Loạt dự án bất động sản ‘ôm đất’ không đưa vào sử dụng, tỉnh Bắc Giang ra chỉ đạo ‘nóng’ chấn chỉnh

Trước tình hình nhiều dự án đầu tư không đưa đất vào sử dụng trên địa bàn tỉnh Bắc Giang, chính quyền địa phương đã ra chỉ đạo ‘nóng’ yêu cầu Sở Tài nguyên và Môi trường phải công bố công khai danh sách các dự án ‘ôm đất’ trong thời hạn 12 tháng liên tục hoặc chậm tiến độ sử dụng đất 24 tháng trước ngày 30/12/2021.

Loạt dự án bất động sản ‘ôm đất’ không đưa vào sử dụng, tỉnh Bắc Giang ra chỉ đạo ‘nóng’ chấn chỉnh - Ảnh 1

Chấn chỉnh lại công tác quản lý đất trên địa bàn tỉnh

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang Lê Ô Píc vừa ký ban hành Chỉ thị số 15/CT-UBND về việc chấn chỉnh một số nội dung trong công tác quản lý đất đai trên địa bàn tỉnh.

Văn bản có nêu rõ, thời gian qua, Sở Tài nguyên và Môi trường, các cơ quan liên quan và UBND các huyện, thành phố đã rất nỗ lực triển khai đồng bộ nhiều biện pháp tăng cường và nâng cao đáng kể hiệu quả công tác quản lý về đất đai trên địa bàn tỉnh; nhiều văn bản pháp luật về chính sách đất đai đã được cụ thể hóa và ban hành kịp thời; hàng loạt điểm nghẽn và khó khăn vướng mắc lớn đã được tháo gỡ, tạo động lực giải phóng tiềm năng đất đai, đóng góp tích cực vào thu ngân sách, thu hút đầu tư, phát triển kinh tế xã hội của tỉnh.

Tuy nhiên, trong bối cảnh hiện nay tỉnh đang phát triển tốc độ cao, công tác quản lý đất đai còn bộc lộ một số hạn chế, yếu kém, điển hình là: việc tổ chức lập, thẩm định quy hoạch sử dụng đất, phương án phân bổ khoanh vùng đất đai còn chưa tốt, thiếu linh hoạt, chưa cho thấy được vai trò điều phối và định hướng chiến lược của cơ quan quản lý đất đai cấp tỉnh; việc quản lý chỉ tiêu sử dụng đất và lập danh mục thu hồi đất, chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa, đất trồng rừng phòng hộ, rừng đặc dụng chưa khoa học, thường xuyên bị động, không nắm chắc số liệu; việc thẩm định hồ sơ giao đất, cho thuê đất, thu hồi đất còn sơ sài, chưa kỹ lưỡng, thiếu thủ tục, còn nhiều hồ sơ trình UBND tỉnh nhưng có sai sót lớn, phải trả lại, gây mất thời gian, làm giảm chỉ số tiếp cận đất đai của tỉnh; việc xử lý các vi phạm về đất đai còn thiếu quyết liệt, hiệu quả chưa cao; việc quản lý các dự án hết hạn sử dụng đất và sau khi được gia hạn sử dụng đất chưa được quan tâm đúng mức; tiến độ xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai rất chậm, ý thức trách nhiệm của các cấp, ngành đối với nhiệm vụ xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai trên địa bàn tỉnh còn hạn chế. Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu Sở Tài nguyên và Môi trường, các cơ quan liên quan và UBND các huyện, thành phố cần nghiêm túc rút kinh nghiệm.

Toàn văn Chỉ thị số 15 vừa được lãnh đạo UBND tỉnh Bắc Giang ban hành về tình hình quản lý và sử dụng đất trên địa bàn tỉnh.  
Toàn văn Chỉ thị số 15 vừa được lãnh đạo UBND tỉnh Bắc Giang ban hành về tình hình quản lý và sử dụng đất trên địa bàn tỉnh.  

Theo đó, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu Sở Tài nguyên và Môi trường cần khẩn trương tư duy, nghiên cứu phương án chuẩn bị sẵn sàng việc phân bổ chỉ tiêu sử dụng đất cho các huyện, thành phố; có văn bản hướng dẫn các địa phương bố trí kinh phí, lựa chọn đơn vị tư vấn thực hiện nhiệm vụ lập quy hoạch theo đúng quy định của pháp luật đảm bảo có được sản phẩm đầy đủ, chất lượng cao.

Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư tổ chức làm việc với từng huyện, thành phố rà soát kỹ lưỡng, đảm bảo đối khớp giữa Quy hoạch sử dụng đất cấp huyện điều chỉnh với phương án Quy hoạch tỉnh được duyệt. Việc thẩm định Quy hoạch sử dụng đất các huyện, thành phố phải được thực hiện nghiêm túc, kỹ lưỡng, phải có tiêu chuẩn rõ ràng, khắc phục bằng được tư duy “tùy tiện”, “đại khái” trong lập quy hoạch. Cùng với đó, Sở Tài nguyên và Môi trường cần khẩn trương chuẩn bị các điều kiện cần thiết cho việc triển khai lập Kế hoạch sử dụng đất tỉnh giai đoạn 2021-2025, trình UBND tỉnh và Ban Thường vụ Tỉnh ủy trong tháng 02/2022.

Đối với công tác lập, thẩm định, quản lý chỉ tiêu sử dụng đất trong Danh mục dự án chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa, đất trồng rừng phòng hộ, rừng đặc dụng trên địa bàn tỉnh, ngay sau khi Danh mục được HĐND tỉnh thông qua tại Kỳ họp thứ 5, yêu cầu Sở Tài nguyên và Môi trường tổng hợp, rà soát kỹ, xây dựng cơ sở dữ liệu để quản lý từng dự án nằm trong tất cả các Danh mục đã được HĐND tỉnh và Thủ tướng Chính phủ chấp thuận; tổng diện tích đất lúa, đất rừng phòng hộ, rừng đặc dụng đã thực hiện từ đầu kỳ đến nay, diện tích đang thực hiện, diện tích còn lại, đảm bảo đối khớp với chỉ tiêu theo phương án Quy hoạch tỉnh đang trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt để có biện pháp quản lý nghiêm, khoa học, hiệu quả.

Đối với việc thẩm định hồ sơ nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất nông nghiệp, chuyển mục đích, giao đất, cho thuê đất, thu hồi đất, gia hạn sử dụng đất cần có biện pháp cụ thể chuyên nghiệp hóa và nâng cao rõ rệt chất lượng thẩm định hồ sơ đất đai. Các hội nghị thẩm định hồ sơ đất đai  ngoài các thành phần khác có liên quan phải mời đại diện UBND các huyện, thành phố để xem xét, xác định rõ việc có hay không chồng lấn với dự án khác, diện tích, loại đất trong khu vực dự án. Người được giao chủ trì thẩm định hồ sơ đất đai phải tổ chức kiểm tra thực địa, được quyền yêu cầu các cơ quan có liên quan cung cấp các thông tin cần thiết phục vụ việc thẩm định.

Đối với việc xử lý các vi phạm về đất đai tập trung cao hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra các địa phương trong thực hiện Chỉ thị số 19 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy. Trước mắt, chỉ đạo Tổ công tác do Chủ tịch UBND tỉnh thành lập tập trung đôn đốc, kiểm tra các địa phương đảm bảo đến hết ngày 31/12/2021 tất cả các vi phạm về đất đai phát sinh sau ngày ban hành Chỉ thị số 19 phải được xử lý xong theo đúng Kế hoạch số 426/KH-UBND ngày 07/9/2021 của UBND tỉnh; trong năm 2022 cơ bản các vi phạm về đất đai trên địa bàn tỉnh cần được xử lý.

Trước ngày 30/12/2021, Sở Tài nguyên và Môi trường phải tổ chức công bố công khai trên trang điện tử của UBND tỉnh danh sách (đã phát hiện và xử lý) các dự án đầu tư không đưa đất vào sử dụng trong thời hạn 12 tháng liên tục hoặc chậm tiến độ sử dụng đất 24 tháng so với tiến độ ghi trong dự án đầu tư; các dự án được gia hạn; các dự án chậm tiến độ sử dụng đất vì lý do bất khả kháng; cung cấp thông tin để công khai trên trang thông tin điện tử của Bộ Tài nguyên và Môi trường và Tổng cục Quản lý đất đai.

