Người nắm giữ nhiều bất động sản sẽ chịu mức thuế lũy tiến?
Đến thời điểm hiện tại, xoay quanh câu chuyện đánh thuế bất động sản, dư luận vẫn đặc biệt quan tâm. Nhiều chuyên gia ủng hộ đánh thuế bất động sản bởi đây là giải pháp ngăn chặn được nạn đầu cơ.
Nghị quyết 18-NQ/TW (2022) ban hành mới đây đã đưa ra những đổi mới về công cụ thuế bất động sản. Các nội dung chủ yếu bao gồm: Một, rà soát và xây dựng chính sách, pháp luật về thuế sử dụng đất theo thông lệ quốc tế, phù hợp với hoàn cảnh Việt Nam và tạo lộ trình hợp lý. Hai, đánh thuế cao vào người có nhiều đất, nhiều nhà ở, đầu cơ đất, chậm đưa đất vào sử dụng, bỏ đất hoang. Ba, ưu đãi thuế đối với lĩnh vực, địa bàn ưu đãi đầu tư, hộ nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số, người có công với cách mạng và người dân tại các địa phương thực hiện nhiệm vụ an ninh lương thực quốc gia, bảo vệ rừng tự nhiên.
Theo GS. Đặng Hùng Võ, thuế bất động sản thấp là nguyên nhân chính dẫn tới tệ nạn đầu cơ nhà đất, tích trữ tiền tiết kiệm vào nhà đất. Từ đây, các cơn sốt giá bất động sản hình thành, tích tụ bong bóng, tạo giá ảo làm giá nhà đất ngày càng cao. Hiện tại, nhà đất tại đô thị lớn ở Việt Nam thuộc nhóm cao nhất thế giới.
Ông Võ chỉ ra những hệ luỵ từ việc không có sắc thuế bất động sản. Đó là giá đất cao thì giá hàng hóa sản xuất ra sẽ cao, làm giảm năng lực cạnh tranh quốc gia, không thu hút được đầu tư.
Thứ hai, lạm phát cao khi giá trị ảo của bất động sản tăng mạnh. Tiếp đến là không thể giải quyết được nhà ở giá phù hợp cho dân và không thể tự điều chỉnh phân bổ dân cư làm cho các đô thị vượt ngưỡng hạ tầng.
Theo ông Võ, nhìn vào hệ luỵ này việc xây dựng và ban hành luật thuế bất động sản phù hợp là tất yếu. Vị chuyên gia này phân tích, thu nhập của người lao động cũng như của người dân Việt Nam là quá thấp nên có nhóm người dân có mức lương không đủ để chi trả cho chỗ ở thì không thể đánh thuế cao họ. Nhưng có nhóm nhỏ đầu cơ đất đai lại thu nhập rất cao và nếu không đánh thuế thì tình trạng đầu cơ tiếp tục xảy ra.
Thuế bất động sản nên được quy định thế nào?
Trong buổi trả lời trực tuyến mới đây liên quan đến Dự thảo Luật Đất đai sửa đổi, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà cho rằng, cần tính hạn mức sử dụng đất cho từng địa phương, nếu người dân dùng đất trong hạn mức đó sẽ tính thuế thấp. Người sử dụng đất vượt hạn mức sẽ bị tính thuế cao hơn.
Về việc đánh thuế tài sản lũy tiến, Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho biết, sẽ không đánh thuế vào nhiều nhà, nhưng đánh vào hạn mức sử dụng và nhiều đất đai nhưng không sử dụng.
Theo Bộ Trưởng, ở Mỹ nếu có 5 nhà, cho thuê cả 5 và đều đóng thuế kinh doanh thì không đóng thuế chồng thuế nữa. Nhưng nếu nhà bỏ hoang thì sẽ bị đánh thuế rất cao là thuế không sử dụng. Tương tự ở Anh, nếu nhà không phát sinh tiền điện nước, không có đóng góp gì cho nhà nước, được gọi là lãng phí, thì phải đánh thuế cao.
Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà cho rằng Việt Nam cần học tập các nước. Về các loại đất, đất nào không sử dụng cũng lãng phí. Về đất nông nghiệp hiện nay thuế bằng không theo quy định của Quốc hội nhưng nếu không sử dụng sẽ bị cộng hệ số.
Trong khi đó, GS. Đặng Hùng Võ cho rằng, tâm lý chung của dân hay nhà đầu tư cứ nghĩ về ban hành sắc thuế bất động sản là tăng thuế đồng loạt. Theo lẽ thường, người ta không áp thuế quá trình đầu tư mà chỉ áp thuế quá trình sử dụng đất và sở hữu tài sản, có như vậy mới khuyến khích đầu tư.
