“Người giàu cũng khóc” trong thị trường nỗi sợ lên ngôi

Sở hữu trong tay hàng chục sổ đỏ nhưng nhiều người đến khi cần tiền mặt lại không thể “đổi” đất lấy tiền. Trong bối cảnh thị trường bước vào giai đoạn thanh lọc, hàng trăm cuộc tháo chạy “cắt lỗ” diễn ra khiến “người giàu cũng khóc”.

“Người giàu cũng khóc” trong thị trường nỗi sợ lên ngôi - Ảnh 1

Tiền tỷ “nằm bất động” trong hàng chục sổ đỏ

Rất nhiều nhà đầu tư lớn về bất động sản đang trong tình trạng bán không được, giữ không xong. Chị V. (quê Bình Thuận) cho biết dù nắm trong tay loạt lô đất nhưng hiện tại cảm giác như “ngồi trên đống lửa”.

“Tôi rất vất vả trong việc tìm kiếm người để nhượng bán lại một số lô đất vừa mua hồi đầu năm nay tại Đắk Lăk. Lúc này tôi lại đang rất cần tầm 1 tỷ đồng tiền mặt nhưng phải rứt ruột đi vay”, chị V. chia sẻ.

Từ tháng 8/2022, chị V. đã rao bán rất nhiều lần nhưng gần như không ai quan tâm. Sau đó, chị phải nhờ đến dịch vụ môi giới trong khu vực tìm kiếm hộ khách mua. Tuy nhiên, chị vừa không tìm được khách hàng ra giá như ý lại vừa mất phí hoa hồng rất cao.

Chỉ còn cách tìm kiếm nguồn vay nhưng vay vốn ngân hàng hiện không còn dễ dàng như trước. Chị V. đành vay ngoài với lãi suất khá cao nhưng vì đang cần gấp tiền mặt nên không còn cách nào khác.

Tương tự chị V., anh P. là một nhà đầu tư khu vực phía Bắc cho biết đang rơi vào hoàn cảnh không thể tìm được người mua lại loạt bất động sản mà mình từng đổ dồn tiền tỷ vào. Từng nghe theo đám đông đầu tư đất khu vực ngoại thành, vùng ven rồi đợi khi lên cao giá bán ra kiếm lời với mỗi lô đất trị giá hơn 800 triệu đồng. Nhưng cả tháng nay, anh đăng tin rao bán 850 triệu đồng/lô vẫn không một ai đồng ý mua.

Thậm chí, theo một nhân viên môi giới, nhiều người “ôm đất” không thể đợi bán nên đã ngỏ lời tìm người cho thế chấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất để vay tiền mặt. Tuy nhiên, môi giới này cho biết, trong thời điểm thị trường đầu tư tài chính đang vô cùng ảm đạm, nguồn tiền mặt đang khan hiếm thì hầu như chẳng ai dám nhận thế chấp sổ đỏ.

Tiền mặt lên ngôi

Theo khảo sát, trước tình trạng u ám của thị trường đầu tư, nhiều người quan niệm rằng “tiền mặt vẫn là vua”. Các nhà đầu tư đang né tránh gần như tất cả mọi thứ ngoại trừ tiền mặt trong làn sóng bán tháo này.

Nhiều nhà đầu tư kẹt dòng tiền khi chạy theo những cơn sốt đất ở các tỉnh đang chấp nhận bán cắt lỗ
Nhiều nhà đầu tư kẹt dòng tiền khi chạy theo những cơn sốt đất ở các tỉnh đang chấp nhận bán cắt lỗ

Bất cứ khi nào bạn thấy thị trường này biến động, các nhà đầu tư sẽ đổ xô tìm đến sự an toàn của tiền mặt và bạn có thể thấy điều đó ngay bây giờ”, Dan Suzuki, Phó giám đốc đầu tư tại Richard Bernstein Advisors cho biết.

“Thay vì chuyển dịch khỏi cổ phiếu và kết hợp trái phiếu và tiền mặt, việc chuyển sang tiền mặt đang diễn ra bởi việc bán cả cổ phiếu và trái phiếu. Điều đó dẫn đến nhu cầu tiền mặt tăng đột biến”, ông cho biết.

Theo khảo sát, sau khi tăng nóng 50% - 100%/năm trong giai đoạn 2016 - 2019 và duy trì tăng nhẹ 20% - 40%/năm giai đoạn 2020 - 2021, lập đỉnh vào đầu 2022, thị trường bất động sản đã bước vào giai đoạn thanh lọc.

Thậm chí, trên thị trường cũng ghi nhận nhiều nhà đầu tư kẹt dòng tiền khi chạy theo những cơn sốt đất ở các tỉnh đang chấp nhận bán cắt lỗ, giảm giá đến 40-50% so với cuối năm ngoái nhưng thị trường cũng trắng thanh khoản.

Nói về hiện tượng này, ông Lê Quốc Kiên, một cố vấn – nhà đầu tư BĐS cho rằng “Thị trường BĐS đã từng chứng kiến hoạt động “đầu cơ” - không phải làm gì, không tạo ra giá trị gì cho xã hội, chỉ mua để không chờ tăng giá...”

“Bên cạnh việc ‘đầu tư bất động sản thắng lớn mà gần như không phải làm gì’ như thông tin lan tràn thì thực tế vẫn tồn tại song song nhiều thất bại thua lỗ nhưng lại không được nhắc đến. Nhưng dù có thành công hay thất bại thì đa số bất động sản cũng gần như để không chờ tăng giá bán, không có giá trị khai thác gì, dễ mất thanh khoản khi thị trường không có sóng”, ông Lê Quốc Kiên cho biết thêm.

Theo Chất lượng và Cuộc sống