Lãnh đạo UBND các huyện, thành phố phải quan tâm, dành nhiều thời gian hơn cho nhiệm vụ xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai; có văn bản chỉ đạo Phòng Tài nguyên và Môi trường, UBND cấp xã tập trung cao phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường trong thực hiện Dự án xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai VILG vay vốn Ngân hàng Thế giới.

Chỉ đạo Phòng Tài nguyên và Môi trường cập nhật thông tin về ngày giao đất thực địa đối với các dự án UBND tỉnh đã giao UBND huyện, thành phố tổ chức giao đất trên thực địa vào hệ thống cơ sở dữ liệu chung quy định tại Điểm c, Mục 1 Chỉ thị này.

Chỉ đạo Phòng Tài nguyên và Môi trường, UBND các xã, phường, thị trấn lập sổ theo dõi riêng, thiết lập hồ sơ quản lý chặt chẽ, không để xảy ra lấn chiếm, tự ý chuyển mục đích sử dụng đất đối với phần diện tích đất nông nghiệp nằm ngoài chỉ giới thực hiện dự án đã thu hồi, bồi thường hoặc nhận chuyển nhượng nhưng không chuyển mục đích sử dụng đất và được UBND tỉnh giao cho UBND cấp xã quản lý tại các Quyết định giao đất, cho thuê đất…

Loạt dự án ‘ôm đất’ vì vướng giải phóng mặt bằng?

Thời điểm tháng 11/2021 Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang Lê Ánh Dương cùng đoàn công tác đã đi kiểm tra các điểm đấu nối thuộc dự án xây dựng đường và cầu kết nối huyện Hiệp Hòa, tỉnh Bắc Giang với thị xã Phổ Yên, tỉnh Thái Nguyên, đoạn từ quốc lộ (QL) 37 đến cầu Hòa Sơn.

Dự án này có tổng mức đầu tư hơn 543 tỷ đồng, trong đó vốn hỗ trợ mục tiêu ngân sách Trung ương hơn 541 tỷ đồng, vốn ngân sách tỉnh 2 tỷ đồng. Thời gian thực hiện từ năm 2021-2024.

Loạt dự án bất động sản ‘ôm đất’ không đưa vào sử dụng, tỉnh Bắc Giang ra chỉ đạo ‘nóng’ chấn chỉnh - Ảnh 2

Về tiến độ giải phóng mặt bằng (GPMB), UBND huyện Hiệp Hòa đã phê duyệt kinh phí bồi thường, hỗ trợ GPMB tổng thể với giá trị gần 60 tỷ đồng; chi trả hơn 47 tỷ đồng cho các hộ dân đồng thuận. Dự án cơ bản đạt tiến độ so với kế hoạch.

Tuy nhiên, việc chiếm lĩnh mặt bằng đối với một số nhà thầu còn chậm, thi công vướng mắc mặt bằng, mưa nhiều làm ảnh hưởng đến công trình.

Nguyên nhân do hiện trạng sử dụng thửa đất ở các xã Lương Phong, Danh Thắng, Hùng Sơn, Thái Sơn, Hòa Sơn, thị trấn Thắng sai lệch lớn về hình thể, diện tích với bản đồ; UBND huyện Hiệp Hòa chưa phê duyệt đơn giá bồi thường đất ở làm căn cứ lập phương án bồi thường GPMB đối với đất ở.

Phần đất giáp QL37 (nút giao đầu tuyến) của 70 hộ do Nhà nước giao theo chủ trương dồn điền đổi thửa đã mua bán nhiều lần nên bản đồ địa chính đo không đúng theo hiện trạng sử dụng đất.

Hay như dự án cải tạo, nâng cấp cống Đại La, đê Tả Cầu, thuộc xã Mai Trung, xã Hợp Thịnh (huyện Hiệp Hòa). UBND huyện Hiệp Hòa đã phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ GPMB tổng thể để thực hiện dự án với giá trị 6,28 tỷ đồng, đã chi trả tiền bồi thường GPMB 36 hộ thôn Trung Hưng, xã Mai Trung giá trị gần 1,6 tỷ đồng.

Tuy nhiên, tiến độ thi công chậm so với kế hoạch do huyện chậm bàn giao mặt bằng thi công vì diện tích 5 hộ thuộc xã Hợp Thịnh.

