Thị trường bất động sản cuối năm khó “đột phá”, phân khúc nào là “điểm sáng”?

Theo các chuyên gia, cho rằng thị trường bất động sản giai đoạn 6 tháng cuối năm 2024 rất khó để hồi phục, tăng trưởng vượt bậc. Tuy nhiên, trong lúc thị trường bất động sản còn nhiều khó khăn vẫn có phân khúc ghi nhận thanh khoản tích cực.

Thị trường bất động sản cuối năm khó “đột phá”, phân khúc nào là “điểm sáng”? - Ảnh 1

Thị trường khó có đột phá

Theo đánh giá của các chuyên gia, từ nay đến cuối năm 2024, nếu thị trường bất động sản có sự tăng trưởng, đáp ứng được kỳ vọng của nhà đầu tư thì chỉ tiếp tục ở phân khúc phục vụ nhu cầu ở thực là căn hộ, nhà phố vừa túi tiền. Nhìn xa hơn, vào năm 2026, lúc này thị trường mới có sự lan tỏa sang các sản phẩm mang tính đầu cơ....

Với bất động sản, đây là thị trường đặc trưng có tính chu kỳ và thường đi theo chu kỳ tăng trưởng của nền kinh tế, tất nhiên sẽ có độ trễ. Đặc trưng của thị trường bất động sản Việt Nam là mỗi chu kỳ thường diễn ra trong 8 - 10 năm và có 4 năm giao ở giữa mỗi chu kỳ và chuyên gia gọi tên đây là "mùa đẹp".

Quan sát từ chu kỳ trước (giai đoạn 2016 - 2019), hầu như nhà đầu tư mua bất động sản đều thắng, không thắng nhiều thì thắng ít, không nhân đôi thì nhân 3 giá trị tài sản, dẫn đến câu chuyện rất nhiều nhà đầu tư tham gia vào thị trường bất động sản mà không quan tâm tính chu kỳ.

Đến đầu năm 2022 và trong suốt năm 2023, vẫn có rất nhiều nhà đầu tư sẵn sàng mua thêm bất động sản cao cấp, đất nông nghiệp, xa trung tâm; trong khi thời điểm này nền kinh tế có nhiều dấu hiệu suy yếu.

Thực tế, từ tháng 5/2023, các chuyên gia nhận định phân khúc hồi phục đầu tiên là phân khúc phục vụ cho nhu cầu ở thực (căn hộ, nhà phố…) phù hợp với khả năng chi trả của khách hàng. Ba tháng đầu năm nay, thống kê của nhóm chuyên gia cho thấy căn hộ, nhà phố ở Hà Nội có tốc độ tăng trưởng cao nhất, còn thị trường TP HCM đã chấm dứt được tình trạng chủ sở hữu tài sản bán cắt lỗ và tăng trưởng nhẹ. Tuy nhiên, thực trạng này chỉ mang tính chất cục bộ, tức chỉ tăng mạnh ở Hà Nội và tăng nhẹ ở TP HCM, không tạo được sự lan tỏa cho toàn bộ thị trường.

Có thể thấy, thị trường đang hồi phục và bắt đầu từ phân khúc có nhu cầu ở thực tại trung tâm các thành phố lớn như Hà Nội, TP HCM, sau đó có thể lan tỏa ra các thành phố giáp ranh khác như Long An, Bình Dương, Đồng Nai, Vĩnh Phúc, Thái Nguyên, Hải Phòng, Hải Dương…

"Thị trường bất động sản giai đoạn 6 tháng cuối năm 2024 rất khó để hồi phục, tăng trưởng vượt bậc. Nếu có tăng trưởng, đáp ứng được kỳ vọng của nhà đầu tư thì chỉ tiếp tục ở phân khúc phục vụ nhu cầu ở thực là căn hộ, nhà phố vừa túi tiền. Nhìn xa hơn, vào năm 2026, lúc này thị trường mới có sự lan tỏa sang các khu vực khác, sang những phân khúc khác. Khi đó, những sản phẩm mang tính đầu cơ hơn như đất nông nghiệp, biệt thự, bất động sản cao cấp, đất vùng ven các tỉnh… mới bắt đầu có sự hồi phục", một chuyên gia nhận định.

Theo ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch của Hiệp hội Bất động sản TP Hồ Chí Minh (HoREA) sẽ có hai kịch bản có thể xảy ra, tác động đến thị trường bất động sản trong nửa cuối năm 2024.

Thứ nhất là nếu được tiếp sức bằng việc tại kỳ họp thứ 7, Quốc hội cho phép Luật Đất đai 2024, Luật Nhà ở 2023, Luật Kinh doanh bất động sản 2023 có hiệu lực từ ngày 1/7/2024; đồng thời thông qua hai dự thảo Nghị quyết thí điểm của Quốc hội. Tiếp đó, Chính phủ, các bộ, ngành nhanh chóng ban hành các Nghị định, Thông tư quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành các Luật liên quan.

