Không còn tâm lý chờ đợi, nhà đầu tư bất động sản đã sẵn sàng “xuống tiền”?

Hiện tại, nhà đầu tư đã thể hiện tâm lý tích cực hơn, sẵn sàng xuống tiền mua bất động sản trong năm nay mà không còn tâm lý chờ thị trường “tạo đáy” như trước kia.

Không còn tâm lý chờ đợi, nhà đầu tư bất động sản đã sẵn sàng “xuống tiền”? - Ảnh 1

Nhà đầu tư đã sẵn sàng “xuống tiền”

Trong báo cáo thị trường bất động sản công bố gần đây nhất, Hội Môi giới bất động sản Việt Nam (VARS) cho biết, kết quả phục hồi của thị trường bất động sản trong quý I vừa qua đã rõ nét hơn. Nguồn cung là 30.511 sản phẩm, trong đó có hơn 4.626 sản phẩm mới, lần đầu tiên ra mắt thị trường.

Thị trường ghi nhận khoảng 6.360 giao dịch, tăng 10% so với quý IV/2023, gấp đôi cùng kỳ năm 2023. Bên cạnh đó, tỷ lệ hấp thụ đạt 21%, tăng 4 điểm% so với quý IV/2023, gấp gần 3 lần so với quý I/2023. Trong đó, các dự án mới hoàn toàn đạt tỷ lệ hấp thụ lên tới 51%.

Đáng chú ý, sau một thời gian dài cẩn trọng quan sát từng động thái, diễn biến của thị trường, nhà đầu tư đã bắt đầu thể hiện rõ sự quan tâm trở lại với thị trường bất động sản.

Theo báo cáo, lượt quan tâm tìm kiếm nhà riêng tập trung chủ yếu ở các quận ngoại thành Hà Nội và TPHCM do nguồn cung khu vực nội thị khan hiếm và đắt đỏ. Nhìn tổng thể, nhà riêng ngoại thành Hà Nội có mức độ tìm kiếm tăng mạnh hơn so với TPHCM, theo đó lượt tìm kiếm nhà riêng ngoại thành Hà Nội tăng từ 12-43%, trong khi TPHCM chỉ biến thiên trong khoảng 4-14%.

Tuy nhiên, sự quan tâm này được thực hiện một cách bài bản, cân nhắc và tính toán hơn. Thay vì quyết định xuống tiền ngay khi vừa tiếp cận, nhà đầu tư sẵn sàng dành thời gian, chi phí để kiểm tra pháp lý và khảo sát thực địa thật kỹ trước khi quyết định.

"Qua khảo sát cho thấy 70% nhà đầu tư đã sẵn sàng xuống tiền mua bất động sản trong năm nay nếu tìm được sản phẩm phù hợp. Đất nền, thấp tầng là hai phân khúc nhận được sự quan tâm nhiều nhất", đại diện của VARS chia sẻ.

Báo cáo chỉ số về tâm lý người tiêu dùng bất động sản (CSS) của Batdongsan.com.vn cũng cho thấy, các bên mua - bán bất động sản hiện không quá dè chừng như năm 2023. Chỉ số tâm lý thị trường bất động sản nửa đầu năm 2024 tăng 3 điểm so với nửa cuối năm 2023, nhờ sự cải thiện mức độ hài lòng của người tiêu dùng về tiềm năng tăng giá bất động sản, về lãi suất vay mua nhà và chính sách, tình hình thị trường.

Cũng theo báo cáo của Batdongsan.com.vn, mức độ quan tâm tìm kiếm bất động sản của người tiêu dùng đã tăng trưởng trở lại trong quý 1/2024, 62% số người tham gia khảo sát sẵn sàng tận dụng cơ hội để mua bất động sản giảm giá hoặc có chính sách tốt.

Ông Đinh Minh Tuấn, Giám đốc Batdongsan.com.vn khu vực miền Nam, cho biết động thái đi "săn" đất của nhà đầu tư được xem là vừa tranh thủ thời gian thị trường đang "xuống đáy" giá nhà đất thấp, dễ thương lượng mua, vừa đón đầu cơ hội trước khi Luật Đất đai và Luật Kinh doanh bất động sản được thực thi và khả năng lớn sẽ làm thay đổi mặt bằng giá của mọi loại hình bất động sản.

