Giá nhà đất tại một số “điểm nóng” giảm mạnh sau “sốt đất”, nhà đầu tư ồ ạt bán tháo để cắt lỗ
Thị trường bất động sản thời gian qua chịu tác động mạnh mẽ từ đợt dịch bùng phát lần 4, cùng với đó là cơn sốt đất thời điểm quý 1/2021 đã qua đi khiến giá đất tại một số “điểm nóng” có dấu hiệu lao dốc khiến hàng loạt nhà đầu tư đứng ngồi không yên.
Tháng 5/2021: mức độ quan tâm tại một số “điểm nóng” giảm mạnh
Theo thông tin từ Batdongsan.com.vn cho thấy số ca nhiễm Covid-19 trong tháng 5/2021 tỷ lệ thuận với mức độ giảm của lượt quan tâm và tin đăng tại 1 số tỉnh/thành so với một tháng trước đó. tính đến ngày 31/5/2021, số ca nhiễm Covid-19 ở Hà Nội là 412 ca, Bắc Ninh 842 ca, Bắc Giang 2.252 ca, Vĩnh Phúc 89 ca, Hà Nam 42 ca, Hưng Yên 37 ca, Đà Nẵng 157 ca, TP Hồ Chí Minh 157 ca, Bình Dương 3 ca, Long An 5 ca.
Theo đó mức độ quan tâm thị trường BĐS tại những điểm “nóng” đã giảm mạnh, cụ thể mức giảm ở Bắc Giang là 49%, Bắc Ninh 46%, Hà Nam 46%, Vĩnh Phúc 38%, Đà Nẵng 36%, Hưng Yên 17%. Trong khi đó, mức giảm ở Long An 11%, Bình Dương 9%, TP. Hồ Chí Minh 6%, và Hà Nội 1%.
Có thể thấy rõ, trái ngược với thời điểm diễn ra cơn “sốt đất” trong quý I/2021 ở Bắc Giang với mức độ quan tâm tăng 256% và Bắc Ninh tăng 113%. Đồng thời giá rao bán đất nền ở hai tỉnh trên cũng có sự lao dốc trầm trọng khiến cho thị trường bất động sản (BĐS) ở phân khúc này mất đi sự “sôi động”.
Trong tháng 5, dịch Covid-19 lần thứ tư bùng phát mạnh tại nhiều tỉnh, thành khiến mức độ quan tâm và lượng tin đăng giảm lần lượt 7% và 3% so với tháng 4. Mức quan tâm giảm mạnh nhất ở loại hình đất (19%), và đất dự án (23%). Đáng chú ý, chung cư và biệt thự lội ngược dòng với mức quan tâm tăng 3 – 5%. Thị trường đang cho thấy có sự dịch chuyển dòng tiền từ đất sang chung cư, nhà riêng.
Giá đất tại Bắc Giang, Bắc Ninh “nhảy múa” trong quý 1/2021
Tại Bắc Giang, theo báo cáo mới đây của Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam cho biết, tính đến hết quý I/2021, Bắc Giang có tổng cộng hơn 50 dự án đã, đang và chuẩn bị triển khai. Trong đó, có 27 dự án đã đủ điều kiện bán hàng. Tuy nhiên, sức nóng lại tập chung ở các dự án đang phát triển (chưa đủ điều kiện bán hàng) bởi khả năng sinh lời cao. Cụ thể như đất ven khu công nghiệp sôi động, đặc biệt là tại TP Bắc Giang, huyện Việt Yên và Yên Dũng. Tại khu vực này, ven 4 Khu công nghiệp Vân Trung, Đình Trám, Song Khê Nội Hoàng, Quang Châu là điểm nóng của thị trường, giá dao động khoảng 25 – 40 triệu đồng/m2, tăng khoảng 50 – 70% so với cuối năm 2020.
Tuy nhiên, kể từ cuối tháng 3, với việc chính quyền bắt đầu siết chặt lại các hoạt động mua bán, thị trường đã bắt đầu chững lại. Điển hình như giá đất ở một số khu vực đều ghi nhận giảm. Tại xã Nội Hoàng (Yên Dũng), giá một lô đất đấu giá, đất dịch vụ diện tích 72 m2 hồi đầu năm lên đến 2,1 – 2,2 tỷ đồng/lô thì nay chỉ còn 1,8 – 1,85 tỷ đồng. Tại một số xã như Lan Mẫu, Yên Sơn, Chu Điện (Lục Nam) mức giá hồi đầu năm khoảng 1,8 – 2 tỷ đồng/lô nay chỉ còn 1,5 – 1,6 tỷ đồng, đất thổ cư từ 3 triệu đồng/m2 chỉ còn 2 triệu đồng/m2. Ở khu vực hai xã Tăng Tiến, Quang Châu (Việt Yên) giá đất đang ở đỉnh 3,4 – 3,5 tỷ đồng/lô diện tích 105 m2 hiện giảm còn 3,2 tỷ đồng, cá biệt có nơi chỉ còn 1,8 – 2,1 tỷ đồng/lô.
