Mâu thuẫn nhà chung cư: "Chìa khóa" đối thoại đang bị cư dân lãng quên?
- Thời gian qua trên địa bàn Hà Nội, Phòng Cảnh sát phòng chống tội phạm công nghệ cao (PC 50) và Phòng Hình sự, Cơ quan Cảnh sát điều tra (PC 45) TP. Hà Nội đã phải vào cuộc, mời một số cư dân của nhiều dự án lên làm việc sau những vướng mắc với các chủ đầu tư. Vậy, thực hư câu chuyện này ra sao?
Trong tranh chấp nhà chung cư, nhiều cư dân tiêu cực tìm cách nói xấu doanh nghiệp để đạt được yêu cầu thay vì đối thoại với doanh nghiệp.
Chủ đầu tư bị dồn ép
Một đơn vị hoạt động trong lĩnh vực giáo dục mới đây đã phải nhờ đến PC 50 để điều tra làm rõ về việc một số người cố tình dùng mạng xã hội để bôi nhọ, làm ảnh hưởng đến uy tín của doanh nghiệp. Tương tự, một chủ đầu tư dự án bất động sản tại quận Thanh Xuân vừa qua cũng phải dùng đến biện pháp “cực chẳng đã” này, mời PC 45 hỗ trợ khi bị một số cư dân đi bôi xấu trên các trang mạng xã hội.
Hai sự việc liên tiếp, diễn ra cách nhau ít ngày đã dấy lên câu hỏi: Phải chăng chủ đầu tư mượn cơ quan chức năng để “chấn chỉnh” người dân? Hay chính họ là nạn nhân của phong trào vấy bẩn thương hiệu có tổ chức? Và có phải, lúc nào cư dân cũng đúng và chủ đầu tư thì luôn sai?
Trao đổi với truyền thông, đại diện PC50 cho biết, đơn vị này có mời một số người đến để xác minh, điều tra, làm rõ hành vi nói xấu cá nhân, xúc phạm danh dự, nhân phẩm của đơn vị trong lĩnh vực giáo dục nọ, chứ không phải về việc cư dân phản đối việc tăng học phí.
Tương tự như vậy, ở trường hợp khác, PC 45 cũng mời một số cá nhân mua căn hộ tại một dự án bất động sản tại quận Thanh xuân lên làm việc không phải vì những phản ánh liên quan đến diện tích căn hộ mà bởi lý do: mượn mạng xã hội để đưa các thông tin bịa đặt, thất thiệt, không đúng sự thật, không khách quan để hạ uy tín thương hiệu của chủ đầu tư, đơn vị phát triển và cả dự án.
Cư dân có làm quá?
Mới đây, đại diện phòng PC 50 – Công an TP Hà Nội đã xác nhận trên các phương tiện thông tin đại chúng: “Đúng là Phòng PC 50 - Công an TP Hà Nội có mời một số người đến để xác minh, điều tra, làm rõ hành vi nói xấu cá nhân, xúc phạm danh dự, nhân phẩm lãnh đạo của đơn vị đó”.
Trong khi đó, đối với đơn vị kinh doanh bất động sản, sau khi nhận bàn giao nhà và không thống nhất được diện tích căn hộ với chủ đầu tư (cho rằng bị thiếu hụt diện tích - PV), một số cư dân đã phản ứng bằng cách đăng bài nói xấu chủ đầu tư, đơn vị phát triển dự án thậm chí là bôi nhọ uy tín của chủ đầu tư, xúc phạm danh dự, nhân phẩm của lãnh đạo đơn vị này tại group facebook của cư dân và cả ở những trang mạng khác, khiến cho uy tín của đơn vị này bị ảnh hưởng nghiêm trọng.
