Nghịch lý: Thị trường “bớt khó” nhưng doanh nghiệp bất động sản vẫn “ồ ạt” giải thể?
Trong 6 tháng đầu năm, cả nước có tới 3.185 doanh nghiệp kinh doanh bất động sản (BĐS) thông báo tạm dừng hoạt động có thời hạn, bằng 125% so với cùng kỳ năm 2023. Đây được coi là một điều khá bất ngờ khi kể từ đầu năm 2024, thị trường bất động sản đã có những tín hiệu tích cực hơn so với năm 2023.
Bất ngờ doanh nghiệp giải thể
Dữ liệu của Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam (VARS) cho thấy, sau quý đầu năm cho thấy dấu hiệu phục hồi rõ rệt, bước sang nửa đầu quý II năm 2024, cùng với nền kinh tế, thị trường bất động sản đang phục hồi, tích cực qua từng tháng. Hàng loạt dự án bất động sản đa dạng phân khúc được tái khởi động, khởi công, công bố, giới thiệu ra thị trường đều được quan tâm với kết quả bán hàng ấn tượng.
Nhiều chuyên gia BĐS, kinh tế phân tích, câu chuyện lãi suất vay vốn ngân hàng hiện nay tác động không nhỏ tới giao dịch mua bán trên thị trường BĐS. Lãi suất cao sẽ tạo áp lực cho doanh nghiệp, nhà đầu tư vay vốn mua nhà, đầu tư dự án và ngược lại. Từ quý III/2023 đến nay, lãi suất huy động ngân hàng liên tục giảm và bắt đầu đảo chiều tăng trở lại trong quý II/2024.
Dữ liệu tổng hợp của Batdongsan.com.vn (Kênh thông tin dịch vụ BĐS số 1 Việt Nam) cho thấy, trong nửa đầu năm 2024, điểm sáng là FDI vào BĐS đã bằng 70% so với năm 2023. Đáng chú ý, các kênh đầu tư đều ghi nhận dấu hiệu tích cực, trong đó đầu tư BĐS và đầu tư vàng có lợi suất cao nhất.
Mặc dù vậy, thị trường BĐS vẫn chưa vượt qua được giai đoạn khó khăn, khi dư nợ tín dụng BĐS tiếp tục tăng, trái phiếu và nợ xấu vẫn là những thách thức của nền kinh tế. Thêm vào đó, nguồn cung cho thị trường BĐS vẫn chủ yếu là hàng tồn kho, ít nguồn cung mới phù hợp với nhu cầu thực tế của thị trường.
Theo dữ liệu trực tuyến của Batdongsan.com.vn, lượt tìm kiếm BĐS trong 6 tháng đầu năm 2024 đang dần phục hồi sau khi "chạm đáy" vào đầu quý I/2023. Tín hiệu phục hồi bắt đầu rõ nét hơn từ đầu quý I/2024 với biến động mạnh về mức độ quan tâm, đây cũng là đặc điểm mang tính chu kỳ của thị trường BĐS.
Mặc dù, từ đầu năm nay thị trường bất động sản đã có những tín hiệu tích cực hơn, song lượng doanh nghiệp bất động sản tạm dừng hoạt động có thời hạn không giảm đi thậm chí tiếp tục gia tăng.
Cụ thể, theo Báo cáo Tình hình kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm 2024 của Tổng cục Thống kê (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), trong 6 tháng đầu năm nay, cả nước có 2.210 doanh nghiệp kinh doanh bất động sản thành lập mới, bằng 101,4% so với cùng kỳ năm 2023.
Số doanh nghiệp quay trở lại hoạt động là 1.577 doanh nghiệp, bằng 111,4% so với cùng kỳ năm năm ngoái.
Số doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể là 605, bằng 92,5% so với cùng kỳ năm ngoái. Số doanh nghiệp tạm dừng hoạt động có thời hạn là 3.185, bằng 125% so với 6 tháng đầu năm 2023. Trước đó, 5 tháng đầu năm đã có 2.996 doanh nghiệp thông báo tạm dừng hoạt động có thời hạn.
Số doanh nghiệp tạm dừng hoạt động có thời hạn trong 6 tháng đầu năm 2024 là 3.185, bằng 125% so với 6 tháng đầu năm 2023
Đáng chú ý, bối cảnh doanh nghiệp bất động sản thông báo tạm dừng hoạt động có thời hạn gia tăng khi thị trường bất động sản từ đầu năm đến nay đang có những diễn biến tích cực theo chiều hướng tháng sau tốt hơn tháng trước.
