Khơi thông dòng vốn FDI chảy vào thị trường bất động sản
Trong nhiều năm qua, thị trường bất động sản Việt Nam rất hấp dẫn các nhà đầu tư nước ngoài. Vốn FDI vào bất động sản luôn đứng trong top đầu, chỉ sau công nghiệp chế biến chế tạo. Mặc dù, hiện tại dòng vốn chảy vào bất động sản đang bị “nghẽn”, tuy nhiên về lâu dài đây vẫn là lĩnh vực thu hút sự quan tâm của nhà đầu tư nước ngoài.
Bất động sản hút gần 2 tỷ USD vốn FDI
Theo số liệu từ Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), 9 tháng đầu năm 2023, tính đến 20/9 tổng vốn đăng ký cấp mới, điều chỉnh và góp vốn mua cổ phần, mua phần vốn góp của nhà đầu tư nước ngoài đạt gần 20,21 tỷ USD (tăng 7,7% so với cùng kỳ).
Trong 9 tháng, có 2.254 dự án mới được cấp giấy chứng nhận đầu tư, tăng 66,3% so với cùng kỳ, với tổng vốn đăng ký đạt hơn 10,23 tỷ USD, tăng 43,6% so với cùng kỳ và 2.539 giao dịch góp vốn mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài với tổng giá trị vốn góp đạt hơn 4,82 tỷ USD, tăng 47% so với cùng kỳ.
Theo Cục Đầu tư nước ngoài, dù vốn đầu tư điều chỉnh trong 9 tháng giảm 37,3% so với cùng kỳ nhưng xu hướng này đã có sự cải thiện so với các mức giảm 39,7% trong 8 tháng.
Ngoài ra, số lượt dự án điều chỉnh vốn cũng duy trì mức tăng so với cùng kỳ, khẳng định niềm tin của các nhà đầu tư vào môi trường đầu tư của Việt Nam. Trong đó, ngành kinh doanh bất động sản đứng thứ 2 với tổng vốn đầu tư gần 1,94 tỷ USD, chiếm hơn 9,6% tổng vốn đầu tư đăng ký, giảm 45% so với cùng kỳ. Các ngành tài chính ngân hàng, bán buôn, bán lẻ xếp thứ 3 và 4 với tổng vốn đăng ký đạt lần lượt gần 1,54 tỷ USD (gấp gần 63,8 lần) và gần 734 triệu USD (tăng 18,7%).
Về địa bàn đầu tư, Hà Nội dẫn đầu với tổng vốn đầu tư đăng ký gần 2,53 tỷ USD, chiếm gần 12,5% tổng vốn đầu tư đăng ký và tăng gấp 2,46 lần so với cùng kỳ năm 2022. Hải Phòng xếp thứ hai với tổng vốn đầu tư đăng ký gần 2,21 tỷ USD, chiếm 10,9% tổng vốn đầu tư cả nước, tăng 82,4% so với cùng kỳ. Tiếp theo lần lượt là TP Hồ Chí Minh, Bắc Giang, Bình Dương,…
Vốn đầu tư thực hiện của các dự án đầu tư nước ngoài đạt hơn 15,9 tỷ USD, cao nhất trong giai đoạn 2018-2023.
Các đối tác đầu tư truyền thống như Singapore, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Hong Kong, Đài Loan (Trung Quốc) chiếm tới 78,8% tổng vốn đầu tư của cả nước. Trong đó, Singapore dẫn đầu với tổng vốn đầu tư hơn 3,98 tỷ USD, chiếm hơn 19,7% tổng vốn đầu tư vào Việt Nam. Trung Quốc đứng thứ hai với 2,92 tỷ USD, chiếm 14,5% tổng vốn đầu tư. Nhật Bản đứng thứ 3 với tổng vốn đầu tư đăng ký gần 2,9 tỷ USD, chiếm hơn 14,3% tổng vốn đầu tư.
Bất động sản công nghiệp là “điểm sáng” hút vốn FDI
Hiện tại, trên cả nước đã hình thành hệ thống hơn 400 khu công nghiệp với tổng diện tích đất tự nhiên hơn 128.000 ha, tổng diện tích đất công nghiệp đạt trên 86.000 ha. Các khu công nghiệp được hoàn thiện kết cấu hạ tầng, nhà xưởng và chất lượng quốc tế, nghiên cứu thí điểm một số cụm liên kết ngành nhằm hình thành mạng sản xuất, chuỗi cung ứng và tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu tại một số địa phương.