Trao đổi với phóng viên, đại diện một chủ đầu tư đang có tranh chấp về cách tính diện tích căn hộ với cư dân tại Hà Nội cho biết: Trong hợp đồng mua bán căn hộ có ghi rất rõ: “Bên B (khách hàng - PV) có quyền yêu cầu bên thứ ba (là một đơn vị tư vấn có chức năng đo đạc độc lập) để xác định lại diện tích sử dụng căn hộ thực tế với chi phí bên B chịu”. Vị này cũng cho biết thêm, trong trường hợp số đo giữa hai đơn vị đo đạc có sự khác biệt, chúng tôi sẽ thu xếp để các đơn vị đo đạc ngồi lại với nhau để thống nhất trên nguyên tắc phù hợp với hợp đồng mua bán và pháp luật để chốt số liệu cuối cùng.
Tuy nhiên, điều làm chủ đầu tư và đơn vị phát triển dự án này bức xúc là một số cá nhân chưa gửi phương pháp, kết quả đo đạc của đơn vị thứ ba và chưa làm việc với chủ đầu tư để thống nhất về diện tích nhưng vẫn đưa/đăng các thông tin thất thiệt về chủ đầu tư và đơn vị phát triển dự án trên mạng xã hội.
“Trước việc bị ảnh hưởng nghiêm trọng đến uy tín, thương hiệu và hình ảnh dự án, “cực chẳng đã” chúng tôi mới phải trình báo với cơ quan chức năng vào cuộc để điều tra, làm rõ sự việc nhằm mục đích bảo vệ quyền lợi ích hợp pháp và thương hiệu của mình”, đại diện chủ đầu tư cho biết.
Đối thoại là chìa khóa
Điều 122, Bộ Luật hình sự có ghi khá rõ về tội vu khống. Cụ thể, người nào bịa đặt, loan truyền những điều biết rõ là bịa đặt nhằm xúc phạm danh dự hoặc gây thiệt hại đến quyền, lợi ích hợp pháp của người khác hoặc bịa đặt là người khác phạm tội và tố cáo họ trước cơ quan có thẩm quyền, thì bị phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đến hai năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến hai năm. Trường hợp phạm tội có tổ chức có thể thì bị phạt tù từ một năm đến bảy năm. Ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ một triệu đồng đến mười triệu đồng.
Chưa biết các câu chuyện tranh chấp, rồi nói xấu trên mạng xã hội sẽ đi về đâu, nhưng nếu các chủ đầu tư, đơn vị này đưa ra được những bằng chứng về việc đưa các thông tin thất thiệt, bịa đặt, bôi nhọ, hạ thấp uy tín và ảnh hưởng nghiêm trọng đến thương hiệu, hoạt động kinh doanh của mình, thì rất có thể, các cư dân, cá nhân này sẽ bị các cơ quan chức năng triệu tập để làm rõ.
Với nhiều mâu thuẫn chưa có hồi kết như hiện nay, điều cần làm trước tiên để cả hai phía đều không phải chịu những thiệt hại đáng có chính là đối thoại.
Các cư dân khi có những vướng mắc, nơi đầu tiên đáng được nhận thông tin phản ánh chính là chủ đầu tư, đơn vị kinh doanh. Vì cuối cùng, đây là gốc rễ của mọi vấn đề. Sự hợp tác cần đến từ hai phía trên tinh thần đóng góp và cảm thông.
Nếu các chủ đầu tư, đơn vị kinh doanh không lắng nghe thì sau đó, người dân nên đưa vấn đề ra các cấp chính quyền và cơ quan tòa án để giải quyết. Về phía chủ đầu tư và đơn vị phát triển dự án, cũng cần nhiều hơn sự lắng nghe chân thành từ phía cư dân, cần chủ động đối thoại thẳng thắn, công khai, đưa ra lộ trình xử lý thông tin rõ ràng và phải thực hiện đúng các cam kết.
Hơn bao giờ hết, lúc này đối thoại được xem là chìa khóa quan trọng nhất để tháo gỡ các vướng mắc ở chung cư.
Theo Thái Bình
Báo Thời Đại