“Ngòi nổ” kích hoạt sự phát triển của bất động sản phía Tây Hà Nội

Nếu như vài năm trước, khu vực phía Đông thủ đô trở thành tâm điểm của thị trường bất động sản Hà Nội thì theo nhận định trong 5 năm tới, sự phát triển của thị trường bất động sản sẽ lấy phía Tây là trọng điểm khi thành phố phía Tây đang dần được hình thành.

“Ngòi nổ” kích hoạt sự phát triển của bất động sản phía Tây Hà Nội - Ảnh 1

Hệ thống giao thông dần hoàn thiện

Từ trước đến nay để một khu vực có sự phát triển thì hạ tầng giao thông luôn là yếu tố đi đầu.

Theo “Đồ án Quy hoạch Thủ đô Hà Nội, giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050” cho thấy, Hà Nội sẽ dịch chuyển từ mô hình đơn tâm sang đa trung tâm (đa cực) theo xu hướng chung của các thành phố lớn trên thế giới. Trong đó, phía Tây Hà Nội sẽ là trung tâm hành chính mới mà ở đó, khu đô thị Hòa Lạc là trung tâm đầu não về khoa học, giáo dục và kỹ thuật công nghệ cao.

Theo đó, thành phố phía Tây có diện tích khoảng 251km2, dân số đến năm 2045 khoảng 1,2 triệu người. Thành phố phía Tây được hình thành trên cơ sở các đô thị vệ tinh Hòa Lạc và Xuân Mai. Trung tâm của khu vực này kết nối Hòa Lạc và Xuân Mai qua quốc lộ 21. Định hướng thành phố phía Tây có 16 phường và 8 xã. Đây là trung tâm khoa học công nghệ và giáo dục đào tạo của Thủ đô trong tương lai.

Thành phố phía Tây được chia làm 3 khu vực cụ thể gồm: Trung tâm hành chính – chính trị – khoa học công nghệ (186ha), trung tâm văn hóa – thể thao – vui chơi giải trí (74ha), trung tâm giáo dục đào tạo – văn phòng thương mại dịch vụ (100ha). Trong đó, khu vực Hòa Lạc sẽ là trung tâm đầu não về khoa học kỹ thuật công nghệ, trung tâm đào tạo, giáo dục chất lượng cao. Khu Xuân Mai sẽ là trung tâm giáo dục, nghiên cứu và các dịch vụ hỗ trợ giáo dục như trung tâm khởi nghiệp.

Bên cạnh đó, khu Tây Hà Nội còn tập trung hàng loạt cơ quan đầu ngành như Trung tâm Hội nghị Quốc gia, Trung tâm Triển lãm Quốc gia, trụ sở Bộ Ngoại giao đã được xây dựng và hoạt động trong suốt 10 năm qua. Đặc biệt, theo quy hoạch đến năm 2023, khu vực Mễ Trì với diện tích khoảng 55ha sẽ là trụ sở làm việc của 23 cơ quan. Đây sẽ là những công trình cao 17-25 tầng, công trình công cộng dịch vụ cao 3-5 tầng.

Đặc biệt, hạ tầng giao thông tại khu Tây Hà Nội cũng là điểm nhấn khi các tuyến giao thông lớn đã hình thành kết nối khu vực Tây Hà Nội với trung tâm Thành phố như: Đại Lộ Thăng Long, Đường 32, tuyến đường sắt trên cao Cát Linh – Hà Đông, trục đường hướng tâm Tố Hữu – Lê Văn Lương...Hiện nay, Hà Nội đang đẩy nhanh tiến độ để xây dựng vành đai 3,5, vành đai 4. Đây là những tuyến huyết mạch kết nối quan trọng tạo thành một vùng phát triển trải dài từ khu Đông qua khu Tây và sang khu Đông.

Đồng thời, hàng loạt tuyến hạ tầng quan trọng cũng đang được thúc đẩy đầu tư xây dựng. Đó là trục Hồ Tây - Ba Vì đoạn dài 25km từ điểm đầu từ ngã ba đường Hoàng Quốc Việt - Phạm Văn Đồng, điểm cuối là ngã ba Quốc lộ 32 - đường Văn Tiến Dũng đang được đẩy nhanh xây dựng. Mới đây, Hà Nội cũng đã thông qua chủ trương triển tuyến đường sắt số 5 (Văn Cao - Ngọc Khánh - Láng - Hòa Lạc). Dự án có tổng vốn đầu tư dự kiến 65.404 tỷ đồng, chiều dài toàn tuyến là 38,43km, hoàn thành vào năm 2025.