Thứ hai là nếu Quốc hội không cho phép áp dụng sớm ba luật trên từ 1/7/2024 thì sẽ khiến tiến trình phục hồi của thị trường chậm thêm khoảng 6 tháng

Ngoài ra, nếu Quốc hội không thông qua dự thảo Nghị quyết về thí điểm thực hiện dự án nhà ở thương mại thông qua thỏa thuận về nhận quyền sử dụng đất hoặc đang có quyền sử dụng đất mà đất đó không phải là đất ở thì kể từ ngày Luật Đất đai 2024 có hiệu lực, các nhà đầu tư sẽ tiếp tục không được thỏa thuận về nhận quyền sử dụng đất ở và đất khác hoặc đất khác không phải là đất ở để thực hiện dự án nhà ở thương mại.

Như vậy, sẽ có khoảng 15% trong tổng số các dự án nhà ở thương mại tiếp tục gặp vướng mắc pháp lý. Nguy cơ tình trạng thị trường tiếp tục thiếu hụt nguồn cung dự án, dẫn đến thiếu hụt nguồn cung nhà ở thương mại.

"Như vậy, tình trạng lệch pha sản phẩm nhà ở, lệch về phân khúc nhà ở cao cấp, thiếu hụt nguồn cung nhà ở giá vừa túi tiền vẫn tiếp diễn. Từ đó dẫn tới việc giá nhà khó mà kéo giảm, tác động bất lợi đến mục tiêu phát triển thị trường bất động sản an toàn, lành mạnh, bền vững", ông Châu dự báo.

Phân khúc nào là “điểm sáng”

Mặc dù thị trường còn nhiều khó khăn, song vẫn có phân khúc ghi nhận thanh khoản tích cực. Khảo sát của Batdongsan.com.vn cho thấy, lượt tìm kiếm chung cư diễn biến cùng chiều với biến động về giá.

Mặc dù giá chung cư không còn “phi mã” nhưng phân khúc này hiện vẫn ghi nhận sức thanh khoản tốt nhất so với các phân khúc sản phẩm khác trên thị trường bất động sản. Các chuyên gia nhận định, chung cư cũng chính là loại hình tạo động lực hồi phục cho thị trường bất động sản trong 2 quý đầu của năm 2024, nhất là tại 2 đô thị lớn là Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh.

Khảo sát của Batdongsan.com.vn cho thấy, lượt tìm kiếm chung cư diễn biến cùng chiều với biến động về giá. Nếu tính từ mốc tháng 10/2023 đến nay thì lượt tìm kiếm chung cư đạt “đỉnh” vào khoảng tháng 3/2024 và hiện đã tăng 29% tại Hà Nội và 32% tại Thành phố Hồ Chí Minh.

Tiếp đó, phân khúc nhà riêng và đất nền trong 2 quý vừa qua cũng ghi nhận những chuyển biến tích cực ở cả lượt tìm kiếm và giao dịch. Nếu so với quý I/2023, lượt tìm kiếm đất nền đã phục hồi khoảng 33%, lượt tìm kiếm nhà riêng phục hồi khoảng 18%.

Một số nhà môi giới nhận xét, giao dịch ở phân khúc nhà riêng tương đối ổn định từ đầu năm đến nay. Tuy nhiên, mức độ quan tâm và giao dịch đất nền, nhà riêng chỉ cải thiện cục bộ tại Hà Nội còn ở hầu hết các tỉnh phía Bắc khác, thị trường vẫn khá trầm lắng. Tại miền Trung, thị trường Đà Nẵng trở thành điểm sáng của loại hình nhà riêng và đất nền. Trong khi đó, tại thị trường miền Nam, phân khúc này mới đang dần được cải thiện trên trường sau đợt điều chỉnh giá.

Còn phân khúc bất động sản nghỉ dưỡng vẫn tiếp tục ảm đạm và là loại hình trầm lắng nhất trên thị trường bất động sản nửa đầu năm nay. Mặc dù vậy, các chuyên gia cho rằng, phân khúc này cũng bắt đầu có những tín hiệu phục hồi nhất định. Trong số đó, biệt thực nghỉ dưỡng và nhà mặt phố ghi nhận sự phục hồi rõ nét hơn so với condotel (căn hộ khách sạn).

Theo các chuyên gia, hiệu lực của các chính sách liên quan như Luật Đất đai 2024, Luật Nhà ở 2023, Luật Kinh doanh bất động sản 2023 được đẩy sớm trước 5 tháng, áp dụng từ 1/8/2024 là điểm mạnh tạo động lực cho thị trường bất động trong thời gian tới.

Tuy nhiên, quý III/2024 thị trường BĐS vẫn ở trạng thái thăm dò. Còn chu kỳ “đảo chiều” để đến tăng trưởng, ổn định của thị trường bất động sản sẽ kéo dài từ nửa cuối năm 2024 đến cuối năm 2026 với những diễn biến khác nhau giữa các phân khúc.

An Nhiên

Theo Chất lượng và Cuộc sống