Một năm khó khăn cùa thị trường căn hộ du lịch - Condotel
Khác với các phân khúc bất động sản khác, Condotel là loại hình bất động sản được dự báo là gặp khó khăn trong quá trình phục hồi và sẽ là phân khúc phục hồi chậm nhất. Giới chuyên gia nhận định, chưa nhìn được ngày về của condotel, dù vậy, những dự án có đầy đủ pháp lý và có điều kiện thuận lợi vẫn là ngoại lệ đắt hàng trong thời gian tới.
Khó khăn vẫn đeo bán thị trường condotel
Báo cáo mới công bố của DKRA Group cho thấy, thị trường bất động sản nghỉ dưỡng của cả nước vừa trải qua năm khó khăn khi nguồn cung sụt giảm đáng kể, còn sức cầu ở mức thấp nhất trong một vài năm trở lại đây.
Trong năm 2023, thị trường bất động sản nghỉ dưỡng condotel chỉ có 45 dự án trong đó có 4 dự án mới. Tổng nguồn cung ra toàn thị trường là 5.937 căn, giảm 3% so với cùng kỳ 2022, trong khi đó, lượng tiêu thụ cũng giảm mạnh chỉ 1.164 căn, giảm tới 68% so với cùng kỳ năm ngoài. Tính chung toàn thị trường, chỉ tiêu thụ khoảng 20%, như vậy, 80% còn lại nằm ở hàng tồn kho.
DRKA Group cho rằng, nguồn cung sơ cấp chủ yếu tập trung ở những dự án cũ mở bán từ trước, trong khi dự án mới khá khiêm tốn bởi những rào cản pháp lý cũng như sự thận trọng của các chủ đầu tư khi đưa sản phẩm ra thị trường trong bối cảnh khó khăn như hiện nay.
Trong năm 2023, có 5 địa phương có tỷ tọng nguồn cung sơ cấp cao nhất, đứng đầu là Bà Rịa – Vũng Tàu chiến 22%, sau đó là Khánh Hòa chiếm 19%, Bình Định chiếm 14%, Quảng Nam và Quảng Ninh cùng chiếm &% nguồn cung Condotel cả năm.
Xét về mặt bằng giá bán sơ cấp không biến động so với năm trước và vẫn neo ở mức cao do chi phí đầu vào cao. Tuy nhiên, các chính sách nghiêng về hỗ trợ dòng tiền như kéo dài lịch thanh toán, ân hạn nợ gốc, hỗ trợ lãi suất,… tiếp tục được áp rộng rãi nhằm kích cầu thị trường.
Cụ thể, ở khu vực miền Bắc, condotel được rao bán với giá từ 36,2-124,5 triệu đồng/m2, miền trung được rao bán với mức giá từ 33,9-123,5 triệu đồng/m2 còn miền Nam được rao bán với mức từ 55,5-154,5 triệu đồng/m2.
Sức cầu chung thị trường ghi nhận mức thấp nhất trong 5 năm trở lại đây, lượng tiêu thụ sơ cấp chỉ bằng 32% so với cùng kỳ năm 2022. Hầu hết các dự án mới có tình hình bán hàng chậm, trong khi đó hơn 50% dự án sơ cấp đóng giỏ hàng không ghi nhận phát sinh giao dịch.
Miền Trung tiếp tục dẫn đầu khi chiếm 58% tổng nguồn cung sơ cấp và chiếm 41% tổng lượng tiêu thụ sơ cấp cả nước. Thanh khoản thị trường ở mức thấp, giao dịch tập trung chủ yếu ở những dự án có pháp lý hoàn thiện, được phát triển bởi các chủ đầu tư có năng lực tài chính mạnh và có tổng giá trị dưới 3 tỷ Đồng/căn.
Chưa thấy ngày về của condotel
Mặc dù đã được Chính phủ, Nhà nước hỗ trợ về mặt pháp lý cho các dự án nhưng thị trường condotel vẫn ì ạch bước qua giai đoạn khó khăn và chưa thấy rõ sự bứt phá trong tiến trình phục hồi.
Tại một diễn đàn tổ chức hồi đầu tháng 1/2024, ông Nguyễn Chí Thanh, Phó Chủ tịch thường trực VARS đã nhận định: "Thị trường bất động sản nghỉ dưỡng đã trượt dài trong năm 2023 nên để hồi phục trở lại điểm xuất phát sẽ rất vất vả và cần nhiều thời gian hơn so với những phân khúc khác.
Để thị trường thực sự chuyển mình và có cơ hội đi lên trong năm 2024, việc thực hiện hiệu quả Nghị định 10 và tận dụng đà tăng trưởng nhu cầu du lịch cần được đẩy mạnh. Cần nghiên cứu cơ chế, chính sách phát triển đồng bộ các ngành nghề, lĩnh vực liên quan, đặc biệt là du lịch, dịch vụ để đảm bảo thị trường này có nền tảng vững chắc, phát triển sâu về chất. Đây là mấu chốt quan trọng giúp lấy lại niềm tin của khách hàng, nhà đầu tư trong phân khúc này".
Nhóm chuyên gia nhận định, trước khi Luật kinh doanh bất động sản (sửa đổi) được thông qua thì condotel nói riêng và bất động sản du lịch nói chung chưa được quy định trong Luật kinh doanh bất động sản 2014. Việc phát triển mạnh mẽ các loại hình bất động sản du lịch những năm qua cũng cho thấy khoảng trống pháp lý để điều chỉnh loại hình này. Nó gây ra nhiều khó khăn cho các chủ đầu tư cũng không đảm bảo an toàn pháp lý cho hoạt động kinh doanh loại hình này. Tuy nhiên, những quy định mới trong Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi) vừa được thông qua sẽ giúp các cơ quan chức năng có thẩm quyền căn cứ để ban hành các văn bản quy phạm pháp luật để giải quyết các vấn đề tồn đọng.
PGS.TS Nguyễn Thị Nga, Phó Trưởng Khoa Pháp luật Kinh tế, Trường học Luật Hà Nội kiến nghị: "Cần quy định rõ điều kiện để một căn hộ Condotel được cấp giấy chứng nhận và hướng tháo gỡ cho các chủ đầu tư để các căn hộ condotel đáp ứng các điều kiện để được cấp giấy chứng nhận. Còn những căn hộ chưa đủ điều kiện cũng cần phải có cơ chế giải quyết tổn đọng đó. Thứ hai là cần phải quy định rõ quy trình tiếp nhận và xử lý hồ sơ xin cấp giấy chứng nhận cho người mua căn hộ condotel. Thứ ba là cần có những cơ chế kiểm soát sử dụng theo đúng mục đích công năng của nó. Và nếu condotel tại những dự án có vị trí ven biển đấy thì tôi nghĩ rằng cũng cần phải có cơ chế kiểm soát đặc biệt hơn, đặc biệt đối với những chủ thể có yếu tố nước ngoài".