Loạt dự án “ma” tại Bình Dương bị xử phạt
Thời gian qua, nhiều đối tượng tự “vẽ” dự án “ma”, phân lô tách thửa bán cho người dân nhằm mục đích trục lợi đã lần lượt bị Cơ quan Cảnh sát Điều tra (CSĐT) Công an tỉnh Bình Dương khởi tố và xét xử.
Phía Cơ quan chức năng cho biết, hầu hết các dự án “ma” bị xử lý đều sử dụng thủ đoạn chung là thu gom đất nông nghiệp, lâm nghiệp, đất trồng cây lâu năm… tại các khu vực “sốt nóng” để tự “vẽ” dự án bán cho khách hàng. Sau khi chiếm đoạt được tiền, các đối tượng, tổ chức lừa đảo đã “cao chạy xa bay”.
Hàng loạt dự án ma bị tố giác
Tính từ đầu năm đến nay, trên địa bàn tỉnh Bình Dương xảy ra nhiều vụ lừa đảo chiếm đoạt tài sản liên quan đến đất đai đã được Cơ quan CSĐT Công an tỉnh vào cuộc xử lý.
Đơn cử, hồi đầu năm 2022, lực lượng cảnh sát kinh tế Bình Dương đã xử lý Công ty TNHH Địa ốc VHO (có trụ sở tại Đại lộ Bình Dương, Khu phố Bình Đức, P. Bình Hòa, TP. Thuận An, tỉnh Bình Dương) và truy nã bị can Ngụy Khắc Vinh, Giám đốc công ty này vì hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Tại 3 dự án Khu dân cư 5B, Khu dân cư Chánh Phú Hòa và Khu dân cư Vĩnh Phú 1 (giai đoạn 2), Vinh và Công ty VHO đã sử dụng chiêu ký hợp đồng, thu tiền chuyển nhượng đất với giá trị 36 tỷ đồng từ khoảng 40 người dân. Sau khi nhận tiền, Vinh không giao đất hoặc bán cùng một mảnh đất cho nhiều khách hàng. Khi bị khách hàng tố giác thì Vinh đã ôm tiền bỏ trốn. Đến nay Vinh vẫn đang lẩn trốn ngoài vòng pháp luật.
Cuối tháng 5/2022, Trần Trọng Giáp, cổ đông Công ty Cổ phần Xây dựng Thương mại Dịch vụ Phước Điền (P. Dĩ An, TP. Dĩ An, tỉnh Bình Dương) cũng bị Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Bình Dương khởi tố và bắt tạm giam về tội danh lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Cụ thể, Giáp đã có hành vi gian dối trong việc ký hợp đồng nguyên tắc thỏa thuận chuyển nhượng đất nền tại dự án Khu dân cư An Hòa Residence và dự án Khu dân cư Hòa Lợi 1. Hành vi gian dối của Giáp được tiếp tay bởi Đặng Văn Chuyền, Giám đốc Công ty Phước Điền (đã bị bắt tạm giam hồi tháng 11/2021). Hai đối tượng đã lừa đảo 11 người dân mua đất tại dự án và chiếm đoạt 3,46 tỷ đồng.
Đầu tháng 8/2022, Nguyễn Hữu Thái, Tổng Giám đốc Công ty Địa ốc Thăng Long Real (Khu dân cư Phú Hòa, TP. Thủ Dầu Một) cũng bị Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Bình Dương khởi tố và bắt tạm giam với cùng tội danh trên.
Được biết, Thái đã có hành vi cung cấp thông tin không trung thực về các lô đất tại thị trấn Lai Uyên, huyện Bàu Bàng, tỉnh Bình Dương để mời gọi khách hàng “xuống tiền” đầu tư qua các hợp đồng góp vốn.
Nhận tiền từ khách hàng xong, Thái không thực hiện đúng với cam kết giao đất cho khách hàng theo giao kèo trong hợp đồng. Khi khách hàng yêu cầu hoàn lại tiền đã góp vốn, Thái cũng không thực hiện nên bị khách hàng tố cáo. Ước tính, số tiền Thái chiếm đoạt từ khách hàng mua đất khoảng 2,3 tỷ đồng.
Đáng chú ý nhất là vụ án xảy ra tại Công ty Cổ phần Thương mại Dịch vụ Xây dựng Đầu tư và Phát triển Bình Dương City Land. Thủ đoạn của doanh nghiệp này là thành lập 3 công ty con để thu gom đất, tự vẽ dự án ma, tự ý phân lô, tách thửa và ký hơn 420 hợp đồng bán đất, chiếm đoạt hơn 160 tỷ đồng.
Theo thông tin từ Công an tỉnh Bình Dương, tính đến hết tháng 9 năm nay, trong số 441 đơn tố giác cơ quan này nhận được có đến 377 đơn liên quan đến lĩnh vực đất đai, chiếm 85,4% tổng số đơn tiếp nhận mới. 3 vụ án nêu trên nằm trong tổng số 14 vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên lĩnh vực đất đai đã được cơ quan công an tỉnh khởi tố và đưa ra xét xử 12 bị can.
Nhiều thủ đoạn lừa đảo
Theo Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Bình Dương, thủ đoạn lừa đảo được sử dụng phổ biến là phân lô, tách thửa trên các loại đất nông nghiệp, đất lâm nghiệp, đất trồng cây lâu năm không được quy hoạch là đất ở.
Các đối tượng lừa đảo thành lập công ty rồi sử dụng pháp nhân công ty hoặc thông qua các công ty môi giới bất động sản để quảng cáo sai sự thật và chào bán các thửa đất thông qua nhiều hình thức như qua sàn giao dịch, Facebook, Zalo hay gọi trực tiếp cho khách hàng.
Cũng có những trường hợp các đối tượng phân lô, tách thửa đúng quy định về diện tích đất nông nghiệp, nhưng đất được tách thửa lại không được quy hoạch làm đất ở. Tuy nhiên các đối tượng vẫn quảng cáo đất đã được phân lô được phép xây dựng nhà ở.
Những trường hợp sau khi nhận tiền, khách hàng yêu cầu giao đất và chứng nhận quyền sử dụng đất thì các đối tượng lần lữa không chịu bàn giao, thỏa thuận trả phí chậm bàn giao hoặc ký thêm phụ lục hợp đồng cam kết nhằm tiếp tục tạo niềm tin từ khách hàng.
Có một số trường hợp chủ đầu từ xây dựng công trình trái phép trên đất, pháp lý chưa đầy đủ đã tự ý ký hợp đồng chuyển nhượng đất “ngụy trang” thành hợp tác đầu tư, hợp đồng góp vốn để thu tiền khách hàng.
Mặc dù đã “đưa ra ánh sáng” nhiều vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản liên quan đến lĩnh vực đất đai, nhưng những vụ việc tương tự vẫn xuất hiện ngày càng dày đặc trên địa bàn tỉnh Bình Dương.
Theo Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Bình Dương, nguyên nhân xuất phát từ sự thiếu hiểu biết, thiếu thông tin, hám lợi của người dân. Bên cạnh đó, nguyên nhân cũng đến từ sự bất cập, chồng chéo, thiếu tính thống nhất của hệ thống văn bản pháp luật về đất đai, xây dựng; đặc biệt là quy định về phân lô, tách thửa đối với từng loại đất, trong đó có đất nông nghiệp, đất lâm nghiệp, đất phi nông nghiệp.
Ngoài ra, công tác quản lý giám sát từ chính quyền cơ sở còn lỏng lẻo, thậm chí có dấu hiệu tiếp tay cho các đối tượng sai phạm.