M&A bất động sản 2024: Sân chơi cho nhà đầu tư có năng lực
Theo giới chuyên gia, có nhiều căn cứ để cho rằng, cả năm 2024 và 2025 các hoạt động M&A bất động sản tiếp tục diễn ra với tần suất và quy mô ngày càng lớn. Thế nhưng, cơ hội này lại không giành cho tất cả các nhà đầu tư mà chỉ giành cho nhà đầu tư có năng lực.
Thực tế cho thấy, trong những năm gần đây, các nhà đầu tư nước ngoài chiếm phần lớn thị phần trong hoạt động M&A bất động sản tại Việt Nam. Theo số liệu của RCA và Cushman & Wakefield Việt Nam, các nhà đầu tư ngoại vẫn chiếm khoảng 90% hoạt động giao dịch M&A bất động sản. Ngoài các nhà đầu tư châu Á, sự quan tâm của các quốc gia châu Âu và Mỹ đến thị trường bất động sản Việt Nam cũng ngày càng tăng. Đây đều là những tập đoàn lớn trên thế giới, có tiềm lực kinh tế, kinh nghiệm, cùng đội ngũ phân tích chuyên nghiệp, để có thể thâu tóm, đàm phán thành công nhiều thương vụ.
Ông Trần Đại Nghĩa – Chuyên gia pháp lý dự án, CEO Công ty TNHH Tư vấn & Đầu tư FII Việt Nam (FIIVN) cho biết, trong bối cảnh bất động sản Việt Nam đang trải qua quá trình “sàng lọc” thị trường, ngay cả những nhà đầu tư nước ngoài lâu năm tại Việt Nam cũng không thể đánh giá hết được những rủi ro, nhất là khi còn đang chờ đợi các văn bản pháp lý hướng dẫn các Luật mới. Hiện chưa phải thời điểm thích hợp để khối ngoại “xuống tiền” cho các hoạt động M&A, trừ khi dự án đảm bảo pháp lý hoặc có tiềm năng đặc biệt lớn. Dù không mạnh mẽ nhưng trong năm 2024, hoạt động M&A BĐS vẫn sẽ sôi động hơn.
Động lực của thị trường này có thể sẽ nằm ở các dự án được tháo gỡ trong năm 2023. Những doanh nghiệp nào tham gia sâu vào quá trình “giải cứu” thị trường này thời gian qua sẽ tự hiểu năng lực của họ trong hoạt động mua bán này và sẽ có chính sách phù hợp.
Các doanh nghiệp đang có sẵn quỹ đất mà muốn phát triển nhiều khả năng sẽ đợi tới khi thị trường hồi phục, có thể là 2026, sẽ phù hợp hơn. Trong nửa đầu năm 2024, thị trường này vẫn sẽ trầm lắng cho tới quý 3 và quý 4 mới có thêm tín hiệu khởi sắc.
Còn theo TS Nguyễn Minh Phong, chuyên gia kinh tế nhận định, M&A bất động sản năm 2024 sẽ tiếp diễn đậm nét hơn xu hướng hình thành từ năm 2023 về chu kỳ M&A bất động sản mới của thị trường, theo đó, các động thái tái cơ cấu sẽ mạnh mẽ hơn. "Cơ hội chỉ dành cho các doanh nghiệp có chiến lược phát triển an toàn, bền vững, tập trung vào những phân khúc đáp ứng nhu cầu thực và đủ thực lực về tài chính; đồng thời, loại bỏ dần những đơn vị thiếu năng lực, kinh doanh theo kiểu “ăn xổi ở thì”,
Các mục tiêu đầu tư dự kiến vẫn nằm ở việc tìm kiếm những quỹ đất sạch, có chất lượng tốt, có giá trị thật, cũng như có quyền sở hữu hợp pháp, đền bù giải phóng hoàn chỉnh và có tiềm năng phát triển,... Các lĩnh vực sản xuất, thương mại và dịch vụ sẽ tiếp tục là động lực tăng trưởng kinh tế của Việt Nam, trong khi hoạt động M&A bất động sản ngày càng sôi động.
Ngoài ra, tiềm năng bất động sản công nghiệp, nhà ở và khách sạn là rất lớn. Các hoạt động M&A bất động sản công nghiệp sẽ có cơ hội gia tăng gắn với cơ hội hưởng lợi từ nhiều hiệp định thương mại tự do (FTA), cũng như các cơ sở rộng khắp và ngành công nghiệp hỗ trợ, kinh nghiệm dày dặn và kiến thức về thị trường Việt Nam mà các doanh nghiệp trong nước mang đến cho mối quan hệ hợp tác với đối tác nước ngoài.
Thị trường văn phòng cao cấp đạt chứng chỉ xanh duy trì tỷ lệ lấp đầy cao và tốc độ tăng trưởng giá thuê ổn định cũng tăng thêm sức hấp dẫn trên thị trường M&A bất động sản.
Theo bà Đỗ Thu Hằng, Giám đốc cấp cao, Bộ phận nghiên cứu và tư vấn Savills Hà Nội, xu hướng mua bán và sáp nhập bất động sản năm 2023 diễn ra khá mạnh mẽ. Đặc biệt với chủ đầu tư nước ngoài từng phát triển tại thị trường Việt Nam và chủ đầu tư có năng lực về tài chính, trong năm 2023 đã mua lại hoặc kết hợp cùng chủ đầu tư có quỹ đất mà lại gặp khó khăn về tài chính, về trái phiếu đáo hạn. Vì thế, dự báo hoạt động mua bán và sáp nhập năm 2024 tiếp tục “khởi sắc”, thậm chí kéo dài sang đến năm 2025.
Đồng quan điểm, bà Trang Bùi, Cushman & Wakefield chia sẻ, hiện nay, các quy định mới nhằm gỡ vướng cho dự án bất động sản đã được ban hành sẽ giúp doanh nghiệp thuận lợi hơn trong việc mở rộng thị trường và liên kết hợp tác. Theo đó, dự báo một lượng vốn lớn đến từ nhà đầu tư nước ngoài sẽ hoàn tất, đổ vào thị trường bất động sản Việt Nam trong giai đoạn 2024-2026, bởi nhiều giao dịch đã, đang trong quá trình đàm phán khá tích cực. Các mục tiêu đầu tư tập trung ở việc tìm kiếm quỹ đất sạch, có chất lượng tốt, giá trị thật, quyền sở hữu hợp pháp, đền bù giải phóng hoàn chỉnh và tiềm năng phát triển.
Năm 2024 được dự báo sẽ có sự bùng nổ nguồn vốn nước ngoài vào thị trường bất động sản Việt Nam, nhất là từ các quốc gia châu Á như Singapore, Hàn Quốc, Thái Lan, Malaysia và Nhật Bản, cũng như từ các nhà đầu tư Trung Đông.