Người dân lo "mất nhà" khi chung cư chỉ có thời hạn 50 - 70 năm: Bộ Xây dựng nói gì?

Trước lo ngại của người dân về việc thời hạn sở hữu, sử dụng chung cư chỉ 50 - 70 năm, Bộ Xây dựng khẳng định đó mới chỉ là đề xuất đối với Chính phủ.

Tại buổi hop báo thường kỳ “Kiểm điểm công tác chỉ đạo, điều hành 6 tháng đầu năm 2022 và đề xuất phương hướng nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm 6 tháng cuối năm 2022 của Bộ Xây dựng”, vấn đề liên quan đến đề xuất thời hạn sử dụng nhà chung cư đặc biệt được quan tâm bởi đây là vấn đề đang phát sinh nhiều ý kiến trái chiều, băn khoăn vì chưa rõ quy định về thời hạn này sẽ có ảnh hưởng như thế nào đến các quyền của chủ sở hữu sau này như thừa kế, để lại tài sản cho con cháu.

Hoặc, khi hết hạn sở hữu thì chỗ ở của người dân sẽ được giải quyết ra sao, hoặc có xảy ra hiện tượng người dân sẽ chuyển sang mua nhà ở riêng lẻ thay vì mua căn hộ chung cư do tâm lý muốn sở hữu lâu dài tài sản nhà đất như hiện nay…

Bộ Xây dựng khẳng định đề xuất sửa đổi chính sách về thời hạn sở hữu nhà chung cư dựa trên nhiều cơ sở.  
Bộ Xây dựng khẳng định đề xuất sửa đổi chính sách về thời hạn sở hữu nhà chung cư dựa trên nhiều cơ sở.  

Trả lời về đề xuất này, Bộ Xây dựng cho biết: Bộ đã đề xuất 2 phương án và đã được Chính phủ chấp thuận, báo cáo Quốc hội đề nghị đưa vào Chương trình xây dựng luật của Quốc hội năm 2023 (tại Tờ trình số 53/TTr-CP ngày 28/3/2022).

Cụ thể, phương án 1 là bổ sung quy định thời hạn sở hữu nhà chung cư được xác định theo thời hạn sử dụng công trình theo quy định của pháp luật về xây dựng.

Phương án 2 là thời hạn sở hữu nhà chung cư được xác định theo thời hạn sử dụng đất xây dựng nhà chung cư theo quy định của pháp luật đất đai.

Đại diện của Bộ Xây dựng cho biết, việc đề xuất áp niên hạn nhà chung cư được dựa trên nhiều cơ sở, cả về yêu cầu trong công tác quản lý, sử dụng nhà chung cư, vì có liên quan đến tài sản và tính mạng của nhiều người, trên cơ sở thực tế các khó khăn, vướng mắc trong việc thực hiện chính sách cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư hiện nay và có tham khảo kinh nghiệm của nhiều nước trên thế giới.

Năm 2014, khi Bộ Xây dựng trình Chính phủ để Quốc hội thông qua Luật Nhà ở thì lúc đó đã đặt ra 2 tình huống, đó là việc sở hữu nhà chung cư có thời hạn hay là lâu dài. Quốc hội thời kỳ đó cho rằng cần tiếp tục nghiên cứu xem lại đánh giá tác động của thời hạn này.

Trong quá trình hoàn thiện Luật Nhà ở, Việt Nam đã có chính sách xây dựng lại nhà chung cư cũ và thực hiện trong 10 năm qua nhưng kết quả rất hạn chế, do người dân quan niệm sở hữu nhà là vĩnh viễn.

Sau 7 năm, Bộ Xây dựng đề xuất lên Chính phủ 2 phương án sở hữu nhà chung cư theo thời hạn sử dụng công trình hoặc theo thời hạn sử dụng đất xây dựng nhà chung cư.

Đại diện Bộ Xây dựng cho biết, thời hạn sở hữu nhà chung cư không phải chỉ 50 năm hay 70 năm mà có thể lớn hơn vì thời hạn tính theo hồ sơ thiết kế công trình, quá trình sử dụng có thể sẽ dài hơn.

Quy định của Bộ Luật Dân sự là quyền sở hữu chấm dứt khi tài sản bị tiêu hủy, nghĩa là đề xuất về thời hạn sở hữu nhà chung cư theo phương án 1 không hề trái với luật.

Nhiều nước trên thế giới mà Bộ Xây dựng đã tiến hành khảo sát cũng đã quy định sở hữu nhà chung cư có thời hạn, chỉ có điều là thời hạn dài ngắn khác nhau.

Tuy nhiên, Bộ Xây dựng khẳng định đề xuất trên của Bộ đối với Chính phủ mới chỉ là đề xuất chính sách, trong nhiều nội dung mới về vấn đề nhà ở, có nội dung này.

Nếu Quốc hội thống nhất cho phép đưa vào chương trình xây dựng luật năm 2023 thì lúc đó vấn đề sở hữu nhà chung cư sẽ tiếp tục lấy ý kiến rộng rãi không chỉ chuyên gia, các nhà khoa học mà cả các đối tượng thuộc sự điều chỉnh. Vấn đề này chắc chắn sẽ lấy ý kiến người dân và trên cơ sở đảm bảo quyền lợi cho người dân.

Về giải pháp xử lý vấn đề thời hạn sở hữu nhà chung cư, Bộ Xây dựng đã đề xuất các giải pháp của 2 loại phương án.

Ví dụ, trong trường hợp quyền sử dụng đất còn tiếp tục thì người dân tiếp tục được quyền sử dụng đất, vấn đề là phải góp tiền vào làm nhà đẹp hơn.

Hà Anh

Theo Doanh nghiệp Việt Nam