Nghị quyết 33: “Bắt đúng bệnh” của thị trường bất động sản
Nghị quyết số 33/NQ-CP được ban hành ngày 11/3/2023, đề cập về một số giải pháp tháo gỡ và thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững.
Vướng mắc nào được ưu tiên tháo gỡ?
Thị trường bất động sản vừa đón nhận tin vui khi cuối tuần vừa qua, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 33/NQ-CP (Nghị quyết 33) về một số giải pháp tháo gỡ và thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững. Theo tinh thần Nghị quyết mới của Chính phủ, hai nút thắt chính của thị trường bất động sản là vướng mắc pháp lý và nghẽn dòng tiền sẽ được tháo gỡ.
Theo đó, Nghị quyết đã nhận định đầy đủ thực trạng khó khăn trên thị trường bất động sản, đặc biệt là từ nửa cuối năm 2022 đến nay. Đơn cử như hệ thống pháp luật liên quan đến đất đai, đầu tư, xây dựng, kinh doanh bất động sản vẫn còn một số tồn tại, bất cập; nhiều dự án bất động sản tại các địa phương gặp khó khăn trong triển khai thực hiện dẫn đến thiếu hụt nguồn cung bất động sản so với thời gian trước; cơ cấu sản phẩm không hợp lý, dư thừa sản phẩm, phân khúc cao cấp; trong khi thiếu nhà ở cho công nhân, nhà ở xã hội.
Đáng chú ý, Chính phủ đưa ra mục tiêu xây dựng ít nhất 1 triệu căn nhà ở xã hội, phân khúc đang thiếu hụt trên thị trường, để tăng nguồn cung, đáp ứng nhu cầu của từng đối tượng người dân về nhà ở.
Về nguồn vốn, thị trường, doanh nghiệp kinh doanh bất động sản gặp nhiều khó khăn trong tiếp cận vốn vay tín dụng, phát hành trái phiếu và huy động vốn của khách hàng dẫn đến doanh nghiệp thiếu vốn phải giãn tiến độ, dừng triển khai thực hiện dự án.
Chính phủ yêu cầu Ngân hàng Nhà nước xem xét điều chỉnh phù hợp hệ số rủi ro với các phân khúc bất động sản. Các ngân hàng thương mại có biện pháp giảm lãi suất cho vay, hỗ trợ thị trường.
Nhận thấy được thực trạng khó chồng khó trên thị trường bất động sản, Nghị quyết 33 đã đưa ra 6 nhiệm vụ và giải pháp trọng tâm về: Hoàn thiện thể chế; thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội; nguồn vốn tín dụng; nguồn vốn trái phiếu doanh nghiệp; tổ chức thực hiện của các địa phương như nâng cao tinh thần trách nhiệm, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính; thông tin, truyền thông khôi phục niềm tin, hỗ trợ trị trường và hoạt động của các doanh nghiệp bất động sản.
Doanh nghiệp bất động sản khó khăn sẽ được giãn, hoãn nợ
Theo Nghị quyết, Chính phủ sẽ tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, người mua nhà và nhà đầu tư được nhanh chóng tiếp cận nguồn vốn tín dụng. Cùng với đó là có biện pháp xử lý phù hợp cho các doanh nghiệp bất động sản khó khăn như giãn nợ gốc, lãi vay, cơ cấu lại nhóm nợ…
Ngoài ra, các dự án bất động sản có đủ điều kiện pháp lý, khả năng tiêu thụ sản phẩm và kế hoạch trả nợ cũng sẽ được tạo điều kiện tiếp cận tín dụng.
Các doanh nghiệp nhận định, đây sẽ là động lực giúp các doanh nghiệp hoàn thành nốt các dự án đang dở dang, người dân có thể nhận nhà, tránh cảnh đình trệ, đóng băng giao dịch.
Theo giới chuyên gia, sự xuất hiện của Nghị quyết 33 trong bối cảnh hiện tại có ý nghĩa vô cùng quan trọng để định hướng, khơi thông những vướng mắc trên thị trường, hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp vượt qua khó khăn, niềm tin nhà đầu tư phần nào hồi phục.
Đặc biệt, việc đánh giá chính xác tình hình thị trường bất động sản hiện nay, xác định cụ thể các khó khăn, vướng mắc chủ yếu, chỉ rõ các nguyên nhân, nhất là nguyên nhân chủ quan chứng tỏ, Nghị quyết 33 đang "bắt đúng bệnh" để "kê đúng thuốc".
Phấn khởi trước sự ra đời của Nghị quyết 33 trong bối cảnh thị trường đang đối mặt với nhiều áp lực, Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, Chủ tịch Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam Nguyễn Văn Đính cũng nhận định: "Với tinh thần rõ ràng, dứt khoát, chỉ đạo đúng - đủ những vấn đề đang tạo khó cho thị trường bất động sản của Nghị quyết số 33/NQ-CP, những vướng mắc, điểm nghẽn của thị trường sẽ sớm được khơi thông, thị trường sẽ sớm hồi phục, ổn định và phát triển trở lại".
Ông Đính nhấn mạnh, quan điểm và mục tiêu của Chính phủ tại Nghị quyết đã bám sát thực trạng khó khăn, lệch lạc của thị trường hiện tại. Từ đó đưa ra tư duy chỉ đạo và giao nhiệm vụ cụ thể đến từng Bộ ngành, đúng người, đúng việc. Ngoài ra, Chính phủ không những chỉ đạo hệ thống quản lý Nhà nước mà còn chỉ đạo các doanh nghiệp bất động sản phải ưu tiên việc thanh toán nợ, đặc biệt là nợ trái phiếu.
Ở góc độ doanh nghiệp, bà Nguyễn Thùy Dung, Chủ tịch HĐQT Công ty Địa ốc Phú Hưng, cho biết: "Nghị quyết 33 của Chính phủ vào ngày 11/3 vừa qua cũng đã tạo một tâm lý tích cực cho thị trường. Chương trình giãn hạn cho các doanh nghiệp bất động sản mà đặc biệt là các doanh nghiệp bất động sản đang đến thời kỳ đáo hạn, tôi nghĩ là động thái đầu tiên để giúp các doanh nghiệp bất động sản được giãn nợ của mình. Ngoài ra, các huy động trái phiếu cũng được chính phủ nới lỏng, đặc biệt là các khoản vay đến hạn mà chủ đầu tư không có khả năng trả nợ thì được hoán đổi bằng các sản phẩm bất động sản, tôi cho rằng đây cũng là giải pháp để các khoản nợ của các doanh nghiệp bất động sản được tất toán".