Là kênh “giữ tiền” hàng đầu nhưng vì sao bất động sản vẫn chưa được khai thách triệt để?
Dù thị trường bất động sản chưa thể “sôi động” trở lại sau thời gian dài trầm lắng, tuy nhiên, trong bất cứ hoàn cảnh nào đây vẫn là kênh đầu tư đạt lợi nhuận tốt so với những loại hình đầu tư khác. Đồng thời cũng là kênh “giữ tiền” hàng đầu. Những khó khăn, thách thức đang “kìm hãm” sự phát triển của kênh đầu tư tiềm năng này.
Là kênh “giữ tiền” hàng đầu
Theo kênh thông tin bất động sản Batdongsan.com.vn, kể từ năm 2015 đến nay, các hoạt động đầu tư bất động sản, chứng khoán, vàng, tiền gửi tiết kiệm có diễn biến và tạo ra những mảng màu khác nhau. Trong khi thị trường chứng khoán chứng kiến nhiều biến động nhất thì lợi nhuận từ tiền gửi tiết kiệm tăng 41%, từ đầu tư đất nền tăng 69%, từ vàng tăng 90%. Vượt lên tất cả, việc đầu tư vào mặt hàng căn hộ chung cư ghi nhận tốc độ tăng tỷ suất lợi nhuận nhanh, ổn định nhất, với 97%.
So sánh hiệu quả của các kênh đầu tư phổ biến hiện nay trong 2 năm trở lại đây, Viện Nghiên cứu bất động sản (Hiệp hội Bất động sản Việt Nam) cho biết, đầu tư bất động sản đem lại lợi suất cao nhất khi tăng 14%, theo sau là trái phiếu (8,5%), vàng (7,36%), gửi tiết kiệm (6%), ngoại tệ (3,94%). Trong khi đó, lợi nhuận từ đầu tư cổ phiếu giảm 20,14%.
Các số liệu cho thấy, cả trong ngắn hạn và dài hạn, bất động sản vẫn là kênh đầu tư đem lại lợi suất cao nhất. Theo Chủ tịch Hội Môi giới bất động sản Việt Nam Nguyễn Văn Đính, giá trị bất động sản trên thị trường đang được gia tăng nhờ hạ tầng ngày càng phát triển. Bên cạnh đó, việc khan hiếm nguồn cung cũng kéo theo giá bất động sản tăng cao. Khi quá trình đô thị hóa tăng nhanh, nhu cầu nhà ở cũng gia tăng rất cao.
Đánh giá về tiềm năng của thị trường bất động sản Việt Nam, ông Joe Dische, Giám đốc Tài chính PropertyGuru - Tập đoàn sở hữu các nền tảng công nghệ bất động sản tại Đông Nam Á chia sẻ, chưa từng thấy đất nước nào mà người dân quan tâm đến việc mua bất động sản nhiều như Việt Nam. Đây có lẽ là thị trường mà PropertyGuru thấy hào hứng nhất trong dài hạn...
Báo cáo về tâm lý người tiêu dùng BĐS của Batdongsan.com.vn nửa đầu năm 2024 cũng chỉ ra, có đến 65% người được hỏi cho biết họ vẫn dự định BĐS trong 1 năm tới. Các bên mua, bán BĐS đã không còn e dè như năm 2023.
Cùng với đó, chỉ số tâm lý thị trường BĐS nửa đầu năm 2024 cũng tăng 3 điểm so với nửa cuối năm 2023. Chỉ số này tăng lên nhờ sự cải thiện mức độ hài lòng của người tiêu dùng về tiềm năng tăng giá BĐS, về lãi suất vay mua nhà và chính sách, tình hình thị trường.
Lý giải cho việc BĐS vẫn là kênh đầu tư sinh lời cao nhất, Viện Nghiên cứu BĐS Việt Nam cho rằng, kênh đầu tư BĐS được săn đón xuất phát từ việc các chủ đầu tư liên tục tung ra các mức chiết khấu “khủng”. Điều này đã khiến nhiều dự án tiệm cận với giá trị thực.
Bên cạnh đó, thị trường đang đón nhận thêm nhiều thông tin tích cực. Nổi bật nhất là sự “hạ nhiệt” của lãi suất cho vay hiện chỉ còn dao động trong khoảng 8 - 10%/năm. Giữa bối cảnh lãi suất giảm dần, Viện Nghiên cứu BĐS Việt Nam dự báo, tâm lý của nhà đầu tư sẽ được cải thiện. Do đó, thị trường BĐS sẽ phục hồi từ quý II/2024.
TS. Lê Xuân Nghĩa, thành viên Hội đồng tư vấn Chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia, chia sẻ, giá nhà đất sẽ khó lòng “hạ nhiệt” trong thời gian tới. Nguyên nhân xuất phát từ việc nguồn cung trên thị trường vẫn còn hạn chế, hàng loạt dự án vẫn đang trong tình trạng “đắp chiếu”, trong khi sức cầu lại rất lớn.
“Bất động sản là một trong những sản phẩm có tốc độ tăng giá khá cao. Đây là thực tế không chỉ ở Việt Nam, mà còn là trên toàn thế giới. Bởi lẽ, đất là một tài sản hữu hạn và gắn với cơ sở hạ tầng, trong đó có cả những cơ sở hạ tầng mềm, ví dụ trường học, bệnh viện… Những tiện ích đó không thể phát triển một cách dễ dàng và nhanh chóng. Như ở Mỹ, nếu để hoàn thiện cơ sở hạ tầng như bên Trung Quốc, chính phủ sẽ phải đầu tư thêm 3.400 tỷ USD”, ông Nghĩa nói.
