HoREA kiến nghị hỗ trợ doanh nghiệp BĐS “không bằng tiền mà bằng cơ chế”

HoREA thay mặt các doanh nghiệp bất động sản tại TP.HCM vừa có văn bản gửi các sở, ngành và UBND TP.HCM đề nghị hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp bất động sản vượt đại dịch Covid-19 theo hình thức “không phải bằng tiền mà bằng cơ chế tháo gỡ khó khăn trong thủ tục đầu tư xây dựng”.

Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) cho biết, hưởng ứng lời kêu gọi của Lãnh đạo các cơ quan Trung ương và thành phố, cộng đồng doanh nghiệp bất động sản đã đóng góp nguồn lực, cùng sát cánh với Nhà nước, đặc biệt là ngành y tế phòng chống, kiểm soát đại dịch Covid-19.

Cụ thể, trong 5 tháng đầu năm 2021, các Tập đoàn và doanh nghiệp bất động sản trên địa bàn thành phố đã hỗ trợ Quỹ phòng chống đại dịch Covid-19, mua vắc xin với tổng giá trị hơn 1.500 tỷ đồng. Điển hình như đóng góp của Tập đoàn Vạn Thịnh Phát 1.450 tỷ đồng; Công ty Times Square 100 tỷ đồng; Tập đoàn Novaland 100 tỷ đồng; Tập đoàn Hưng Thịnh 100 tỷ đồng (bao gồm cả máy xét nghiệm SarsCoV giúp HCDC xét nghiệm 90 mẫu/lần và tài trợ vaccine); Tập đoàn Sơn Kim Land tài trợ nghiên cứu sản xuất vắc xin ngừa Covid-19 của Việt Nam...

Theo ông Châu, Hiệp hội và cộng đồng doanh nghiệp rất hoan nghênh bản “Tóm tắt nội dung dự kiến hỗ trợ doanh nghiệp trong và sau đại dịch Covid-19 trên địa bàn thành phố” của UBND TP.HCM. Tuy nhiên, HoREA và cộng đồng doanh nghiệp bất động sản không xin Nhà nước hỗ trợ bằng tiền mà chỉ xin hỗ trợ cơ chế tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong các thủ tục đầu tư xây dựng để tăng sức chống chịu và vượt qua đại dịch.

HoREA kiến nghị hỗ trợ doanh nghiệp BĐS “không bằng tiền mà bằng cơ chế” - Ảnh 1

Nhiều dự án bất động sản ở TP,HCM bị "ách tắc" ở khâu thủ tục. (Ảnh: VĐ)

Cụ thể, HoREA đề nghị Sở KH&ĐT sớm trình UBND thành phố “ban hành Văn bản hướng dẫn trình tự thực hiện thủ tục đầu tư xây dựng dự án nhà ở trên địa bàn thành phố” theo chỉ đạo của Phó Chủ tịch UBND thành phố Lê Hòa Bình tại Văn bản số 382/TB-VP ngày 12/05/2021. Cụ thể, Hiệp hội đề xuất nội dung 4 bước thủ tục hành chính, gồm các bước như sau.

Bước 1, Sở KH&ĐT thực hiện thủ tục “chấp thuận chủ trương đầu tư đồng thời với chấp thuận nhà đầu tư” đối với dự án nhà ở thương mại có quyền sử dụng đất, theo quy định của Luật Đầu tư 2020 và Nghị định 31/2021/NĐ-CP (có ghi tên “nhà đầu tư”).

Bước 2, Sở Quy hoạch Kiến trúc; UBND TP Thủ Đức, các quận, huyện thực hiện thủ tục “phê duyệt quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500, hoặc quy hoạch tổng mặt bằng" dự án nhà ở thương mại đã có văn bản "chấp thuận chủ trương đầu tư đồng thời với chấp thuận nhà đầu tư”, Luật Xây dựng (sửa đổi) 2020 (quy định “chủ đầu tư là nhà đầu tư được cơ quan nhà nước có thẩm quyền chấp thuận”).

Bước 3, Sở TN&MT thực hiện thủ tục giao thuê đất, hoặc chuyển mục đích sử dụng đất, theo quy định của Luật Đất đai 2013.

Bước 4, Sở Xây dựng thực hiện thủ tục thẩm định thiết kế cơ sở; cấp phép xây dựng. Sở TN&MT, Sở Tài chính thực hiện song song thủ tục xác định nghĩa vụ tài chính, tiền sử dụng đất và thông báo để chủ đầu tư thực hiện.

Đồng thời, HoREA đề nghị Sở QH&KT trúc sớm trình UBND thành phố ban hành “quy định điều kiện, tiêu chí, quy mô, tỷ lệ khu đất do nhà nước trực tiếp quản lý để tách thành dự án độc lập” theo chỉ đạo của Phó Chủ tịch UBND thành phố Lê Hòa Bình.

Đặc biệt, HoREA kiến nghị Chính phủ sớm tháo gỡ "ách tắc" về việc nhà đầu tư dự án nhà ở thương mại đã có quyền sử dụng đất là đất nông nghiệp, hoặc đất phi nông nghiệp không phải là đất ở, nhưng không được công nhận là chủ đầu tư, giúp cho doanh nghiệp vượt qua khó khăn của đại dịch Covid-19.

“Theo quy định tại Khoản 5 Điều 1 Nghị định 30/2021/NĐ-CP, tất cả các dự án nhà ở thương mại mà nhà đầu tư đã có quyền sử dụng đất là đất nông nghiệp (100% đất nông nghiệp) hoặc đất phi nông nghiệp không phải là đất ở (100% đất phi nông nghiệp không phải là đất ở) nhưng không được công nhận là chủ đầu tư, mặc dù nhà đầu tư đã nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất các thửa đất này đúng quy định của luật Đất đai 2013 và luật Đầu tư 2020. Điều này đã gây khó khăn, ách tắc rất nhiều cho doanh nghiệp”, Chủ tịch HoREA Lê Hoàng Châu cho biết.

HoREA cũng kiến nghị UBND TP.HCM hỗ trợ các doanh nghiệp bất động sản khai thác được nguồn cung vắc xin ngừa Covid-19.

HoREA cho biết, hiện có các doanh nghiệp bất động sản thông qua một trong 31 đơn vị đầu mối được Chính phủ cho phép nhập khẩu vắc xin ngừa Covid-19 để bảo đảm chất lượng và an toàn. Trong đó, có Tập đoàn Hưng Thịnh đàm phán nhập khẩu 500.000 liều vắc xin Spunik V (Nga), Công ty TNHH Địa ốc Thành Phố (City Land) đàm phán nhập khẩu 2.000.000 liều vắc xin Moderna (Mỹ).

“Hiệp hội đề nghị UBND TP.HCM quan tâm chỉ đạo cơ quan chức năng hỗ trợ về pháp lý cho các doanh nghiệp bất động sản, để sớm khai thác được nguồn cung vắc xin ngừa Covid-19, đáp ứng một phần nhu cầu chủng ngừa vắc xin cho nhân dân thành phố và người lao động trong các doanh nghiệp”, Chủ tịch HoREA cho hay.

Văn Đức

Theo Doanh nghiệp Việt Nam