"Mắc cạn" vì bỏ tiền tỷ ôm nhà chờ sập

- Nhiều hộ dân đang "khóc dở, mếu dở" trong những căn phòng cũ nát, ẩm thấp chỉ 18-20m2 và lúc nào cũng nơm nớp sợ hãi, vì trót bỏ tiền tỷ ra mua nhà tập thể cũ chờ cải tạo.

Cả trăm nghìn cư dân nhà chung cư cũ ở Hà Nội đang thấp thỏm lo lắng khi lãnh đạo UBND thành phố nêu quan điểm người dân có thể bán lại nhà hoặc phải chấp nhận tỷ lệ đền bù 1:1 khi thực hiện cải tạo nhà chung cư cũ hiện nay.

Tuy nhiên, lo lắng hơn cả là những người trót "đón đầu" xu hướng cải tạo các khu chung cư cũ, nhiều người không ngần ngại bỏ ra hàng tỷ đồng để sở hữu các căn hộ chung cư cũ nát. Những khoản đầu tư này đang có nguy cơ “mắc cạn”.

Lâm Huỳnh, chuyên viên môi giới ở một sàn giao dịch BĐS cho biết, hàng loạt dự án nhà ở giá rẻ tại khu vực ven đô… đi vào giao dịch thời gian qua đã góp phần giải toả nhu cầu nhà ở giá rẻ tại Hà Nội.

Với mức giá 13,5 - 15,5 triệu đồng/m2, chỉ cần có khoản tiền xấp xỉ 1 tỷ đồng, người có nhu cầu về nhà ở có thể sở hữu một căn hộ mới, tiện nghi với diện tích 60 - 70 m2 tại những khu vực không quá xa trung tâm Thành phố. Thực tế này lại vô tình “làm khó” những người trước đây trót đầu cơ vào phân khúc căn hộ chung cư cũ mong kiếm lời khi dự án được cải tạo, xây mới.

"Mắc cạn" vì bỏ tiền tỷ ôm nhà chờ sập - Ảnh 1

>>> Đổi căn hộ chung cư cũ lấy mới: Được không?

Việc hoán đổi căn hộ xuất phát từ lợi ích hài hòa của người dân lẫn doanh nghiệp và Nhà nước.

 

Bởi các căn hộ tập thể cũ có diện tích 25 - 45 m2 có mức giá 900 triệu - 2 tỷ đồng/căn là mức giá khá cao. Ngoài ra, nhiều người đầu cơ với mong muốn sẽ được lời từ tỷ lệ đền bù, do các khu tập thể cũ hầu hết nằm ở khu đất vàng. Nhưng nếu tỷ lệ đền bù chỉ là 1:1 thì nguy cơ các nhà đầu cơ sẽ phải "ngậm trái đắng".

Khu tập thể Viện Hóa học Công nghiệp (Hà Nội) đã xuống cấp nghiêm trọng và thường được gọi với cái tên “Khu tập thể gãy xương, chờ sập ở Hà Nội”, thậm chí là “Khu tập thể đánh đu với tử thần”..., nhưng nhiều người vẫn chấp nhận bỏ ra từ vài trăm triệu đến cả tỷ đồng ra để có một suất trong dãy nhà 4 tầng, mỗi phòng chỉ rộng 18m2.

Theo một số người dân, mặc dù khu chung cư này chỉ dành bán cho cán bộ, công nhân viên nhưng vẫn có không ít chủ đầu tư chấp nhận giá đắt bỏ tiền ra mua lại suất căn hộ tại đây.

Gia đình chị Lê Thu Thủy là một trong 4-5 hộ đang sống tại chung cư này như vậy. Ban đầu do điều kiện kinh tế eo hẹp cho nên tính đi tính lại, chị quyết định chọn mua chung cư cũ vì hai lẽ. Thứ nhất, có thể ở ngay và không mất tiền xây dựng. Thứ hai, những chung cư này chắc chắn sẽ sớm được cải tạo lại, khi đó gia đình chị sẽ được đề bù với mức giá hấp dẫn hơn.

“Khi mua tôi tính chung cư cũ như thế này chắc chỉ 5-10 năm nữa nhà nước sẽ cho cải tạo lại. Tuy nhiên, gia đình tôi ở đây đến nay đã gần 15 năm nhưng chưa bao giờ nghe thấy việc này”, chị Thủy ngán ngẩm nói.

Theo chị Thủy, cũng vì trót đầu tư mua chung cư cũ cho nên giờ đây gia đình chị đành chấp nhận sống trong cảnh nhà xuống cấp nghiêm trọng. Tường và trần nhà nứt, bong vữa hàng mảng và lúc nào cũng nơm nớp lo sợ.

