Nguồn vốn hỗ trợ nhà ở: Hàng chục nghìn công nhân “trông ngóng”

Chăm lo giải quyết nhà ở cho công nhân, người lao động là một trong những vấn đề được Nhà nước quan tâm, chỉ đạo. Có nhiều cơ chế, chính sách ưu đãi, hỗ trợ nhằm khuyến khích phát triển nhà ở xã hội cho đối tượng chính sách, khó khăn tại các khu công nghiệp.

Tuy nhiên, kết quả phát triển vẫn chưa đạt yêu cầu đề ra trong Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030. Dù có gói ưu đãi cho vay phát triển nhà ở xã hội và nhà ở công nhân, nhưng đến thời điểm này, tỷ lệ giải ngân vẫn rất chậm.

Nguồn vốn hỗ trợ nhà ở: Hàng chục nghìn công nhân “trông ngóng” - Ảnh 1

Thiếu nhà ở xã hội, công nhân “liều” mua nhà “giấy tay”

Với hơn 1,2 triệu lao động, trong đó đa số là người nhập cư nhưng đến nay ở Đồng Nai mới chỉ có 1.581 căn nhà ở xã hội dành cho công nhân. Do vậy, nhiều công nhân đã “làm liều” mua nhà đất “giấy tay” nằm trong quy hoạch để an cư dù biết chắc rủi ro có thể gặp phải, nhưng chỉ được vài năm thì bị giải toả khiến họ lâm vào cảnh “tiền mất, tật mang”.

Một trong số đó là trường hợp của vợ chồng anh Hồng Thanh - công nhân ở khu công nghiệp TP. Biên Hòa lặn lội từ vùng quê nghèo ở Quảng Nam vào Đồng Nai lập nghiệp đã hơn chục năm nay. Cuộc sống ở trọ hạn chế nhiều thứ đã khiến vợ chồng anh nghĩ đến chuyện mua một căn hộ chung cư nhưng giá nhà hiện tại đang quá cao. Với tổng thu nhập hạn hẹp của cả hai vợ chồng rơi vào khoảng hơn 17 triệu mỗi tháng, số này vừa dùng để chi tiêu sinh hoạt hàng ngày rồi lại gửi về quê nuôi con nhỏ đang ăn học nên mỗi tháng không tiết kiệm được là bao.

Sau khi tích cóp được số tiền 130 triệu đồng đã vay thêm gia đình, bạn bè để “liều” mình mua một mảnh đất “giấy tay” giá 85 triệu đồng và xây nhà vài chục mét vuông ở TP. Biên Hoà. Ở chưa được bao lâu, nhà vợ chồng anh nằm trong diện giải toả trắng khi triển khai dự án.

“Lúc mua tôi cũng đã được cảnh báo trước rồi nhưng cũng có vài người đồng nghiệp nói cứ “liều” mua đi vì giá rẻ, đất đấy người ta chỉ quy hoạch rồi để đó thôi. Có ai ngờ chỉ mới hơn 3 năm đã bị giải tỏa để làm bờ kè. Giờ mất nhà, mất luôn tiền”, anh Thanh thở dài.

Nhiều công nhân “tiền mất tật mang” khi xây nhà trong vùng quy hoạch    
Nhiều công nhân “tiền mất tật mang” khi xây nhà trong vùng quy hoạch    
Nhu cầu rất lớn nhưng thiếu nguồn cung

Các đợt bùng phát dịch Covid-19 thời gian vừa qua cho thấy, khu nhà ở cho người lao động tại các khu công nghiệp là một trong những khu vực chịu tác động lớn nhất, do tập trung đông người dẫn tới khó khăn trong việc bảo đảm yêu cầu chống dịch, gây ảnh hưởng tới việc ổn định đời sống và việc làm của người lao động.

Do đó, việc đầu tư phát triển nhà ở xã hội, đặc biệt nhà cho công nhân khu công nghiệp, bảo đảm vệ sinh môi trường và sức khỏe cho người lao động là giải pháp hết sức cần thiết nhằm phục hồi sản xuất và kinh tế.