Theo ông Nghĩa, với tiềm năng tăng giá hấp dẫn cùng tâm lý “tấc đất, tấc vàng”, nhiều người Việt đã lựa chọn bất động sản là kênh giữ tiền hoặc đầu tư (trong cả ngắn và dài hạn).
Nhưng chưa được khai thác triệt để
Mặc dù là kênh đầu tư tiềm năng và có mức sinh lời cao so với các kênh đầu tư phổ biến khác, song những khó khăn, thách thức lại đang kìm hãm sự phát triển của kênh đầu tư bất động sản, khiến giá trị của bất động sản chưa được khai thác triệt để.
Nhiều ý kiến đánh gia rằng, mặc dù thị trường bất động sản Việt Nam đã có những bước phát triển tích cực, nhưng vẫn còn nhiều hạn chế và thách thức cần được giải quyết để khai thác triển vọng đầy đủ.
Một trong những yếu tố chính gây ảnh hưởng đến sự phát triển của thị trường bất động sản là quy định pháp lý và chính sách thuế. Quá trình làm thủ tục pháp lý chưa được đơn giản hóa và rõ ràng, gây ra sự chậm trễ và rủi ro cho các dự án. Ngoài ra, chính sách thuế vẫn còn nhiều hạn chế và không đồng đều, làm tăng chi phí đầu tư và giới hạn khả năng tiếp cận của các nhà đầu tư.
Ngoài ra, yếu tố quan trọng để thị trường bất động sản phát triển là hạ tầng giao thông, điện lực, nước sạch và các tiện ích công cộng. Tuy nhiên, việc đầu tư hạ tầng chưa đồng bộ và chậm tiến độ đã làm giảm sự hấp dẫn của một số khu vực và giới hạn khả năng phát triển của thị trường.
Theo đó, thị trường bất động sản cần độ tin cậy và minh bạch trong việc cung cấp thông tin và đánh giá rủi ro. Hiện nay, vẫn còn thiếu thông tin chính xác về giá trị, quy hoạch và pháp lý của các dự án. Điều này làm tăng rủi ro đối với các nhà đầu tư và hạn chế sự phát triển của thị trường.
Việc thiếu nguồn tài chính và khó khăn trong việc vay vốn cũng là một nguyên nhân khiến thị trường bất động sản không thể khai thác triển vọng đầy đủ. Đặc biệt đối với các doanh nghiệp nhỏ và vừa, việc tiếp cận vốn vay để triển khai dự án trở nên khó khăn, gây hạn chế cho sự phát triển của thị trường.
Bên cạnh đó, thị trường bất động sản đối mặt với rủi ro về sự biến động của giá cả và cung cầu. Sự không ổn định trong thị trường tài chính và kinh tế có thể tác động mạnh đến thị trường bất động sản và làm giảm sự tin tưởng của các nhà đầu tư.
Do đó, để thúc đẩy sự phát triển của thị trường này, cần có những biện pháp và chính sách nhằm giải quyết các vấn đề trên.
Trước hết, cần tiếp tục cải thiện quy định pháp lý và chính sách thuế liên quan đến bất động sản. Quy trình làm thủ tục pháp lý cần được đơn giản hóa, rõ ràng và minh bạch để tạo điều kiện thuận lợi cho các dự án. Ngoài ra, chính sách thuế cần được điều chỉnh sao cho công bằng và đồng đều, không tạo ra áp lực tài chính không cần thiết cho các nhà đầu tư.
Thứ hai, việc đầu tư hạ tầng cần được ưu tiên và đồng bộ hóa. Chính phủ cần tăng cường đầu tư vào hạ tầng giao thông, điện lực, nước sạch và các tiện ích công cộng khác. Điều này sẽ góp phần tạo ra môi trường sống và làm việc thuận lợi, nâng cao giá trị của các khu vực bất động sản và thu hút nhà đầu tư.
Thứ ba, để tăng cường thông tin và đánh giá rủi ro, cần thiết lập hệ thống thông tin bất động sản chính xác và minh bạch. Các cơ quan chức năng cần đảm bảo việc cung cấp thông tin đầy đủ về giá trị, quy hoạch và pháp lý của các dự án, từ đó giúp giảm thiểu rủi ro cho các nhà đầu tư và tạo độ tin cậy cho thị trường.
Thứ tư, hỗ trợ tài chính và vay vốn là một yếu tố quan trọng để thị trường bất động sản phát triển. Chính phủ và các tổ chức tài chính cần tạo ra các chính sách và sản phẩm tài chính linh hoạt, hỗ trợ cho việc đầu tư bất động sản, đặc biệt là đối với các doanh nghiệp nhỏ và vừa. Đồng thời, cần tăng cường quản lý và giám sát việc vay vốn để tránh tình trạng nợ xấu và rủi ro tài chính.
Cuối cùng, để giảm thiểu rủi ro từ sự biến động của thị trường, cần tăng cường quản lý và giám sát thị trường bất động sản. Các chính sách điều chỉnh nên được áp dụng để kiểm soát giá cả và cung cầu, đồng thời cần tạo ra môi trường ổn định và dự đoán được cho thị trường tài chính và kinh tế.