Nghịch lý: Thanh khoản “èo uột” nhưng giá biệt thự, liền kề tại Hà Nội vẫn tiếp tục leo thang

Theo báo cáo mới đây của Savills Việt Nam cho thấy, giá bán biệt thự Hà Nội đã tăng gấp đôi, giá liền kề cũng ghi nhận tăng 67%, tuy nhiên khả năng thanh khoản của phân khúc này lại không như vậy.

Giá tăng cao nhưng thanh khoản chậm

Cụ thể, Savills cho biết, riêng trong quý II/2022 toàn thị trường Hà Nội chỉ có 146 căn biệt thự, nhà liền kề mới, giảm 82% theo quý, 84% theo năm. Nguồn cung sơ cấp toàn thị trường ở mức thấp nhất trong vòng 5 năm vừa qua, ở mức 993 căn, giảm 34% theo quý, 49% theo năm.

Bà Đỗ Thu Hằng -  Giám đốc bộ phận Nghiên cứu & Tư vấn Savills Hà Nội nhấn mạnh, trong quý I/2018, giá bán sơ cấp trung bình của biệt thự hạng A Hà Nội là 65 triệu đồng/m2 nhưng đến nay ghi nhận giá bán sơ cấp trung bình của biệt thự Hà Nội đạt 134 triệu đồng/m2, thậm chí xuất hiện mức giá cao kỷ lục là 569 triệu đồng/m2.

Trong khi đó, nửa đầu năm 2022 đã chứng kiến sự tăng trưởng mạnh ở giá bán thứ cấp. Trong đó, giá biệt thự tăng 37%, shophouse tăng 22% và giá liền kề tăng 20%. Đáng chú ý, so với năm 2018, giá bán biệt thự Hà Nội đã tăng gấp đôi, giá liền kề cũng ghi nhận tăng 67%

Giá biệt thự, liền kề tại Hà Nội tăng cao nhưng thanh khoản chậm.  
Giá biệt thự, liền kề tại Hà Nội tăng cao nhưng thanh khoản chậm.  

Tuy nhiên, nghịch lý lại xuất hiện đó là dù giá phân khúc này tăng cao nhưng thanh khoản lại khá “ảm đạm”. Minh chứng là lượng giao dịch giảm 55% theo quý, 72% theo năm khi chỉ có 302 giao dịch được ghi nhận tính đến quý II/2022; tỷ lệ hấp thụ theo quý chỉ ở mức 30%, giảm 14% theo quý, 25% theo năm; tỷ lệ hấp thụ cho nguồn cung mới chỉ có 14%.

Đồng thời, theo thống kế của Batdongsan.com.vn trước đó cũng cho thấy, mức độ quan tâm, tìm kiếm của người mua đối với phân khúc biệt thự, liền kề giảm 11% so với cùng kỳ năm 2021 và 14% đối với shophouse.

Thanh khoản có được cải thiện trong thời gian tới?

Dự báo về thị trường cuối năm, Savills cho biết, thị trường sẽ chào đón hơn 2.131 căn đến từ 13 dự án. Tuy nhiên, các dự án này phải đối mặt với việc người mua đang giảm sự quan tâm đối với thị trường nhà đất.

Mặc dù vậy, lãnh đạo cấp cao của Savills tin tưởng rằng, khi nguồn cung có giá bán hợp lý hơn trở lại thị trường, thanh khoản cùng tình hình hoạt động sẽ được cải thiện.

“Sau thời gian liên tục tăng, hiện đã có chiều hướng chững lại liên quan đến tính thanh khoản, khả năng chi trả, cũng như mức độ hấp dẫn của sản phẩm và tính cạnh tranh với các dòng sản phẩm ở các địa phương lân cận”, bà Đỗ Thu Hằng chia sẻ.

Bà Đỗ Thu Hằng -  Giám đốc bộ phận Nghiên cứu & Tư vấn Savills Hà Nội
Bà Đỗ Thu Hằng -  Giám đốc bộ phận Nghiên cứu & Tư vấn Savills Hà Nội

Ông Matthew Powell - Giám Đốc Savills Hà Nội cũng phân tích “Giá bán hiện ở mức khá cao trong khi nguồn cung lại hạn chế dẫn tới tỷ lệ hấp thụ ở mức thấp. Giao dịch chủ yếu tại thị trường thứ cấp giữa các nhà đầu tư với nhau. Một khi nguồn cung có giá bán hợp lý hơn trở lại thị trường, thanh khoản cùng tình hình hoạt động sẽ được cải thiện”.

Trong khi đó, ông Nguyễn Văn Đính - Phó Chủ tịch Hiệp hội BĐS Việt Nam cho biết: “Sau dịch bệnh, nhu cầu mua, tìm kiếm bất động sản vẫn rất lớn. Tuy nhiên, giá nhà tăng nhưng thanh khoản thấp là tín hiệu cho thấy đã xuất hiện bong bóng cục bộ. Đáng chú ý, giá nhà cũng leo thang theo giá đất và lập mặt bằng giá mới ở nhiều nơi, song lượng giao dịch chỉ đạt mức thấp. Để ổn định thị trường, cơ quan quản lý Nhà nước đang đẩy mạnh củng cố hành lang pháp lý cho thị trường bất động sản”.

Anh Huy

Theo Chất lượng và Cuộc sống