Còn tại Bắc Ninh đất nền tại nhiều khu vực “sốt giá” trước đây bắt đầu có hiện tượng quay đầu giảm giá. Theo khảo sát, giá đất ở TP Bắc Ninh dao động khoảng 40 – 60 triệu đồng/m2, một số nơi vọt lên 100 triệu đồng/m2; còn tại thị xã Từ Sơn, giá đất dao động khoảng 25-40 triệu đồng/m2.
Hay tại xã Đại Đồng, huyện Tiên Du, những lô đất dự án có giá khoảng 26 triệu đồng/m2 vào thời giữa quý I/2021, đến nay xuống còn 24 – 24,5 triệu đồng/m2. Tại huyện Yên Phong, giá đất ít nhiều giảm nhiệt, nhưng vẫn ở mức cao đối với các xã sát TP Bắc Ninh; một vài dự án đang san lấp mặt bằng cũng có mức từ 20-27 triệu đồng/m2. Còn tại huyện Tiên Du cũng tăng lên từng ngày từ sau Tết Nguyên đán. Tại địa phương này, giá đất trung bình từ 25-35 triệu đồng/m2.
Nguyên nhân khiến thị trường bất động sản tại một số “điểm nóng” bất ngờ tăng cao kể từ sau Tết Nguyên đán được cho là chiêu trò “thổi giá đất” của giới đầu cơ nhằm tạo ra những cơn sốt đất ảo để trục lợi. Tuy nhiên kể từ khi Chính phủ vào cuộc chấn chỉnh giá đất, thị trường bất động sản sản một số khu vực “nóng” đã có dấu hiệu giảm đáng kể.
Đánh giá về hiện tượng giá đất nền tại Bắc Giang hay Bắc Ninh “nhảy múa” thời gian qua, một số chuyên gia bất động sản cho rằng, do quỹ đất tại Hà Nội hạn chế và giá đã lên rất cao nên các nhà đầu tư dịch chuyển về thị trường lân cận.
Theo GS Đặng Hùng Võ, các nhà đầu tư có xu hướng rời bỏ Hà Nội, về một số tỉnh lân cận như Bắc Ninh, Bắc Giang, Hoà Bình… Những khu vực này đều có hiện tượng chia lô bán nền thông qua đấu giá đất. Có thể nói đây là xu hướng của một số tỉnh gần Hà Nội, cứ thấy giá đất sốt là đưa ra dự án. Có tỉnh xoay vào việc thu ngân sách như thế nào cho nhiều hơn thông qua việc đấu giá đất.
“Sự thật, đây là kiểu làm bất chấp quy hoạch. Khi Bắc Ninh lên thành phố trực thuộc Trung ương thì quy hoạch phải khác chứ không phải là cấp phép dự án rồi làm cho giá đất nóng lên. Đặc biệt, Bắc Ninh lại là tỉnh có diện tích nhỏ nhất cả nước, quỹ đất không nhiều”, GS Đặng Hùng Võ nói.
Ở khía cạnh khác, Phó Tổng Thư ký Hiệp hội BĐS Việt Nam Nguyễn Văn Đính bày tỏ, trong cơn “sốt đất” quý I/2021, bên cạnh những khu vực có địa thế “vàng” thì giá đất tại nhiều khu vực chưa được đầu tư hạ tầng ở Bắc Giang, Bắc Ninh vô tình được tăng cao ngoài khả năng của người có nhu cầu thực. Và theo tất yếu của thị trường, khi giá bán tăng quá cao không có người mua thì sẽ buộc phải giảm.
Cuối cùng, vị chuyên gia BĐS này cho rằng hiện nay, giữa tình hình đại dịch COVID -19 chưa có hồi kết, các NĐT sẽ luôn có sự tính toán thận trọng và dài hạn với lộ trình tài chính rõ ràng nên sẽ không bán tháo để cắt lỗ hoặc có phải bán thì giá ra cũng ít nhất phải ngang bằng giá mua vào. Còn những NĐT bán tháo thời điểm hiện tại là do nguồn lực tài chính không đủ mạnh để trụ.