Nhà đầu tư bất động sản đói vốn và thất nghiệp

Bất động sản là nghề “kiếm cơm” của rất nhiều người, nên khi thị trường lao dốc, thanh khoản trầm lắng, họ cũng “cạn” vốn và thất nghiệp theo.

Từ khoảng giữa năm 2022, thị trường bất động sản đối mặt với hàng loạt thách thức. Lạm phát tăng cao, tín dụng ngân hàng cạn kiệt, trái phiếu doanh nghiệp bị thắt chặt, niềm tin nhà đầu tư giảm sút, giá nhà đất leo thang… Thị trường bất động sản đứng trước nguy cơ “đóng băng”.

Việc môi giới gọi điện chào bán dự án bị khách thẳng thừng từ chối diễn ra “như cơm bữa”. Nhóm nhà đầu tư toàn thời gian cũng lao đao theo diễn biến thị trường.

Nhà đầu tư bất động sản đói vốn và thất nghiệp - Ảnh 1

Hết tiền mua đất

Anh Liêm, một môi giới bất động sản chuyên nghiệp tại TP.HCM cho biết, khoảng 2 tháng trở lại đây, anh hoàn toàn không bán được bất động sản nào. Sàn giao dịch nơi anh làm việc ngày nào cũng “vắng tanh như chùa bà Đanh”. Nếu có khách đến cũng chỉ ký gửi bán giúp chứ không ai hỏi mua.

“Hồi đầu năm thị trường sốt nóng, khách lui tới mua mua bán bán tấp nhập. Có nhiều khách chấp nhận chi thêm hoa hồng nhờ tôi tìm giúp đất đẹp. Giờ thì trái ngược hoàn toàn. Trông mỏi mắt cũng chẳng có khách tới. Mà có cũng chỉ là khách nhờ bán giúp hàng ngộp vì họ cần tiền gấp”, anh Liêm ngậm ngùi chia sẻ.

Hết cách, anh Liêm đành gọi điện cho những khách hàng cũ với hy vọng bán được tới đâu hay tới đó. Nhưng vừa nghe đến hai từ “dự án”, khách hàng thẳng thừng nói ngay: “Thôi nhá, anh hết tiền rồi, không mua nổi đâu, bọn em đừng gọi cho anh nữa”.

“Biết là bị gọi nhiều khách khó chịu lắm, nhưng giờ thị trường chán quá, ngoài cách đó cũng chẳng còn cách nào. Lúc trước có khi tôi chẳng cần gọi mà khách tự tìm tới”, anh Liêm nhớ lại. 

Theo anh Trọng (TP.HCM), nhà đầu tư bất động sản lâu năm, thời điểm thị trường sốt nóng, phần lớn nhà đầu tư ham lợi lớn đã dùng cả vốn tự có lẫn vốn vay để đầu tư. Khi thị trường èo uột, bất động sản không không bán được, nhà đầu tư khó xoay được dòng tiền để tái đầu tư.

“Bản thân cũng đang bị kẹt 4 tỷ ở hai lô đất dưới Bình Chánh. May là tôi dùng tiền túi để mua chứ không giờ ôm nợ ngập đầu rồi. Nhưng mà kể cả như vậy thì hiện tại tôi cũng không còn đủ tiền để mua thêm bất động sản nào cả”, anh Trọng chia sẻ. 

Nhà đầu tư bất động sản đang bị “chôn vốn”, hết tiền không thể đầu tư thêm
Nhà đầu tư bất động sản đang bị “chôn vốn”, hết tiền không thể đầu tư thêm

Nhà đầu tư “thất nghiệp”

Thực tế cho thấy, trong những năm thị trường bất động sản nhộn nhịp, không ít người bỏ công bỏ việc chuyển sang đầu tư nhà đất toàn thời gian.

Công việc hàng ngày của họ là “la cà” tại các quán cà phê, các sàn giao dịch bất động sản để “nghe ngóng” thị trường. Nếu “hóng” được khu vực đầu tư tiềm năng, họ sẽ xuống tiền đầu tư để kiếm lời. Tuy nhiên, khi tình hình thị trường hiện tại đã “đảo chiều” một bộ phận trong số họ rơi vào cảnh thất nghiệp theo đúng nghĩa đen.

Anh Toàn (TP.HCM) là một nhà đầu tư như vậy. Anh cho hay, suốt những tháng qua, cuộc sống của anh chỉ xoay quanh 2 địa điểm nhà và quán cà phê. 

Ba năm trước, nhận thấy đầu tư nhà đất kiếm tiền dễ, thu nhập gấp nhiều lần lương văn phòng, anh Toàn đã xin nghỉ việc để chuyên tâm vào công việc “săn” bất động sản.

“Thời điểm đó, có tháng tôi kiếm được vài trăm triệu. Tiền lúc nào cũng rủng rỉnh. Mỗi ngày tôi chỉ việc đọc tin tức, nghiên cứu thị trường và đi xem đất để đầu tư. Còn bây giờ thị trường xuống quá, công việc của tôi cũng ít dần, nhiều bữa chẳng làm gì”, anh Toàn chia sẻ.

Thị trường ảm đạm khiến nhiều nhà đầu tư bất động toàn thời gian rơi vào cảnh thất nghiệp
Thị trường ảm đạm khiến nhiều nhà đầu tư bất động toàn thời gian rơi vào cảnh thất nghiệp

Theo anh Toàn, thanh khoản thị trường hiện đang rất thấp, thành ra việc kinh doanh của anh cũng chững lại hẳn. Việc lướt sóng kiếm lời nhanh gần như không còn. 

Số tiền anh bỏ vào đầu tư trước đó cũng đang bị “ăn mòn” vì lãi suất ngân hàng. Thu nhập kiếm được từ những năm trước cũng bị hao hụt vì phải bù trừ cho những khoản đầu tư thua lỗ.

“Không riêng gì tôi, nhiều bạn bè của tôi cũng bỏ công ăn việc làm ổn định để đầu tư bất động sản cũng đang khốn khổ vì thị trường lao dốc. Có người mỗi tháng phải trả 50 triệu tiền lãi ngân hàng trong khi nghề ngỗng không có, thu nhập cũng không, cuộc sống đang yên ổn giờ vất vả vô cùng”, anh Toàn cho hay.

Theo Chất lượng và Cuộc sống