"Mắc cạn" vì bỏ tiền tỷ ôm nhà chờ sập - Ảnh 2

Vì lỡ mua chung cư cũ chờ cải tạo nên nhiều người dân Hà Nội đang phải sống trong những khu tập thể sập sệ, tồi tàng. Ảnh: Vạn Xuân

Cùng cảnh ngộ tương tự, bỏ ra gần 2 tỷ đồng mua lại căn hộ chung cư cũ hơn 20m2 từ năm 2006 tại khu tập thể A1 Giảng Võ, anh Nguyễn Văn Mạnh cho biết, ban đầu tính "ôm" chung cư cũ gần cơ quan làm việc, gần trường học, giá chắc chắn sẽ lên, khi đó bán đi để mua chỗ mới nhưng ở lâu mới thấy cuộc sống chẳng khác nào địa ngục.

Theo anh Mạnh, cả dãy 4 tầng này được xây dựng từ thời kỳ bao cấp, những năm 1960. Tính đến nay, công trình này đã có tuổi đời hơn 50 năm, nhiều hạng mục đều xuống cấp nghiêm trọng. Nhìn bằng mắt thường, người ta có thể thấy tường nhà đang bong tróc từng mảng, dù không mưa nhưng trên trần nhà đâu đâu cũng thấm, dột, các chi tiết sắt thép hoen gỉ, các dầm bê tông và cốt pha bị mục ruỗng.

"Mắc cạn" vì bỏ tiền tỷ ôm nhà chờ sập - Ảnh 3

>>> Ngỡ ngàng với dãy nhà siêu mỏng, siêu méo giữa lòng Hà Nội

Sau khi dự án cải tạo mương LA2 từ ngõ số 10 Tôn Thất Tùng nối với ngõ 139 Khương Thượng (Đống Đa, Hà Nội) được hoàn tất, dọc con ngõ nhỏ này bất ngờ xuất hiện một loạt các ngôi nhà siêu mỏng, siêu méo và có hình thù hết sức kì dị.

 

“Mùa hè thì như lò bát quái, mùa mưa thì nhà ẩm thấp, nhơm nhớp. Hành lang dây điện, nước, ống nước thải chằng chịt như mạng nhện. Khu nhà lúc nào cũng tối tăm, cả tầng hơn 10 căn hộ có 2 – 3 khu vệ sinh dùng chung rất khổ sở”, anh Mạnh nói.

Mặc dù phải sống trong điều kiện như vậy nhưng anh Mạnh cho biết, người dân vẫn chấp nhận cố thủ ở đây vì hai lý do. Thứ nhất, chung cư này gần trung tâm, đi lại thuận tiện, chỗ làm và chỗ học có sẵn. Thứ hai, dù là chung cư cũ nát, nhưng do nằm ngay trong “khu đất vàng” nên giá nhà đất tại đây rất đắt gần 100 triệu đồng/m2 nên ai cũng muốn giữ.

“Trông vậy thôi nhưng mỗi m2 ở đây được định giá từ 80 triệu đồng mà không ai muốn bán vì sợ thiệt khi Nhà nước giải tỏa, sẽ được đền bù với giá cao hơn giá thị trường”, bà Sáu, người dân sống tại khu nhà A1 Giảng Võ cho biết.

Theo thống kê, TP. Hà Nội hiện có khoảng 1.500 chung cư cũ, có quy mô từ 2 - 5 tầng, đa số được xây dựng từ năm 1960 đến cuối những năm 1980. Số lượng chung cư cũ tập trung nhiều nhất tại các quận: Ba Đình, Đống Đa, Hoàn Kiếm, Hai Bà Trưng, Thanh Xuân…

Do đều được xây dựng cách đây vài chục năm cho nên các chung cư này hiện đã hết niên hạn sử dụng, nguy cơ xảy ra sự cố rất lớn. Đặc biệt, ở hầu hết các khu chung cư cũ, nhiều hộ dân tiến hành sửa chữa, cải tạo, cơi nới, khiến tình trạng xuống cấp diễn ra nhanh hơn.

Trước tình trạng trên, từ năm 2005, Hà Nội đã có nghị quyết về cải tạo, xây mới các khu chung cư cũ trên địa bàn. Đến năm 2013, TP tiếp tục ban hành nghị quyết về một số biện pháp xây lại các khu chung cư cũ, nhà cũ xuống cấp.

Thế nhưng, ngay cả khi đã có nghị quyết về cải tạo, xây mới chung cư cũ, việc tiến hành cải tạo, xây mới cũng không đơn giản. Theo đó, đến nay, sau 10 năm triển khai, mới chỉ có 14 chung cư cũ được cải tạo, đạt 1%.

 

Theo VẠN XUÂN

Tạp chí điện tử Reatimes

 

Link nguồn : http://reatimes.vn/mac-can-vi-bo-tien-ty-om-nha-cho-sap-4026.html