhà đầu tư.

Tiếp theo, HoREA đã đề xuất Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước xem xét nới room tín dụng thêm khoảng 1% (tăng trưởng tín dụng năm 2022 lên 15%) để có thêm khoảng 100.000 tỷ đồng bơm cho nền kinh tế, trong đó thị trường bất động sản hấp thụ khoảng 20%.

Mục đích nhằm tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, người mua nhà và nhà đầu tư được tiếp cận nguồn vốn tín dụng đối với các dự án đã có đầy đủ pháp lý, có tính khả thi, các dự án đang xây dựng dở dang... Đồng thời, tạo điều kiện tiếp cận tín dụng cho nhà đầu tư mua trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ để tăng niềm tin và lực cầu trên thị trường trái phiếu, góp phần giảm bớt áp lực cho các tổ chức tín dụng.

Trong văn bản, HoREA đề nghị tổ công tác của Chính phủ khẩn trương xem xét, tháo gỡ khó khăn cho một số doanh nghiệp và dự án điển hình, làm tiền lệ để giải quyết các trường hợp tương tự, tạo niềm tin cho doanh nghiệp và thị trường bất động sản, trong đó có 143 dự án tại TP.HCM theo chủ trương "không hình sự hóa các quan hệ kinh tế, dân sự" và thực hiện "thu hồi triệt để tài sản Nhà nước bị thất thoát do tham nhũng, tiêu cực".

Tại văn bản này, HoREA thông tin, theo báo cáo của Sở Tài nguyên - Môi trường và Sở Xây dựng TP.HCM, trong giai đoạn 2016-2022, toàn thành phố có 1.532 dự án có sử dụng đất, chuyển mục đích sử dụng đất bao gồm các dự án bất động sản, đô thị, nhà ở thương mại, nhà ở xã hội của khu vực tư nhân và các dự án “đầu tư công”.

Trong đó, có 451 dự án đã hoàn thành (chỉ chiếm 29,4%), 703 dự án đang triển khai (chiếm 45,9%) và có đến 357 dự án (chiếm 24,7%) quá 3 năm đăng ký kế hoạch sử dụng đất vẫn chưa triển khai thực hiện (“dự án treo”). Phần lớn là các dự án “đầu tư công” do phụ thuộc vào việc cân đối nguồn vốn ngân sách, tài chính của chủ đầu tư nên chưa thực hiện được hoặc chỉ thực hiện một phần công tác giải phóng mặt bằng (da beo).

Trong số này, vướng mắc chủ yếu là về phương án giá bồi thường, mặc dù hàng năm thành phố đều ban hành quyết định “hệ số điều chỉnh giá đất” cao hơn từ 4 - 35 lần giá đất trong bảng giá đất để thực hiện bồi thường, giải phóng mặt bằng. Các “dự án treo” này đã làm ảnh hưởng đến mục tiêu phát triển kinh tế xã hội của thành phố và quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người dân có đất bị thu hồi.

Trong số 703 dự án thuộc diện đang triển khai (không thuộc trường hợp bị thu hồi dự án) thì đang có khoảng 143 dự án bị “vướng mắc pháp lý” nên chưa thực hiện được hoặc chỉ thực hiện được một phần dự án hoặc phải tạm dừng dự án. 

Minh Vân

Theo Chất lượng và cuộc sống