Do đó, theo đánh giá của giới chuyên gia, trong 5 năm tới sự phát triển của thị trường bất động sản sẽ lấy phía Tây là trọng điểm sau giai đoạn sốt nóng khu vực phía Đông giai đoạn 2020-2023. Khi thành phố phía Tây hình thành sẽ tạo bước ngoặt tăng trưởng cho khu Tây Hà Nội, đặc biệt khu vực Hòa Bình vốn ôm trọn khu Tây Hà Nội.

“Khi Hòa Lạc là trung tâm của thành phố mới, Hòa Bình cũng sẽ được hưởng lợi lớn khi nằm cận kề, đặc biệt là khi Đại lộ Thăng Long thông tuyến với cao tốc Hòa Bình – Hà Nội”, ông Nguyễn Văn Đính – Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam (VARS) chia sẻ.

 Bất động sản nơi nào hưởng lợi?

Với việc khu Tây dần trở thành tâm điểm mới của thủ đô Hà Nội thì thị trường bất động sản quanh khu vực này cũng sẽ được hưởng lợi không ít. Thực tế, nhìn lại thị trường bất động sản tại Hà Nội trong những năm gần đây, khu vực phía Tây luôn nổi bật và là một trong những động lực tăng trưởng chính của thành phố.

Báo cáo thị trường bất động sản năm 2022 và 2023 của VARS ghi nhận nhiều quý liên tiếp căn hộ phía Tây Hà Nội áp đảo về nguồn cung và giao dịch. Dữ liệu của Savills trong các tháng đầu năm 2023 cũng cho biết khu vực phía Tây dẫn đầu về nguồn cầu và số lượng giao dịch, trong đó các quận Nam Từ Liêm, Bắc Từ Liêm và Cầu Giấy chiếm 46% nguồn cung sơ cấp và 51% số căn bán được.

Quay lại vấn đề bất động sản nơi nào sẽ hưởng lợi khi phía Tây Hà Nội trở thành “tâm điểm” của thủ đô, quan sát thực tế có thể thấy Hòa Bình sở hữu vị trí chiến lược tại cửa ngõ phía Tây của thủ đô Hà Nội. Đây cũng là vị trí đặc biệt quan trọng, là tâm điểm giao thương giữa Hà Nội và các tỉnh Tây Bắc. Với vị trí đắc địa này, Hòa Bình trở thành một địa phương trung chuyển và là cầu nối cho mạch luân chuyển hàng hoá giữa các tỉnh lân cận không bị đứt gãy.

“Ngòi nổ” kích hoạt sự phát triển của bất động sản phía Tây Hà Nội - Ảnh 2

Bất động sản Hòa Bình được hưởng lợi nhiều từ sự phát của khu Tây Hà Nội (Ảnh minh họa).

Với lợi thế đó, Hòa Bình đang sở hữu nhiều cơ hội để thị trường bất động sản phát triển mạnh mẽ. Bên cạnh đó, với việc giá đất tại Hà Nội đáng có xu hướng tăng cao cũng như quỹ đất ngày càng thu hẹp thì Hòa Bình được hưởng lợi lớn. Kéo theo đó là sự bật dậy mạnh mẽ của các phân khúc bất động sản nghỉ dưỡng, nhà ở.

Đánh giá về thị trường Hòa Bình, ông Vũ Cương Quyết – Tổng giám đốc Đất Xanh Miền Bắc cho biết, bất động sản Hòa Bình có động lực tăng trưởng mạnh mẽ khi Hòa Lạc trở thành trung tâm phát triển của thành phố phía Tây.

“Với quỹ đất rộng, giá tốt và lợi thế về nghỉ dưỡng các đô thị ở Hòa Bình sẽ là nơi đón làn sóng tìm kiếm nhà ở chất lượng cao từ các chuyên gia nước ngoài, tầng lớp trí làm việc ở các khu công nghệ cao Hòa Lạc”, ông Quyết nhấn mạnh.

Có thể thấy Hòa Bình đang hội tụ những lợi thế đặc trưng của một “vùng trũng” bất động sản khi giá còn khá mềm so với những địa phương khác trong khu vực. Đây cũng là lý do thời gian qua các doanh nghiệp liên tiếp đầu tư mạnh vào Hòa Bình. Do đó các “ông lớn” bất động sản như Geleximco, T&T, Sun Group Flamingo, Ecopark…đã và đang tìm kiếm những cơ hội để đầu tư những dự án lớn tại Hòa Bình.

An Nhiên

Theo Chất lượng và Cuộc sống