Kỳ vọng điều chỉnh pháp lý để condotel “bừng sáng” trong năm 2021

Thị trường bất động sản 2020 đang bước vào quý IV và cũng là giai đoạn lấy đà tăng tốc cho sự phát triển trở lại vào năm 2021. Trong đó, thị trường đang đặt nhiều kỳ vọng vào condotel với những điều chỉnh pháp lý.

Báo cáo quý III/2020 mới đây của Bộ Xây dựng cho hay, ảnh hưởng của dịch Covid-19 vẫn tác động mạnh mẽ tới thị trường bất động sản nghỉ dưỡng, giá cho thuê phòng bình quân toàn thị trường tiếp tục xu hướng giảm so với cùng kỳ năm 2019.

Tại quý III, số lượng dự án du lịch, nghỉ dưỡng được cấp phép giảm mạnh khoảng 46,7% so với quý trước. Cả nước có 49 dự án với 3.772 căn hộ du lịch, 3.505 biệt thự du lịch được cấp phép. Ngoài ra, có 94 dự án với 18.812 căn hộ du lịch và 6.089 biệt thự du lịch đang triển khai xây dựng; 23 dự án với 68 căn hộ du lịch, 375 biệt thự du lịch được hoàn thành.

Tại miền Bắc, số lượng các dự án du lịch nghỉ dưỡng được cấp phép là 5, số lượng dự án đang triển khai là 3. Giảm nhẹ so với quý trước.

Tại miền Trung, số lượng các dự án du lịch nghỉ dưỡng quý này tăng hơn so với quý trước, số lượng dự án được cấp phép tăng mạnh (tăng thêm 37 dự án, gấp khoảng hơn 6 lần), số lượng dự án đang triển khai tăng 9 dự án, số lượng dự án hoàn thành tăng 12 dự án (gấp 2 lần).

Trong khi đó, tại miền Nam, số liệu của Bộ Xây dựng tổng hợp cho thấy sự chững lại rõ rệt của phân khúc này. Trong quý III không có dự án du lịch nghỉ dưỡng nào được cấp phép mới cũng như đang xây dựng và hoàn thành. Tính đến hết tháng 9/2020, cả nước chỉ ghi nhận hơn 4.000 sản phẩm condotel mới được chào bán ra thị trường.

Tuy nhiên, thị trường condotel gần như đóng băng, lượng giao dịch không đáng kể. Khoảng 2/3 dự án có sản phẩm đang chào bán trên thị trường không phát sinh giao dịch. Những khu vực dẫn đầu về thị trường condotel như Quảng Ninh, Đà Nẵng, Phú Quốc, Bình Thuận,… đều có số lượng giao dịch ở mức rất thấp.

Kỳ vọng điều chỉnh pháp lý để condotel “bừng sáng” trong năm 2021 - Ảnh 1
Kỳ vọng điều chỉnh pháp lý để condotel “bừng sáng” trong năm 2021.

Trên thực tế, việc nguồn cung một số sản phẩm bất động sản nghỉ dưỡng tiếp tục khan hiếm trong thời gian gần đây xuất phát từ nhiều nguyên nhân, bao gồm các yếu tố như tác động của dịch Covid-19, quy hoạch, quy trình pháp lý, cam kết lợi nhuận,...

Mặc dù các bộ ngành đã có văn bản hướng dẫn về các vấn đề pháp lý condotel, thế nhưng theo các chuyên gia, doanh nghiệp, điều này vẫn chưa đủ. Theo các chuyên gia, đối với các nhà đầu tư, việc không được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất khiến họ có tâm lý lo ngại. Bởi chỉ khi khẳng định được quyền sở hữu mới dễ định đoạt tài sản, trong trường hợp cần tiền còn có thể chuyển nhượng,...Ngoài ra, việc nhiều chủ đầu tư không thực hiện cam kết lợi nhuận cũng khiến cho niềm tin của nhà đầu tư đối với thị trường bị lung lay.

Tại buổi giao lưu trực tuyến “Thị trường bất động sản năm 2021: Dự báo xu hướng và cơ hội đầu tư” mới đây, ông Nguyễn Mạnh Hà, Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, cho rằng condotel vẫn còn tiềm năng dể phát triển dù đã có dấu hiệu chững lại trong năm 2019 - 2020.

Theo ông Hà, Chính phủ và các bộ ngành đang hoàn thiện pháp lý cho mô hình condotel. Nếu nhìn nhận khách quan, mô hình này khá tốt, huy động được vốn của các nhà đầu tư nhỏ lẻ để có thể xây dựng các khu đô thị nghỉ dưỡng lớn để thu hút khách. Do đó, vấn đề căn cơ đặt ra là pháp lý về condotel cần hoàn thiện. Các chủ đầu tư cũng cần điều chỉnh phương thức phát triển sản phẩm để phù hợp với nguồn vốn, đáp ứng nhu cầu của nhà đầu tư mà không vi phạm pháp luật.

TS. Cấn Văn Lực, cũng cho rằng hiện nay, bất động sản nghỉ dưỡng, trong đó có condotel, sau một thời gian phát triển “nóng” và mang tính tự phát cao thì đang trong giai đoạn điều chỉnh, nhất là trong và sau dịch Covid-19. Tuy nhiên, về lâu dài, bất động sản du lịch, nghỉ dưỡng vẫn là loại hình tiềm năng.

Ông Cấn Văn Lực chỉ ra 3 lý do cho nhận định của mình. Thứ nhất, các bộ ngành và chính quyền địa phương đang thay đổi, điều tiết để cung cầu hợp lý hơn, có tính quy hoạch cao hơn. Thứ hai, ngành du lịch Việt Nam đã và đang trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, hiện đóng góp khoảng 9,2% GDP và có thể lên đến 12 - 14% GDP vào 2025 như chiến lược phát triển du lịch mà Thủ tướng đã ban hành hồi đầu năm. Thứ ba, trong và sau dịch bệnh, xu hướng second-home ngày càng trở nên phổ biến hơn, tạo đà cho bất động sản du lịch, nghỉ dưỡng phát triển.

Ông Lực nhận định: “Trong tương lai, để đầu tư condotel đòi hỏi trường vốn và mức độ kiên trì của nhà đầu tư”.

Trước đó, Văn phòng Chính phủ phát đi Thông báo số 33/TB-VPCP, truyền đạt ý kiến kết luận của Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng tại cuộc họp Ban chỉ đạo Trung ương về chính sách nhà ở và thị trường bất động sản, nhằm tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh.

Trong đó, Phó thủ tướng yêu cầu Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì nghiên cứu sửa đổi, bổ sung chế độ sử dụng đất, cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản khác gắn liền với đất đối với loại hình condotel và officetel.

Sau văn bản hướng dẫn về việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng cho condotel của Bộ Tài nguyên và Môi trường, động thái này một lần nữa cho thấy quyết tâm của các cấp chính quyền trong việc khơi thông thủ tục, thúc đẩy sự phát triển lành mạnh của loại hình “con lai”. Chắc chắn, khi loại hình condotel được phát triển chính danh, các sản phẩm sẽ được quan tâm hơn, lòng tin của người mua nhà cũng ngày càng vững chắc.

An Vũ