Bên cạnh đó, theo thống kê từ báo cáo tài chính của các doanh nghiệp bất động sản niêm yết, chủ yếu là nhóm phát triển mảng nhà ở cho thấy, tổng giá trị tồn kho tại thời điểm cuối tháng 3/2024 đạt hơn 286.000 tỷ đồng (tương đương khoảng hơn 11,4 tỷ USD).
Ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP. HCM - cho rằng với nhóm hàng tồn kho bất động sản bán thành sản phẩm, là nhóm đã triển khai nhiều năm nhưng chưa hoàn thiện, các đơn vị quản lý Nhà nước cần tập trung xem xét, đẩy nhanh hơn nữa tiến độ gỡ vướng cho những dự án này nhằm khơi thông nguồn lực.
Mặc dù khó khăn nhưng theo ông Châu, khi Luật Đất đai (sửa đổi), cùng với Luật Nhà ở (sửa đổi), Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi) có hiệu lực đồng thời từ 1/8/2024 sẽ đáp ứng yêu cầu hoàn thiện đồng bộ chính sách, pháp luật về quản lý và sử dụng đất phù hợp với thể chế phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.
Giai đoạn khó khăn nhất đã qua
Theo kết quả khảo sát của Hội Môi giới bất động sản Việt Nam (VARS), cho thấy trên 80% doanh nghiệp bất động sản ghi nhận tình hình kinh doanh đã cải thiện hơn trong quý I/2024, mức lợi nhuận ước tăng trung bình khoảng 10%.
Báo cáo từ Dat Xanh Services (DXS-FERI) cũng chỉ ra, niềm tin với thị trường bất động sản đang trở lại, chu kỳ mới đang mở ra cơ hội cho các thành viên tham gia thị trường, nhất là với những doanh nghiệp, nhà đầu tư đã có sự chuẩn bị kỹ lưỡng. Theo đó, hơn 68% lực lượng lao động trong ngành bất động sản cho biết đã chuẩn bị để trở lại hoạt động khi thị trường phát triển tích cực hơn.
Bên cạnh số lượng các doanh nghiệp giải thể thì số lượng doanh nghiệp trở lại trong lĩnh vực bất động sản phản ánh rõ nét tín hiệu phục hồi tích cực của thị trường trong những tháng đầu năm nay.
Ông Nguyễn Văn Đính, Chủ tịch Hội Môi giới bất động sản Việt Nam (VARS) nhận định, thị trường bất động sản những tháng đầu năm 2024 được đánh giá đã vượt qua giai đoạn khó khăn nhất, đang và sẽ ghi nhận các động thái tích cực về tổng cung và tổng cầu, đầu vào và đầu ra, vi mô và vĩ mô, trước mắt và trung hạn, mở ra những cơ hội triển vọng cho thị trường bất động sản năm 2024.
Dự kiến, với các luật mới được thông qua, có hiệu lực trong vài tháng tới, thị trường bất động sản sẽ sớm quay trở lại trạng thái bình thường “mới” với các thông tin ngày càng minh bạch, rõ ràng cho mọi thành phần kinh tế tham gia.
Tuy nhiên, thị trường và các doanh nghiệp bất động sản vẫn đang đối diện với nhiều khó khăn, thách thức do chịu ảnh hưởng của nhiều yếu tố bất lợi trong và ngoài nước. Thời điểm này, doanh nghiệp bất động sản trên sàn chứng khoán đã bớt khó khăn hơn năm trước khá nhiều nhưng tình hình kinh doanh vẫn chưa thực sự tích cực. Vài doanh nghiệp bất động sản có doanh số bán hàng tích cực song lợi nhuận vẫn chưa cải thiện. Trong bối cảnh đó, các doanh nghiệp bất động sản Việt Nam buộc phải cơ cấu lại sản phẩm lẫn danh mục đầu tư, nên có động lực và cởi mở hơn với nhà đầu tư nước ngoài, nhất là những khó khăn về tài chính của đa số chủ đầu tư chưa thể giải quyết sớm.
Ngoài ra, hiện các đơn vị nước ngoài đầu tư vào lĩnh vực bất động từ Singapore, Nhật Bản hay Hàn Quốc… đều là những doanh nghiệp sẵn sàng hợp tác đầu tư trong điều kiện dự án có cơ sở pháp lý hoàn chỉnh, chủ đầu tư quyết tâm trong hợp tác kinh doanh. Những chủ đầu tư được tiếp thêm dòng vốn ngoại sẽ nhanh chóng có nguồn cung mới, từ đó mang đến tín hiệu tích cực hơn cho thị trường bất động sản trong năm 2024.