Được biết, dự án này có tổng mức đầu tư gần 47 tỷ đồng, trong đó vốn ngân sách Trung ương hơn 46 tỷ đồng, vốn ngân sách tỉnh 0,5 tỷ đồng. Thời gian thực hiện năm 2020-2022.

Đối với một số cụm công nghiệp chậm tiến độ thực hiện trên địa bàn tỉnh Bắc Giang gây ảnh hưởng đến việc thu hút đầu tư. Trên địa bàn tỉnh có tổng cộng 29 cụm công nghiệp (CCN) do doanh nghiệp (DN) làm chủ đầu tư với tổng diện tích 1.526,6 ha, tập trung tại các huyện: Yên Dũng, Lạng Giang, Hiệp Hòa.

Đơn cử như dự án CCN Yên Lư (Yên Dũng) có quy mô hơn 53 ha do CTCP Xây dựng và Dịch vụ thương mại Tuấn Quỳnh làm chủ đầu tư, thành lập từ tháng 3/2017. Đến nay, UBND tỉnh đã giao gần 50 ha cho nhà đầu tư và còn khoảng 4 ha chưa bồi thường. Vị trí này là đường giao thông dẫn tới trạm xử lý nước thải của CCN.

Phối cảnh dự án CCN Yên Lư (Yên Dũng).  
Phối cảnh dự án CCN Yên Lư (Yên Dũng).  

Ngoài ra, dự án CCN Việt Nhật (Hiệp Hòa), chủ đầu tư là CTCP Xuất nhập khẩu Bắc Giang đã bồi thường được 29,97/50 ha, còn khoảng 20 ha chưa chi trả. Đơn vị đã đầu tư hơn 100 tỷ đồng xây dựng hạ tầng nhưng chưa thể thi công tiếp vì vướng nhiều hộ chưa nhất trí phương án bồi thường đất, yêu cầu giá cao hơn quy định.

Hay như dự án CCN Dĩnh Trì (TP Bắc Giang) có diện tích 15,2 ha. Hiện đã bồi thường, chi trả cho người dân có đất thu hồi được khoảng 6,3/9 ha; đang hoàn thiện hồ sơ trình UBND tỉnh để được giao đất; di dời quy tập được 132/150 ngôi mộ. Vậy nhưng, một số hộ đã tự ý san lấp đất nông nghiệp để làm bãi để xe ô tô (diện tích khoảng hơn 4.000 m2) ảnh hưởng đến công tác bồi thường GPMB.

Đối với dự án hợp đồng Xây dựng – Chuyển giao (BT) trị giá 878 tỷ đồng do Liên danh Công ty CP Đầu tư 379 và Công ty CP – Tổng công ty cơ khí Xây dựng Thăng Long là nhà đầu tư trúng thầu.

Cụ thể là dự án Xây dựng ĐT289 kéo dài (đoạn từ thị trấn Chũ, huyện Lục Ngạn đi Đồng Đỉnh, nối Quốc lộ 31 với ĐT 293 huyện Lục Nam); đường Nguyễn Thị Minh Khai kéo dài; hệ thống tiêu thoát nước và giao thông khu A, B thuộc Khu đô thị phía Nam TP Bắc Giang được đầu tư theo hình thức hợp đồng BT. Thời gian thực hiện hợp đồng là 40 tháng.

Được biết, trong quá trình triển khai thực hiện các dự án hiện nay vẫn còn một số bất cập, công tác GPMB gặp phải một số khó khăn. Ngoài ra, còn 41 ngôi mộ chưa di chuyển, hệ thống đường điện 35KV nằm trong phạm vi thi công đào hồ. Dự án thuộc khu đô thị mới số 5 và số 9 còn 3,21 ha chưa kê khai, đang niêm yết dự thảo.

Về công tác GPMB ở khu đô thị mới số 5 và số 9, hiện này UBND TP Bắc Giang đã thực hiện thu hồi được 40,39/43,242 ha diện tích đất. Liên quan đến vấn đề này, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang Lê Ô Pích ngày 17/8 sau khi đi kiểm tra đã đánh giá tiến độ triển khai các dự án vẫn còn chậm so với kế hoạch đề ra. Do đó, ông Pích yêu cầu UBND TP Bắc Giang giải quyết dứt điểm các hộ dân chưa nhận tiền đền bù để sớm bàn giao toàn bộ mặt bằng cho nhà đầu tư.

Quang Anh

Theo Kinh doanh & Phát triển