Đáng chú ý, trong quý I vừa qua, đất nền ngoại thành Hà Nội sôi động trở lại với lượt quan tâm tương đương thời điểm quý II/2022, khi thị trường chưa "lao dốc", tập trung ở các quận huyện: Đông Anh, Long Biên, Chương Mỹ, Thạch Thất, Hoài Đức. Trong khi đó, đất nền tại các tỉnh phía Bắc như Hải Phòng, Quảng Ninh, Hòa Bình, Hưng Yên… vẫn khá im ắng.

Trong khi đó, ở thị trường phía Nam, đất nền cũng tạm ngừng đà giảm, đi ngang trong một thời gian khá dài (từ quý I/2023), chưa khởi sắc nhưng cũng không giảm thêm.

Triển vọng sáng của thị trường trong năm 2024

VARS nhận định quý I/2024 là bước đệm nhẹ để thị trường giữ nhịp, trước khi chuyển sang bước tiến mới với kỳ vọng sự phục hồi sẽ ngày càng trở nên rõ nét ở các quý sau.

Đơn vị này kỳ vọng, trong năm 2024, Chính phủ, các cơ quan, Bộ, ngành liên quan tiếp tục nỗ lực hoàn thiện để ban hành Nghị định quy định chi tiết hướng dẫn thi hành Luật Nhà ở, Luật Đất Đai, Luật Kinh doanh BĐS sớm nhất.

Bên cạnh đó, lãi suất ngân hàng tiếp tục duy trì ổn định ở mức thấp. Từ đó, dòng tiền đáo hạn tại ngân hàng bắt đầu tìm các kênh đầu tư đem lại mức lợi nhuận hấp dẫn hơn, trong đó có BĐS, đặc biệt là sản phẩm đất nền với giá trị đầu tư không quá cao, tiềm năng sinh lời lớn.

Ngoài ra, Chính phủ tiếp tục đẩy mạnh tháo gỡ khó khăn, phát triển phân khúc NOXH. Các động thái mới sẽ ngày càng sâu và sát hơn. Cùng với đó, Chính phú sẽ tiếp tục thúc đẩy quy hoạch địa phương, chú trọng giải ngân đầu tư công, tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.

Đối với thị trường địa ốc, VARS dự báo quá trình phục hồi sẽ tiếp tục diễn biến theo chiều hướng tích cực. Mọi sự chuyển biến sẽ diễn ra từ từ, ổn định dựa trên đà phục hồi và tích lũy trước đó, cùng với sự hậu thuẫn từ tăng trưởng kinh tế và sự phát triển của đô thị hóa. Tuy nhiên, sự phục hồi vẫn có sự phân hóa theo phân khúc và khu vực tương tự như quý I/2024.

Sau khi trải qua giai đoạn khó khăn, các doanh nghiệp còn tồn tại sẽ có sức chống chịu tốt. Cùng với việc tự tái cấu trúc, những đơn vị này sẽ sẵn sàng tâm thế cho giai đoạn phục hồi của thị trường BĐS. VARS nhìn nhận số lượng các công ty địa ốc sẵn sàng tái nhập cuộc sẽ ngày càng tăng lên. Điều này dẫn đến sẽ ngày càng có nhiều các dự án được giới thiệu, mở bán ra thị trường; số lượng giao dịch, môi giới BĐS quay trở lại hoạt động dự báo tăng thêm 30-40%; các nhà băng cũng rục rịch nhập cuộc để chuẩn bị cho giai đoạn chạy đua các chính sách cho vay.

Theo ông Lê Đình Chung, thành viên Tổ công tác Nghiên cứu thị trường VARS, Tổng Giám đốc SGO Homes nhận định, giá bất động sản ghi nhận nhiều dấu hiệu tăng trưởng trên cả thị trường sơ cấp và thứ cấp. Cụ thể, chỉ số giá căn hộ chung cư tại Hà Nội tiếp tục duy trì xu hướng tăng dần qua các quý, với mức tăng khoảng 8 điểm phần trăm so với quý trước và 48% so với quý I/2019. Còn tại TPHCM, chỉ số giá căn hộ tăng khoảng 2 điểm phần trăm theo quý và 21% với quý I/2019.

Ngay trong những tháng đầu năm, thị trường ghi nhận hiện tượng giá căn hộ chung cư, đất nền, thổ cư tăng “chóng mặt", cục bộ ở một số khu vực. Không thể phủ nhận, việc tăng giá có xuất phát từ cán cân cung - cầu thực.

An Nhiên

Theo Chất lượng và Cuộc sống