Lãi suất tăng cao, nhà đầu tư bất động sản “kiệt quệ” muốn bán tháo
Không ít nhà đầu tư bất động sản đang kiệt sức vì gồng trả lãi vay do sử dụng đòn bẩy tài chính. Theo đó, các chuyên gia cho rằng, những người đã vay mua bất động sản trước đó khi không đủ sức để “gồng” lãi sẽ tiếp tục phải hạ giá để bán.
Lãi vay tăng cao, nhà đầu tư “lao đao”
Thị trường bất động sản từ quý II/2022 đột ngột rơi vào trầm lắng, nguyên nhân là các chính sách tiền tệ có sự thay đổi. Theo đó, nguồn tiền đổ vào thị trường có phần hạn chế khiến thanh khoản cũng sụt giảm mạnh mẽ. Nhiều nhà đầu tư sử dụng đòn bẩy tài chính để mua trước đó, đến nay chật vật rao bán lỗ nhưng không thoát được hàng. Cộng thêm thời gian qua, lãi suất ngân hàng liên tục tăng cao khiến không ít người lâm tình cảnh “kiệt sức”.
Hiện nay, khi lãi suất huy động ở mức cao nên các ngân hàng đã điều chỉnh lãi suất cơ sở tăng lên từ 0,5-1,2%. Tạm tính từ đầu tháng 10 đến nay, lãi suất cơ sở đã tăng trên 2%. Thị trường bất động sản rơi vào trầm lắng cộng với lãi vay ngân hàng tăng nêu trên đã và đang ảnh hưởng trực tiếp tới với các doanh nghiệp, khách hàng cá nhân vay vốn.
Từ tháng 9 năm nay, anh Trần Đức Thạnh (Bắc Ninh) liên tục nhận được tin nhắn, cuộc gọi nhắc lịch trả lãi từ ngân hàng và chủ nợ. Anh Thạnh thừa nhận, nguyên nhân khiến bản thân lâm vào tình cảnh như vậy là thiếu kinh nghiệm, kiến thức về thị trường bất động sản.
Anh Thạnh chia sẻ, khoảng cuối năm 2020, anh đã dồn hết vốn liếng tích cóp, vay ngân hàng, mượn bạn bè, người quen để mua liền 2 lô đất nền giá khoảng hơn 5 tỷ đồng.
Trong tình hình thị trường bất động sản trầm lắng như hiện nay, không chỉ anh Thạnh mà khá nhiều nhà đầu tư dùng đòn bẩy tài chính để tham gia thị trường bất động sản cũng đang lao đao vì sản phẩm không có thanh khoản trong khi lãi suất ngân hàng được thả nổi và có xu hướng ngày một tăng.
Theo thống kê của batdongsan.com.vn, có tới 36% số người được hỏi cho biết rào cản lớn nhất là khách hàng lo sợ thị trường tiêu cực nên không dám đầu tư vào bất động sản; 23% chia sẻ giao dịch không thể chốt thành công do khách hàng bị hạn chế trong vay vốn để mua bất động sản; 19% nhận thấy trở ngại chính là giá bất động sản quá cao so với khả năng tài chính của người mua.
Không chỉ nhà đầu tư, những thách thức của thị trường cũng đang đẩy doanh nghiệp bất động sản vào thế khó khi dòng vốn từ ngân hàng co hẹp, lãi suất tăng cao. Thậm chí, sau thời gian dài chịu tác động từ nhiều trở ngại, cộng với thanh khoản gần như "bốc hơi", nhiều doanh nghiệp bất động sản và nhà đầu tư buộc phải cắt lỗ.
Do đó, thị trường ngày càng xuất hiện doanh nghiệp địa ốc tung ra chiết khấu tới 40-50% giá sản phẩm, thậm chí có mức ưu đãi "khủng" nếu khách hàng thanh toán ngay.
Thị trường sẽ xảy ra tình trạng bán tháo?
Nhiều chuyên gia cho rằng, việc lãi suất tăng cao sẽ tác động mạnh tới thị trường bất động sản. Những nhà đầu tư trước đó dùng đòn bẩy tài chính sẽ phải bán tài sản để giải phóng áp lực.
Theo các chuyên gia, lãi suất tăng cao, các ngân hàng sẽ hút được lượng lớn tiền gửi. Song, điều này sẽ không tốt đối với thị trường bất động sản.
Năm trước, thị trường tăng nóng, nhiều người đi vay để mua, đến nay đã hết ưu đãi lãi suất và thả nổi theo thị trường. Lúc này, mức chênh lệch lãi suất đang khoảng 4,5 - 5% so với thời điểm xuống tiền. Nhiều dự báo cho thấy, lãi vay vẫn tăng trong thời gian tới, việc các nhà đầu tư sử dụng đòn bẩy không chịu được áp lực sẽ phải bán tháo.
Ông Điệp cho rằng, tình trạng bán tháo có thể xảy ra vào thời gian tới, sẽ xuất hiện đầu tiên ở phân khúc có tính đầu cơ cao như đất nền. Đặc biệt là ở các tỉnh khi không có nhiều nhu cầu thực, chưa đưa vào khai thác ngay được và thời gian qua đã tăng nóng, vượt xa giá trị thực.
Ông Nguyễn Anh Quê - Ủy viên Ban chấp hành Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, nhận định đáy của thị trường bất động sản sẽ rơi vào quý II năm sau. Theo ông, căn cứ trên nhu cầu áp lực dòng tiền, thị trường còn phải điều chỉnh; khả năng đầu quý IV sang năm thị trường sẽ phục hồi và sau đó bắt đầu phát triển trở lại.
Hiện nhà đầu tư bán "cắt lỗ" cũng chỉ giảm khoảng 10-20%, thậm chí 30%. Còn những chủ đầu tư chịu sức ép về trái phiếu mới chiết khấu đến 30-50% cho một số dự án.
Theo ông Đỗ Quý Duy - chuyên gia bất động sản, Nhà nước hiện tại có sự hành động cực kỳ mạnh nhanh và chính xác để giảm thiểu tất cả nguy cơ về mặt tài chính mà chúng ta phải trả giá trong quá khứ.
"Tháng 4 năm nay, thị trường đang có giá bất động sản đang tốt khi dòng vốn chảy vào tốt. Tuy nhiên sau khi xảy ra những bất ổn thì ngay lập tức Ngân hàng Nhà nước có sự điều chỉnh về mặt tín dụng", ông Duy nêu.
GS. Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường cho rằng, thị trường bất động sản chiết khấu đến 50% thì người dân bình thường cũng khó mà mua được.
Bởi lẽ, thị trường vẫn phải giảm nữa, vì chỉ khi các nhà đầu tư quen với hưởng lãi lớn lúc thị trường “sốt nóng” biết chấp nhận lỗ lúc thị trường hạ nhiệt, để tiền nhà và đất vừa túi tiền của người mua thì thị trường mới về đúng giá trị thật.
Trong khi đó, chuyên gia bất động sản Trần Khánh Quang nhận định, thời điểm hiện tại, giá chưa phải “đáy” dù đã có giảm. Và nếu thị trường có hỗ trợ sớm thì đến cuối Quý I/2023 thị trường mới bắt đầu phục hồi, nhưng việc này hiện không khả quan.