Với việc đứng thứ hai trong bảng xếp hạng nhóm các lĩnh vực, ngành nghề thu hút được dòng vốn FDI thì nhu cầu bất động sản khu công nghiệp bật tăng. Cụ thể, cáo quý II/2023 của Bộ Xây dựng cho biết nhu cầu thuê nhà xưởng khu công nghiệp trong quý vẫn duy trì ổn định. Tại một số tỉnh có xuất hiện nhu cầu tăng nhẹ như Bắc Giang, Bắc Ninh, Quảng Ninh, Nam Định, Hải Phòng do ký kết hợp đồng với nhiều đối tác nước ngoài trong giai đoạn đầu năm 2023.
Đáng chú ý, tỷ lệ lấp đầy tại các khu công nghiệp hiện hữu trên địa bàn cả nước đạt khoảng 80% tại khu vực phía Bắc và trên 85% tại khu vực phía Nam. Bên cạnh đó, giá cho thuê đất bình quân cho cả chu kỳ thuê tại các khu công nghiệp trong quý II/2023 cơ bản ổn định so với quý trước và tăng khoảng 5 - 7% so với cùng kỳ năm trước.
Riêng trong tháng 8/2023, Việt Nam đã đón nhận dự án 165 triệu USD xây dựng Nhà máy Innovation Precision tại VSIP Nghệ An, do Green-wich Management Limited (Trung Quốc) đầu tư.
Dòng vốn FDI vẫn chảy mạnh vào bất động sản khu công nghiệp. |
Báo cáo mới nhất của Savills Việt Nam có nêu: “Khi tìm kiếm những lựa chọn ngoài Trung Quốc để di chuyển các nhà máy sản xuất, Việt Nam nổi lên như một địa điểm lý tưởng với khoảng cách địa lý gần, nhân công có tay nghề với chi phí cạnh tranh và hạ tầng đang được đầu tư phát triển mạnh mẽ”. Và các nhà đầu tư Hàn Quốc, Nhật Bản, châu Âu, Mỹ cũng đều khẳng định Việt Nam là địa điểm đầu tư hàng đầu của họ.
Chia sẻ về việc dòng vốn FDI chảy vào thị trường bất động sản Việt Nam thời gian qua, ông Neil Macgregor, Giám đốc Điều hành Savills Việt Nam cho rằng, thực tế, vốn FDI vào bất động sản Việt Nam tuy có sự suy giảm trong những tháng đầu năm 2023 nhưng không có nghĩa là nhu cầu của các nhà đầu tư nước ngoài tại thị trường Việt Nam sụt giảm. Hiện tại, Savills vẫn liên tục tiếp nhận yêu cầu từ các doanh nghiệp quốc tế muốn đầu tư trực tiếp vào thị trường nội địa Việt Nam trải dài trên tất cả các phân khúc, từ nhà ở, thương mại cho tới công nghiệp.
Bên cạnh đó, thị trường bất động sản tại Việt Nam cần giải quyết những vấn đề tồn đọng mang tính hệ thống, điều này đã dẫn đến sự chậm lại trong tiến trình đầu tư. Nhưng cần hiểu rằng những yếu tố nền tảng của thị trường bất động sản Việt Nam vẫn rất tốt, đơn cử như tốc độ đô thị hóa, nhân khẩu học hay tính ổn định về chính trị kèm các chính sách cởi mở đối với thu hút FDI.
“Trước các nỗ lực của Chính phủ để gỡ thế khó của bất động sản, chúng tôi tin rằng thị trường trong thời gian tới sẽ được điều chỉnh với những thông tin tích cực hơn, theo hướng bền vững hơn với quy chế rõ ràng hơn”, đại diện Savills nhấn mạnh.
Để khơi dòng vốn FDI vào bất động sản, TS. Võ Trí Thành, nguyên Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) cho rằng, Việt Nam cần có tính linh hoạt, vượt lên khuôn khổ pháp lý để chơi với các “tay chơi” lớn. Ông Thành cũng kỳ vọng vào thông tin Quốc hội có thể thông qua cơ chế đặc thù cho TP. Hồ Chí Minh trong Kỳ họp vào tháng 5 tới với nhiều chính sách nổi bật. Điều này sẽ mở ra cơ hội cả cho doanh nghiệp bất động sản trong và ngoài nước.