Lộ diện 'phao cứu sinh' của loạt 'ông lớn' địa ốc giữa thời điểm thị trường bất động sản phải vượt qua thử thách
Hướng đi của nhiều doanh nghiệp địa ốc lớn trong nước có điểm chung cho thấy đây chính là phao cứu sinh được kỳ vọng mang lại lợi nhuận trong thời gian tới.
Theo nhiều chuyên gia, thị trường bất động sản đang trong quá trình hồi phục với những tín hiệu đáng mừng như niềm tin của người mua đã quay trở lại, lãi suất cho vay ở mức thấp... Tuy nhiên, song hành với đó, thị trường cũng còn phải đối mặt với nhiều thách thức cũng như vẫn phải vượt qua nhiều thức thách về các vấn đề như pháp lý dự án, chênh lệch nguồn cung khi thiếu nhà ở vừa túi tiền trong khi đó nhà ở cao cấp lại dư thừa.
Nhận thấy những thách thức này, trong chiến lược phát triển giai đoạn 2024 - 2025 của nhiều doanh nghiệp địa ốc, nhà ở vừa túi tiền chính là phân khúc được đầu tư một một "phao cứu sinh" và là chiến lược sống còn cho doanh nghiệp ở thời điểm hiện tại cũng như tương lai gần.
Theo định nghĩa của Tập đoàn Nam Long, nhà ở vừa túi tiền (Affordable housing) là phân khúc có tổng giá trị tài sản được chi trả bằng thu nhập tích lũy từu 7 năm trở lên của một hộ gia đình. Loại hình này thu hút các đối tượng là người có nhu cầu ở thực và vừa khả năng chi trả của đại đa số người dân. Nhà ở vừa túi tiền cũng được đánh giá là bền vững trong mọi hoàn cảnh, kể cả khi thị trường bất động sản có khủng hoảng. Tập đoàn này trong năm 2024 cũng đẩy mạnh đầu tư vào phân khúc này khi triển khai bán các dự án có mức giá từ 45-55 triệu đồng/m2 tại khu vực TP. HCM. Các thị trường khác như Long An, Cần Thơ cũng được doanh nghiệp này rao bán các căn hộ dưới 1 tỷ đồng. Trong thời gian tới, Nam Long cũng đặt mục tiêu thực hiện 20.000 căn nhà ở xã hội.
Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển Bất động sản An Gia cũng cho biết sẽ chú trọng phát triển phân khúc nhà ở vừa túi tiền với mức trung cấp, bình dân, hướng đến các đối tượng có nhu cầu ở thực. Theo đó, trong năm nay, doanh nghiệp địa ốc này dự kiến mở bán khoảng 3.000 sản phẩm phân khúc tầm trung, giá bán vừa túi tiền tại tỉnh Bình Dương.
Nhà ở xã hội cũng chính là phân khúc được nhiều doanh nghiệp "ưu ái" đầu từ và triển khai như Công ty Cổ phần Vinhomes với 2 dự án nhà ở xã hội khởi công Hải Phòng và Khánh Hòa; Tập đoàn Hoàng Quân cũng "bắt tay" với Tập đoàn Novaland phát triển các dự án nhà ở xã hội ở TP.Hồ Chí Minh, Bình Dương, Bình Thuận, Đồng Nai, Long An…Hay Tổng Công ty Đầu tư và Phát triển Công nghiệp - CTCP (Becamex IDC Corp) cũng lên kế hoạch vừa xây dựng, vừa mở rộng từ 10.000 - 20.000 căn nhà ở xã hội như dự án nhà ở xã hội Việt Sing (TP. Thuận An) và Định Hòa (TP. Thủ Dầu Một), tỉnh Bình Dương. Doanh nghiệp này đang phát triển 37 dự án nhà ở xã hội, có thể cung cấp 102.000 căn hộ cho 248.000 người ở các thành phố Thuận An, Thủ Dầu Một, Dĩ An của tỉnh Bình Dương.
Thời gian tới, khi các bộ Luật mới liên quan đến bất động sản có hiệu lực sẽ thúc đẩy sự thay đổi trong hướng phát triển của các chủ đầu tư bất động sản, tập trung vào những sản phẩm phù hợp với nhu cầu của thị trường. Theo giới chuyên môn, việc cung cấp sản phẩm theo nhu cầu thị trường, bán thứ thị trường cần chính là cách tái cơ cấu, là hướng đi sống còn của các doanh nghiệp bất động sản giai đoạn này. Bởi nếu không, doanh nghiệp sẽ rất dễ bị đào thải khi nhu cầu ở thực ngày càng chiếm ưu thế, nhất là trong bối cảnh kinh tế vẫn còn nhiều khó khăn.