Mỗi tháng TP. Hồ Chí Minh có trên 3.000 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường

Theo báo cáo của Cục Đăng ký kinh doanh (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), trong 7 tháng năm 2021 có 23.199 doanh nghiệp tại TP. Hồ Chí Minh dừng hoạt động (chiếm 29,1% số doanh nghiệp dừng hoạt động của cả nước), tăng 14,8% so với cùng kỳ năm 2020. Như vậy, tính bình quân, mỗi tháng có trên 3.300 doanh nghiệp tại thành phố lớn nhất cả nước rút lui khỏi thị trường.

Các doanh nghiệp gặp khó khăn thậm chí phải dừng sản xuất, ảnh hưởng đến tiến độ giao hàng, đặc biệt là các đơn hàng xuất khẩu. Ảnh minh họa.  
Các doanh nghiệp gặp khó khăn thậm chí phải dừng sản xuất, ảnh hưởng đến tiến độ giao hàng, đặc biệt là các đơn hàng xuất khẩu. Ảnh minh họa.  

Sự gia tăng về doanh nghiệp rút lui chủ yếu đến từ sự gia tăng số doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn (12.071 doanh nghiệp, chiếm 30% số doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh của cả nước, tăng 25,7% so với cùng kỳ năm 2020). Đây là kỷ lục về số lượng doanh nghiệp phải tạm ngừng kinh doanh trong 7 tháng đầu năm tại TP. Hồ Chí Minh giai đoạn 2016-2021.

TP Hồ Chí Minh hiện là một trong những địa phương chịu ảnh hưởng nặng nề của đợt dịch thứ tư. Trong đó các doanh nghiệp là đối tượng chịu ảnh hưởng lớn.Theo số liệu thống kê,  số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới sụt giảm mạnh, từ ngày 01/7/2021 đến 15/7/2021 chỉ có 1.126 đơn vị với vốn đăng ký là 16.030 tỷ đồng, giảm 47,3% về số doanh nghiệp và giảm 86,6% về số vốn đăng ký so với cùng kỳ năm trước.

Lũy kế từ ngày 01/01/2021 đến 15/07/2021, thành phố đã cấp phép 20.906 doanh nghiệp với tổng vốn đăng ký 350,4 nghìn tỷ đồng , giảm 4,6% về số doanh nghiệp và giảm 9,1% về số vốn đăng ký so với cùng kỳ năm trước. Dịch vụ là ngành có số lượng doanh nghiệp đăng ký thành lập mới nhiều nhất với 15.418 doanh nghiệp, chiếm 73,7% tổng số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới trong 7 tháng năm 2021, xấp xỉ cùng kỳ năm trước, vốn đăng ký 232,9 nghìn tỷ đồng, chiếm 66,5% tổng vốn đăng ký, giảm 25,1%.

Theo khu vực kinh tế, trong 7 tháng năm nay có 95 doanh nghiệp thành lập mới thuộc khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản, giảm 19,5% so với cùng kỳ năm 2020, với số vốn đăng ký đạt 2.473 tỷ đồng, tăng 2,6%; 4.058 doanh nghiệp thuộc khu vực công nghiệp và xây dựng, giảm 14,6% với số vốn đăng ký đạt 104,5 nghìn tỷ đồng, tăng 71,8% (chủ yếu là các doanh nghiệp ngành công nghiệp có 2.206 doanh nghiệp, giảm 14,8% nhưng có số vốn đăng ký đạt 74,3 nghìn tỷ đồng, tăng hơn 3 lần).

Khu vực thương mại và dịch vụ có 16.753 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới, giảm 1,7% so với cùng kỳ năm trước, vốn đăng ký đạt 243,4 nghìn tỷ đồng, giảm 24,5%. Trong đó, hoạt động kinh doanh bất động sản có 1.355 doanh nghiệp, tăng 4,6% với số vốn đăng ký 77,7 nghìn tỷ đồng, giảm 61,6%; thương nghiệp có 7.895 doanh nghiệp, giảm 2,3% với số vốn đăng ký đạt 83,9 nghìn tỷ đồng, tăng 68,3%; hoạt động chuyên môn, khoa học công nghệ có 2.408 doanh nghiệp, tăng 2,7% với vốn đăng ký 29,4 nghìn tỷ đồng, tăng 18,5%.

