Mặc vốn FDI giảm mạnh, nguồn cung BĐS công nghiệp vẫn tăng
Phát triển kinh tế đi đôi với quá trình công nghiệp hóa, nhu cầu BĐS công nghiệp ngày càng lớn khiến phân khúc này tăng trưởng nhanh chóng. Nhu cầu tìm thuê BĐS công nghiệp tăng mạnh cùng với đó giá cho thuê cũng tăng cao liên tục. Hầu hết BĐS công nghiệp phía Nam có giá thuê khá cao bởi nguồn cung ít, đặc biệt TP.HCM là khu vực có giá thuê cao nhất cả nước.
Bất động sản công nghiệp “hồi sinh”
Nền kinh tế hiện nay đã phục hồi hoàn toàn sau đại dịch, mọi hoạt động đời sống xã hội trở lại bình thường. Lĩnh vực công nghiệp phát triển kéo theo giá thuê phân khúc BĐS công nghiệp tăng cao, nhất là ở khu vực phía Nam, bởi nguồn cung BĐS công nghiệp tại đây tương đối thấp.
Trong quý III vừa qua nguồn cung BĐS công nghiệp ở phía Nam tăng mạnh, khoảng 27.780 ha trên toàn thị trường. Nguồn cung nhà xưởng và nhà kho xây sẵn lần lượt là 4,32 triệu m2 và 4,7 triệu m2. Tỷ lệ hấp thụ nhà xưởng tăng đạt 92%, trong khi tỷ lệ hấp thụ nhà kho lại giảm chỉ ở mức 76%.
Giá thuê đất công nghiệp TP.HCM, Đồng Nai, Bình Dương và Long An tăng cao nhất trong những tỉnh thành phía Nam. Giá thuê trong 6 tháng đầu năm ghi nhận tăng 8 – 13% so với năm trước. Mức giá cho thuê dao động từ 180 – 300 USD/m2, cụ thể ở Long An mức giá thuê lên đến 125 – 275 USD/m2, Bình Dương mức giá thuê thấp hơn dao động từ 100 – 250 USD/m2, Đồng Nai giá thuê khoảng 100 – 200 USD/m2.
Tổng diện tích BĐS công nghiệp của 4 tỉnh thành công nghiệp trọng điểm này là hơn 30.000 ha, tỷ lệ lắp đầy lên đến 90%, Bình Dương có tỷ lệ lắp đầy cao nhất với trên 95% diện tích hơn 10.000 ha. Tiếp nối là TP.HCM với tỷ lệ lắp đầy đạt 95% với 4.100 ha. Đồng Nai tỷ lệ lắp đầy đạt gần 95% với gần 10.000 ha. Cuối cùng là Long An tỷ lệ lấp đầy 85% với khoảng 4.500 ha. Bên cạnh đó, Bà Rịa – Vũng Tàu ngoài thế mạnh về du lịch thì BĐS công nghiệp ở đây cũng sở hữu 9.000 ha với mức giá cho thuê khoảng 180 USD/m2.
Giá thuê BĐS công nghiệp phía Nam tăng trưởng mạnh mẽ hơn các khu vực khác nguyên nhân chủ yếu bởi đây là khu vực có nền công nghiệp phát triển từ rất sớm, cùng với vị trí địa lý gắn liền với thành phố kinh tế lớn nhất cả nước là TP.HCM. Do đó, BĐS công nghiệp phía Nam luôn được kỳ vọng và là tâm điểm thu hút giới đầu tư trong nước lẫn quốc tế.
Hiện nay, rất nhiều doanh nghiệp mong muốn được mở rộng kinh doanh, sản xuất ở các tỉnh thành phía Nam. Đây là khu vực có nền kinh tế phát triển và dễ dàng hội nhập quốc tế, hơn hết lực lượng lao động trẻ dồi dào.
Nguồn vốn FDI đẩy mạnh BĐS công nghiệp tăng trưởng
BĐS công nghiệp là lĩnh vực dễ dàng thu hút vốn đầu tư nước ngoài (FDI). Tuy nhiên trong 9 tháng qua nguồn vốn FDI vào Việt Nam đã giảm 15,3% so với năm trước. Nhưng vốn FDI giải ngân lại ở mức khá cao đạt 15,4 tỷ USD tăng 16,3% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó Singapore là quốc gia đứng đầu trong nguồn vốn đầu tư vào Việt Nam chiếm 20,4% FDI đăng ký. Tiếp theo là Đan Mạch với 18,5% và Nhật Bản là 13%.
Sản xuất và chế tạo là lĩnh vực thu hút vốn FDI nhiều nhất, chiếm đến 74% tổng vốn FDI, kế tiếp là lĩnh vực BĐS chiếm 14%, công nghệ, điện và các lĩnh vực khác chiếm 12%.
Năm ngoái, trong thời điểm dịch bệnh bùng phát mạnh mẽ, các hoạt động kinh tế gần như bị đình trệ thì tổng FDI đăng ký vẫn tăng khá cao lên đến 9% so với năm 2020, đạt 31,2 tỷ USD, vốn FDI giải ngân ở mức 19,7 tỷ USD.
Phân khúc BĐS công nghiệp vẫn luôn được đánh giá là phân khúc nhiều tiềm năng bởi thị trường Việt Nam sở hữu những ưu điểm nổi bật như vị trí địa lý có đường bờ biển dài, tình hình chính trị ổn định, nguồn lao động trẻ chất lượng… Tuy nhiên, một nhược điểm cần phải nhanh chóng tìm hướng giải quyết đó là diện tích đất đang ngày càng hạn chế dần, trong khi nhu cầu từ thuê đất từ các công ty nước ngoài càng nhiều dẫn đến giá thuê BĐS công nghiệp sẽ tiếp tục tăng mạnh trong tương lai nhất là BĐS phía Nam.
Ngoài 4 tỉnh công nghiệp trọng điểm TP.HCM, Long An, Đồng Nai, Bình Dương thì BĐS công nghiệp hiện đang có xu hướng tìm kiếm các tỉnh thành công nghiệp mới. Điển hình ở phía Nam nguồn cung đang dịch chuyển đến Bà Rịa – Vũng Tàu, Tây Ninh… bởi giá thuê rẻ hơn và quỹ đất để khai thác còn khá nhiều.
Việc nguồn vốn tín dụng chảy vào BĐS bị hạn chế đã khiến dòng vốn di chuyển vào lĩnh vực sản xuất kinh doanh, đây là yếu tố thúc đẩy thị trường BĐS công nghiệp phát triển. Bên cạnh đó, nhu cầu nhà kho gia tăng về chất lượng cả số lượng vì thế những nhà kho có chất lượng cao đang được săn đón rất nhiều.
Hiện nay các doanh nghiệp ưa chuộng sản phẩm BĐS công nghiệp có diện tích lớn và hợp đồng dài hạn, để đảm bảo cho tình hình kinh doanh ổn định.