Trên cả nước, theo thống kê trên hiện có 7 triệu lao động cần an cư, nhưng số lượng nhà ở chỉ mới đáp ứng 30% nhu cầu. Riêng tỉnh Đồng Nai, theo khảo sát của LĐLĐ, toàn tỉnh có hơn 20.000 khu nhà trọ với hơn 150.000 phòng trọ, tương đương với trên 450.000 chỗ ở nhưng vẫn chưa đủ để đáp ứng hết nhu cầu của công nhân, người lao động. Bởi chưa tính các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh, chỉ riêng các khu công nghiệp đã có hơn 614.000 người lao động.

Trong đó, có hơn 50% người lao động khi được hỏi cho biết, giá trị căn hộ theo khả năng tài chính của họ có thể thanh toán được chỉ dưới 300 triệu đồng. Việc sở hữu một căn nhà, căn hộ đối với họ là vô cùng khó khăn ngay cả người lao động có thời gian làm việc tại Đồng Nai trên 15 năm.

Phát triển nhà ở cho công nhân là giải pháp nhằm phục hồi sản xuất và kinh tế    
Phát triển nhà ở cho công nhân là giải pháp nhằm phục hồi sản xuất và kinh tế    
Đề xuất đẩy nhanh nguồn vốn hỗ trợ nhà ở công nhân

Trong chương trình phục hồi kinh tế - xã hội giai đoạn 2022 - 2023, có gói 15.0000 tỷ đồng cho vay ưu đãi với các cá  nhân, hộ gia đình... thuê, mua nhà ở thông qua Ngân hàng chính sách xã hội. Để gói ưu đãi phát huy tác dụng, nhiều giải pháp đã được đề xuất.

Trong gói hỗ trợ năm nay, doanh nghiệp triển khai nhà ở công nhân sẽ được hỗ trợ 2% lãi vay thương mại. Còn người mua, thuê, sẽ được vay với lãi suất ưu đãi. Các doanh nghiệp cho biết, quá trình triển khai giải ngân nguồn vốn này cần được đẩy nhanh hơn.

Để đảm bảo doanh nghiệp sớm tiếp cận với nguồn vốn vay này, thời gian qua, Sở Xây dựng đã lập danh sách các doanh nghiệp đang triển khai, phối hợp tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc để đảm bảo tiến độ cũng như chất lượng hoàn thành hồ sơ sớm nhằm giúp các doanh nghiệp tiếp cận nhanh và sử dụng hiệu quả nguồn vốn vay của Chính phủ.

Phải “hy sinh” lợi ích, nhà ở xã hội mới phát triển

Xây dựng nhà ở xã hội trở thành “chỉ tiêu bắt buộc” trong kế hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội 5 năm và hàng năm của cả nước cũng như từng tỉnh, thành phố. Nghị quyết của Bộ Chính trị về “Quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển bền vững đô thị Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” đã nhấn mạnh điều này, đi kèm với yêu cầu “các tỉnh, thành phố phải bảo đảm bố trí đủ quỹ đất để phát triển nhà ở xã hội”.

Song trên thực tế, các địa phương lại chưa “mặn mà” trong việc dành quỹ đất để xây dựng nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân dù thực tế có thể dễ dàng bố trí quỹ đất cho khu công nghiệp. Đó là lý do các cơ quan nhấn mạnh việc tạo cơ chế để tư nhân “mặn mà” với chủ trương này, cũng như khuyến khích họ tham gia đầu tư phát triển nhà ở xã hội.

Nhắc đến “tín hiệu vui” khi mới đây một doanh nghiệp truyền đi thông điệp về kế hoạch xây dựng nhà ở xã hội giá thấp (300-500 triệu đồng), đại diện ban Kinh tế Trung ương lưu ý việc quan trọng nhất là phải có quỹ đất.

“Địa phương cần quán triệt bố trí quỹ đất, nhưng phải là quỹ đất ở vị trí thuận lợi, chứ khu công nghiệp ở khu này mà bố trí quỹ đất xây nhà ở xã hội cách 50 km thì không thể làm được”, vị này cho rằng các địa phương phải hy sinh lợi ích, hướng đến việc tạo quỹ đất thuận lợi nhất trong làm nhà ở xã hội cho công nhân.

Để thu hút tư nhân xây dựng nhà ở xã hội, ngoài câu chuyện về quỹ đất, cần giải quyết, tạo điều kiện thuận lợi nhất về thủ tục, chính sách để giúp họ trong kêu gọi vốn hay vay vốn.

Theo Chất lượng và Cuộc sống