Khơi thông vướng mắc của thị trường bất động sản, sẵn sàng bước vào chu kỳ mới?

Việc triển khai Luật Đất đai, Luật Nhà ở và Luật Kinh doanh bất động sản sửa đổi từ tháng 8/2024 đã phần nào giúp thị trường bất động sản bớt khó về pháp lý, từ đó tạo tiền đề để thị trường bước vào chu kỳ mới.

 

Khơi thông vướng mắc của thị trường bất động sản, sẵn sàng bước vào chu kỳ mới? - Ảnh 1

“Gỡ” điểm nghẽn lớn nhất

Trong bối cảnh các luật mới mang tính nền tảng (đặc biệt như Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản) có hiệu lực từ năm 2024, đang dần “ngấm” vào cuộc sống, cùng với việc cải cách bộ máy được triển khai nhanh chóng theo hướng “làm thật, làm luôn, tổng thể,” nhiều ý kiến chuyên gia cho rằng thị trường bất động sản Việt Nam trong năm 2025 sẽ có những bước chuyển biến tích cực.

PGS. TS Trần Đình Thiên (thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam) nhấn mạnh những nỗ lực của Chính phủ trong năm 2024 như đưa 3 bộ luật quan trọng (là Luật Đất đai, Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Nhà ở) vào thực tiễn sớm hơn 5 tháng, được xem là giải pháp quyết liệt nhằm tháo gỡ điểm nghẽn lớn nhất của nền kinh tế ở thời điểm hiện tại.

Cùng với đó, khung giá đất mới tại một số khu vực cũng đã được điều chỉnh theo hướng tiệm cận giá thị trường, tác động đến chi phí đầu vào của doanh nghiệp, giá bán sản phẩm và nghĩa vụ tài chính của người dân khi giao dịch bất động sản.

Theo đó thời gian qua, các trợ lực chính đã giúp cho thị trường bất động sản phục hồi như: Tăng trưởng kinh tế thế giới cơ bản đi ngang, còn kinh tế Việt Nam năm 2024 - 2025 tăng trưởng khá cao, làm tiền đề bước vào kỷ nguyên mới; kinh tế vĩ mô duy trì ổn định, lạm phát tăng trong tầm kiểm soát; lãi suất tại Việt Nam duy trì ở mức thấp; tỷ giá, nợ xấu tăng trong tầm kiểm soát.

Cùng với đó là việc đột phát về thể chế chưa bao giờ các bộ luật mới được sửa đổi và ban hành chính thức nhanh chóng như thời gian qua; tinh gọn tổ chức bộ máy; quy hoạch các cấp được ban hành; đầu tư công, chính sách hạ tầng được đẩy mạnh; nghĩa vụ tài chính đã qua giai đoạn khó khăn nhất; mặt bằng lãi suất duy trì ở mức thấp, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp và người dân tiếp cận vốn…

Theo Hội Môi giới bất động sản Việt Nam (VARS), xu hướng tăng cung sẽ còn tiếp diễn trong thời gian tới, khi các rào cản pháp lý dần được gỡ bỏ nhờ vào các nghị định và kế hoạch hành động cụ thể từ Chính phủ. Cụ thể, đầu tháng 4, Chính phủ đã ban hành hai nghị định quan trọng là Nghị định 75/2025/NĐ-CP và Nghị định 76/2025/NĐ-CP nhằm hiện thực hóa các nghị quyết của Quốc hội trong việc tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản.

Việc gỡ rối thủ tục không chỉ giúp doanh nghiệp tái khởi động các dự án bị “treo” lâu nay mà còn tạo ra thêm cơ hội sở hữu nhà ở cho người dân, nhất là tại các đô thị lớn. Ông Nguyễn Văn Đính - Chủ tịch VARS cho rằng, động thái này sẽ góp phần giảm áp lực tài chính, hỗ trợ dòng tiền cho doanh nghiệp, đồng thời giúp lan tỏa hiệu ứng tích cực ra toàn nền kinh tế.

Thị trường sẵn sàng vào chu kỳ mới

Theo dữ liệu của Viện Nghiên cứu Kinh tế - Tài chính - Bất động sản Dat Xanh Services (DXS-FERI), dự kiến trong quý II/2025, nguồn cung sơ cấp trên thị trường cả nước sẽ tăng tới 90% so với quý trước, đạt khoảng 14.000 sản phẩm mới. Tổng nguồn cung sơ cấp tích lũy từ đầu năm có thể chạm mốc 52.000 căn.

Ông Lê Đình Chung - Tổng giám đốc SGO Homes nhận định: “Khi nút thắt pháp lý được tháo gỡ, niềm tin thị trường sẽ dần phục hồi, các dự án xây dựng dở dang được khởi động trở lại, kích hoạt dòng vốn và tăng tính thanh khoản”.

Tuy nhiên, chuyên gia cũng lưu ý rằng để thị trường hồi phục bền vững, các doanh nghiệp cần chủ động cơ cấu lại danh mục đầu tư, ưu tiên triển khai các dự án có pháp lý rõ ràng, tiềm năng thị trường cao.

Thực tế, trong các cuộc họp tháo gỡ khó khăn gần đây, nhiều ý kiến cho rằng doanh nghiệp bất động sản phải chủ động tái cấu trúc, bán bớt tài sản kém hiệu quả để tập trung nguồn lực. Tuy nhiên, nút thắt lớn nhất vẫn nằm ở pháp lý: khi chưa hoàn chỉnh, ngân hàng không thể giải ngân, doanh nghiệp không thể triển khai, sản phẩm không thể đưa ra thị trường.

Vì vậy, các chính sách tháo gỡ vướng mắc đang tạo nên kỳ vọng lớn đối với người dân đang có nhu cầu mua nhà. Khi nguồn cung được đẩy mạnh, các dự án dở dang được hoàn thiện và đưa ra thị trường, không chỉ giúp bình ổn giá mà còn tạo cơ hội lựa chọn đa dạng hơn cho người mua.

Theo ông Neil MacGregor – Giám đốc điều hành của Savills Việt Nam, thị trường bất động sản đang bước vào chu kỳ tăng trưởng mới, được thúc đẩy bởi những cải cách hành chính và sự đầu tư vào cơ sở hạ tầng. Việc triển khai Luật Đất đai, Luật Nhà ở và Luật Kinh doanh bất động sản sửa đổi từ tháng 8/2024 đã góp phần rút ngắn quy trình phê duyệt và đảm bảo quyền lợi cho nhà đầu tư.

Ông Neil MacGregor đánh giá rằng, các xu hướng mới như đô thị thông minh, ứng dụng trí tuệ nhân tạo vào nền tảng công nghệ bất động sản và phát triển bền vững đang dần định hình thị trường. Nhà ở giá hợp lý cũng là một trong những định hướng trọng tâm, với sự hỗ trợ từ các cơ chế thúc đẩy hợp tác công tư và sự tăng cường phát triển toàn diện.

An Nhiên

Theo Chất lượng và cuộc sống