Ông Nguyễn Văn Phụng, nguyên Cục trưởng Cục Thuế doanh nghiệp lớn (Bộ Tài chính) cũng cho rằng, công cụ hữu hiệu nhất để điều tiết giá trị gia tăng từ đất đai chính là thuế.
Theo ông Phụng, cần nhằm vào việc thu tiền sử dụng đất khi giao đất đối với đất giao hoặc công nhận đất đang sử dụng chưa có giấy tờ (cấp sổ đỏ) và thuế chuyển nhượng đối với người có đất chuyển nhượng được hưởng lợi giá đất tăng do Nhà nước mang lại.
Vị chuyên gia này bảo rằng, cần sửa đổi, bổ sung các loại thuế, khoản thu để thực hiện được phương châm “hạn chế đầu cơ và điều tiết giá trị tăng thêm từ đất”. Theo đó, cân nhắc mối quan hệ giữa tăng thuế đối với đất nắm giữ hay tăng thuế khâu mua/bán chuyển nhượng bởi việc đầu cơ nắm giữ đất đai có liên quan đến thị trường bất động sản.
TP. HCM muốn thí điểm thu thuế bất động sản thứ 2
UBND TP. HCM vừa có tờ trình gửi Chính phủ về việc xây dựng Nghị quyết về cơ chế, chính sách thí điểm tạo động lực phát triển TP. HCM (thay thế Nghị quyết 54/2017 của Quốc hội). Theo đó, TP. HCM xin được làm thí điểm với tinh thần tháo gỡ điểm nghẽn, tăng tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm của chính quyền đô thị.
Đặc biệt, TP. HCM muốn được quyết định chính sách thuế thu bổ sung đối với quyền sử dụng đất và quyền sở hữu tài sản trên đất của bất động sản thứ hai trở lên của người dân (trừ bất động sản duy nhất).
Mục đích của quy định này là thí điểm chính sách về thuế bất động sản làm cơ sở thực tiễn để xây dựng chính sách chung về sau, đồng thời tăng nguồn thu ổn định, bền vững cho ngân sách địa phương, hạn chế tình trạng đầu cơ bỏ hoang nhà ở, đất ở trong các dự án bất động sản hiện nay gây lãng phí nguồn lực xã hội.
Theo Hiệp hội Bất động sản TP. HCM (HoREA), việc TP. HCM đề xuất thí điểm thu thuế bất động sản thứ 2 trở lên là đi đúng với dự định đánh thuế tài sản của Bộ Tài chính đã nêu ra suốt thời gian qua. Sắc thuế đánh vào bất động sản thứ 2 sẽ có tác động tích cực là hạn chế nguy cơ đầu cơ trên thị trường bất động sản, ngăn chặn nhà đầu tư thứ cấp, giá bất động sản sẽ không bị đẩy lên cao, giúp thị trường ngày càng minh bạch.
TP. HCM cũng mong muốn được phân cấp quyết định các nội dung liên quan đến xây dựng nhà ở thương mại, nhà ở xã hội, nhà tái định cư, xử lý chung cư cũ, nhà ở trên, ven kênh rạch hiện nay đang gặp rất nhiều vướng mắc liên quan đến nhiều luật như Luật Nhà ở, Luật Xây dựng, Luật Đấu thầu, Luật đất đai cùng các văn bản dưới luật khác nhau.
Ngoài ra, TP. HCM cũng muốn được phân cấp hoàn toàn trong việc xây dựng và ban hành hệ số điều chỉnh giá đất tính tiền sử dụng đất đối với tất cả các khu đất, thửa đất, được thí điểm cơ chế bồi thường bằng đất theo tỷ lệ khi giải phóng mặt bằng trên cơ sở bảo đảm tính linh hoạt theo yêu cầu từng dự án và sự tự nguyện của người sử dụng đất.
Đối với công tác bồi thường, TP. HCM xin được thí điểm cơ chế bồi thường 'bằng đất theo tỷ lệ' khi giải phóng mặt bằng, bảo đảm tính linh hoạt theo yêu cầu từng dự án và sự tự nguyện của người sử dụng đất. Cơ chế này có thể thí điểm tại TP. HCM để tổng kết thực tiễn trước khi áp dụng rộng rãi.
Ngoài ra, TP. HCM cũng đề xuất thí điểm thực hiện việc tách riêng việc bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, giải phóng mặt bằng thành dự án đầu tư công độc lập đối với các dự án nhóm B trên địa bàn, nhằm sử dụng hiệu quả nguồn vốn đầu tư công, tránh tình trạng “vốn chờ dự án”, đội vốn do thiếu mặt bằng thi công.