Khai giá mua nhà thấp hơn giá thực: Không hiếm

Phải siết chặt quản lý, xử lý thật nghiêm để tránh tình trạng trốn thuế tràn nan, gây bức xúc trong dư luận.

Cục Thuế Hà Nội vừa cảnh báo hoạt động khai giá bán bất động sản thấp hơn thực tế nhằm mục tiêu giảm số thuế phải nộp. Theo cơ quan này, đó là hành vi vi phạm pháp luật; tiềm ẩn nhiều rủi ro ảnh hưởng nghiêm trọng đến các nội dung pháp lý phát sinh trong quá trình sử dụng bất động sản như: khi phát sinh khiếu nại, kiện cáo, tố cáo, đền bù, và các tình huống pháp lý khác.

Cục Thuế Hà Nội có thư ngỏ cảnh báo việc khai báo gian dối hợp đồng mua bán bất động sản nhằm né thuế. Ảnh minh họa  
Cục Thuế Hà Nội có thư ngỏ cảnh báo việc khai báo gian dối hợp đồng mua bán bất động sản nhằm né thuế. Ảnh minh họa  
 

Theo đó, cơ quan này khuyến nghị khi phát sinh các giao dịch mua, bán, chuyển nhượng bất động sản cần thực hiện các thủ tục cẩn thận, chính xác, đúng quy định, trung thực về việc kê khai giá chuyển nhượng bất động sản trên hợp đồng mua bán, chuyển nhượng cũng như khi kê khai các nghĩa vụ thuế phát sinh để bảo vệ chính quyền lợi của người mua và người bán bất động sản. Trường hợp khai sai khẩn trương đến cơ quan thuế để nộp bổ sung.

Bình luận thêm, LS Trương Xuân Tám cho biết, hiện tượng trên không hiếm. Đã có nhiều câu nói hàm ý tình trạng trốn thuế đất, thuế nhà là có thật và đang diễn ra khá phổ biến hiện nay.

Hiện tượng xác định, khai báo sai giá trị tài sản đang có để nhằm giảm tiền thuế phải nộp không thực tế xảy ra ở hầu hết các lĩnh vực phải nộp thuế, từ mua bán đất, nhà ở cho tới khai báo thuế thu nhập, thuế buôn bán, kinh doanh... Đối tượng thực hiện hành vi gian dối này cũng không chỉ diễn ra với người dân mà còn có ở cả với những đối tượng khác...

Theo vị LS, các đối tượng làm như vậy là vì lợi ích của cá nhân. Họ cố ý khai thấp giá trị đất, nhà theo thực tế để đóng ít tiền thuế hơn.

Bên cạnh đó, còn có những người tư vấn không chuyên nghiệp, chưa nắm chắc các quy định pháp luật như các chuyên viên môi giới bất động sản cũng tham gia tư vấn khai giảm giá đất, giảm tiền thuế để chủ nhà móc hầu bao trả hoa hồng cho môi giới dễ dàng, thoải mái hơn...

"Hiện tượng khai báo sai giá trị tài sản hầu như ai cũng biết nhưng thường vụ việc chỉ được phát hiện khi vụ việc có những sai phạm bị truy tố trước pháp luật hoặc bị xử phạt hành chính, lúc đó hành vi trốn thuế mới được xem xét xử lý theo.

Chúng ta từng biết tới những vụ án người mua cũng là đồng phạm với người bán để cùng thỏa thuận với nhau khai giảm giá trị đất tại phòng công chứng để né thuế. Những vụ việc như thế này có rất nhiều rồi, vì thế, nếu một vụ việc bị truy tố thì nhiều vụ việc tương tự cũng phải bị xem xét, xử lý mới bảo đảm tính công bằng", ông Tám lấy ví dụ.

Để kịp thời phát hiện và ngăn chặn hiện tượng này, LS Trương Xuân Tám cho rằng, cần phải căn theo bảng giá đất, giá nhà đã được nhà nước ban hành.

Cơ quan thuế, khi xem xét hồ sơ đăng ký của các cá nhân, tổ chức cần lấy bảng giá đất, giá nhà đã được nhà nước ban hành làm khung giá chuẩn để so sánh với mức giá đăng ký trên hợp đồng. Nếu phát hiện giá trị khai báo thấp hơn bảng giá quy định theo từng vùng, từng hệ số được quy định thì phải xem xét xử lý.

Vấn đề khó nhất hiện nay là nhiều khi bảng giá đất tại địa phương thường cập nhật chậm, 5 năm mới sửa đổi một lần, do đó, có khi bị chậm hơn, không phù hợp với giá thị trường.

"Bảng giá đất do nhà nước, địa phương quy định quá thấp là một trong những kẽ hở dẫn tới những tiêu cực trong quản lý đất đai. 

Đây cũng là kẽ hở dẫn tới những bức xúc khiếu kiện của người dân bị kéo dài không xử lý được. Là kẻ hở cho những sai phạm, tham nhũng liên quan tới đất đai diễn ra. Nhiều vụ án lớn đang bị xử lý có liên quan tới đất đai có nguyên nhân từ việc định giá đất quá thấp so với giá thị trường, khiến nhóm lợi ích lợi dụng, trục lợi", vị LS chỉ rõ.

Nói thêm về giá nhà, LS Trương Xuân Tám cũng nói rõ nhà ở hiện nay đã có quy chuẩn rất rõ ràng với từng loại nhà cao tầng, thấp tầng hay biệt thự... đi cùng với đó cũng đã có những quy định rất rõ về giá trị tài sản, khấu hao, việc quản lý không hề khó.

"Còn có sai sót là do ở đâu đó có sự thiếu chặt chẽ trong quản lý. Tôi lấy ví dụ, tôi từng tham gia một vụ việc tại TP.HCM, khi đó, các bên thỏa thuận mua bán đưa ra mức giá khoảng 3-4 tỷ/căn, tuy nhiên cơ quan thuế nói rằng khu vực này giá phải cao hơn nữa. Sau khi đi xác minh, các bên phải tự nguyện điều chỉnh phụ lục hợp đồng, đưa giá về sát với giá thị trường. Nói  thế để cho thấy, việc quản lý hoàn toàn có thể làm được", vị LS cho hay.

Vấn đề quan trọng nhất theo vị luật sư là phải siết chặt quản lý, xử lý thật nghiêm để tránh tình trạng trốn thuế, gây thất thu cho ngân sách.

Thái Bình

Theo Đất Việt