Theo loại hình, công ty trách nhiệm hữu hạn có 17.974 đơn vị, chiếm 86% trong tổng số doanh nghiệp được cấp phép mới, tăng 5% so với cùng kỳ năm trước; tổng vốn đăng ký đạt 196,1 nghìn tỷ đồng, tăng 36,6%. Công ty cổ phần có 2.752 đơn vị, giảm 3,7% so với cùng kỳ năm 2020; vốn đăng ký 154,2 nghìn tỷ đồng, giảm 36,3%. Doanh nghiệp tư nhân có 178 đơn vị, tăng 25,4% so với cùng kỳ năm trước vốn đăng ký đạt 150 tỷ đồng; số giấy phép tăng 25,4% và số vốn tăng 24,6%.

Theo Hiệp hội Doanh nghiệp TP. Hồ Chí Minh, thời gian qua, dịch Covid-19 đã làm trên 70% doanh nghiệp bị ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh. Nhiều doanh nghiệp phải tạm ngừng hoạt động, đa số doanh nghiệp khác đều giảm từ 50% đến 90% doanh thu so với thời điểm trước dịch bệnh. Bên cạnh đó, do chưa thể đáp ứng thực hiện “3 tại chỗ” trong một thời gian quá ngắn (01 ngày) theo yêu cầu về phòng, chống dịch bệnh của UBND TP Hồ Chí Minh nên nhiều doanh nghiệp đã phải tạm ngừng hoạt động.

Theo báo cáo của Cục Đăng ký kinh doanh (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), trong 7 tháng năm 2021 có 23.199 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường (chiếm 29,1% số doanh nghiệp rút lui của cả nước), tăng 14,8% so với cùng kỳ năm 2020. Sự gia tăng về doanh nghiệp rút lui chủ yếu đến từ sự gia tăng số doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn (12.071 doanh nghiệp, chiếm 30% số doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh của cả nước, tăng 25,7% so với cùng kỳ năm 2020). Đây là kỷ lục về số lượng doanh nghiệp phải tạm ngừng kinh doanh trong 7 tháng đầu năm tại TP. Hồ Chí Minh giai đoạn 2016-2021.

Để hỗ trợ hiệu quả cho doanh nghiệp trong đợt Covid-19 lần thứ 4, Ủy ban nhân dân TP. Hồ Chí Minh đã có công văn số 2724/KH-UBND ngày 16/8/2021 về Kế hoạch hỗ trợ doanh nghiệp bị tác động bởi dịch Covid-19 trên địa bàn, tập trung vào 04 nhóm giải pháp: Giải pháp hỗ trợ về tín dụng; Giải pháp hỗ trợ tổ chức sản xuất, kinh doanh, giảm chi phí và chăm lo đời sống người lao động; Giải pháp hỗ trợ mở rộng thị trường; Giải pháp hỗ trợ về thông tin, đào tạo nguồn nhân lực.

Nhiều giải pháp đã được đưa ra nhằm “cứu” doanh nghiệp. Ảnh minh họa.  
Nhiều giải pháp đã được đưa ra nhằm “cứu” doanh nghiệp. Ảnh minh họa.  

Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, hiện cả nước có khoảng 870 nghìn doanh nghiệp hoạt động, cùng với đó là 26.000 hợp tác xã và 5,1 triệu hộ kinh doanh. Quy mô các cơ sở sản xuất, kinh doanh tại Việt Nam chủ yếu là nhỏ và siêu nhỏ, còn doanh nghiệp thì quy mô nhỏ và siêu nhỏ chiếm 94%, doanh nghiệp quy mô vừa và lớn chiếm khoảng gần 6%.

Những năm gần đây, kinh tế Việt Nam trở nên sôi động, đặc biệt là khối kinh tế tư nhân, khối doanh nghiệp nhỏ và vừa. Tuy nhiên, đại dịch Covid-19 bùng phát đã khiến các cơ sở sản xuất, kinh doanh tại Việt Nam chịu ảnh hưởng nặng nề. Trong khi đó, các doanh nghiệp Việt Nam đa phần sức cạnh tranh còn thấp, chủ yếu là quy mô nhỏ và siêu nhỏ nên đang đối mặt với khó khăn hơn bao giờ hết.

Tính từ đầu năm đến nay, trung bình mỗi tháng cả nước có 11,7 nghìn doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường, đáng chú ý trong số đó không chỉ có các doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ, mà còn có cả các doanh nghiệp có quy mô lớn.

Quang Đức

Theo Kinh doanh & Phát triển