Lãi suất huy động tiếp tục được điều chỉnh giảm
Lãi suất huy động tại Agribank, BIDV, Vietcombank và VietinBank đã giảm về mức thấp nhất trong lịch sử, chỉ từ 4,3-4,7%/năm cho kỳ hạn 12 tháng.
Lãi suất huy hộng thấp nhất trong lịch sử
Tuần trước, kênh nghiệp vụ thị trường mở không thực hiện giao dịch mới. Với 58,2 ngàn tỷ đồng tín phiếu đáo hạn, tổng khối lượng tín phiếu đang lưu hành trên thị trường giảm về 15 ngàn tỷ đồng và toàn bộ sẽ đáo hạn trong tuần này.
Đối với lãi suất liên ngân hàng, lãi suất kỳ hạn qua đêm duy trì ở mức thấp 0,15%. Chênh lệch giữa lãi suất VND-USD kỳ hạn qua đêm ở mức -500 điểm cơ bản.
Điểm đáng chú ý là thanh khoản trên thị trường 2 sôi động với khối lượng giao dịch ở kỳ hạn qua đêm ở mức trung bình khoảng 240 ngàn tỷ đồng/ ngày - cho thấy sự phân bổ thanh khoản trên thị trường không đồng đều giữa các ngân hàng thương mại. Điều này cũng phản ánh qua mức tăng trưởng tín dụng.
Cụ thể, đến ngày 23/11/2023, tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống đạt 8,4%, thấp hơn so với chỉ tiêu định hướng đầu năm và tăng trưởng tín dụng của hệ thống tổ chức tín dụng không đồng đều.
Do đó, Ngân hàng Nhà nước trong tuần trước đã thông báo mức tăng trưởng tăng thêm cho các tổ chức tín dụng nếu họ có dư nợ tín dụng đến nay đạt đến 80% chỉ tiêu tín dụng đã được thông báo. Trước thông tin này, Trung tâm Tư vấn và Phân tích Đầu tư CTCP Chứng khoán SSI (SSI Research) đánh giá 4 ngân hàng sẽ được hưởng lợi lớn nhất từ động thái trên là MSB, Techcombank, OCB và VPBank.
Trong tuần trước, hầu hết ngân hàng tiếp tục điều chỉnh giảm thêm lãi suất huy động, với mức giảm 10-30 điểm cơ bản. Hiện nay, mức lãi suất kỳ hạn 12 tháng ở “big 4” đã giảm về mức thấp nhất trong lịch sử, chỉ từ 4,3%/năm dành cho khách hàng tổ chức và 4,8%/năm cho khách hàng cá nhân.
Cụ thể, lãi suất kỳ hạn 12 tháng dành tại Vietcombank là 4,3%/năm khách hàng tổ chức và 4,8%/năm cho khách hàng cá nhân. Còn lãi suất tại Agribank, BIDV và VietinBank là 4,7%/năm cho khách hàng tổ chức và 5,3%/năm cho khách hàng cá nhân.
Chênh lệch tỷ giá niêm yết và tự do nới rộng
Thị trường tài chính toàn cầu đón nhận khá nhiều thông tin kinh tế trong tuần trước, cùng với các phát biểu của quan chức của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) và giúp đồng USD có xu hướng chung vẫn nghiêng về chiều hướng giảm.
Trong đó, chỉ số giá tiêu dùng của Mỹ tiếp tục hạ nhiệt khi lần lượt chỉ tăng 3,5% và 3,0% cho chỉ số PCE toàn phần và cơ bản, giảm so với mức tăng 3,7% và 3,4% trong tháng 9.
Chỉ số PMI sản xuất của Mỹ yếu hơn kỳ vọng cho thấy nền kinh tế Mỹ đang chậm lại khiến cho thị trường định giá cao hơn xác xuất FED sẽ giảm lãi suất ngay trong kỳ họp tháng 3 năm sau.
Đồng thời, các phát biểu của quan chức FED, bao gồm cả Chủ tịch Powell đã có phần nào thay đổi giọng điệu đối với lạm phát, mặc dù vẫn thận trọng trước kỳ vọng giảm lãi suất.
Hiện tại, công cụ dự báo của CME cho thấy có 60% khả năng FED giảm 25 điểm cơ bản trong kỳ họp tháng 3, từ mức 25% trong 1 tuần trước đó và 90% khả năng FED sẽ giảm lãi suất trong tháng 5.
Về biến động của đồng USD (thông qua chỉ số DXY), DXY giảm nhẹ -0,13% và giúp các đồng tiền chủ chốt tăng giá so với USD như: GBP +0,86%, JPY +1,78%, CAD +1,02% hay CHF +1,56%.
Tại thị trường trong nước, do có độ trễ nên tỷ giá USDVND gần như đi ngang trong tuần qua. Tỷ giá liên ngân hàng kết tuần ở vùng VND 24.300, tăng nhẹ 0,1%.
Tương tự, tỷ giá niêm yết của Vietcombank đóng cửa quanh mức VND 24.080 - 24.450, tăng 30 đồng so với tuần trước đó. Ngược lại, tỷ giá trên thị trường tự do biến động trong biên độ hẹp và kết tuần ở VND 24.650, tăng 3,7% so với cuối năm 2022.