Nguy cơ 'Death by China': Đón gió, làm tổ đại bàng...

Nếu có chính sách đúng thì đó lại là cơ hội cho Việt Nam.

Khao khát thị trường Trung Quốc nhưng e ngại tư tưởng bành trướng

Sự thừa nhận của Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo về sự phụ thuộc của kinh tế Mỹ vào kinh tế Trung Quốc đang thu hút sự quan tâm và tranh cãi trái nhiều từ dư luận.

Theo PGS.TS Nguyễn Văn Nam, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Thương mại (Bộ Công thương), không chỉ Mỹ mà tất cả các nước công nghiệp trên thế giới đều khao khát bán hàng cho thị trường rộng lớn Trung Quốc. 

Với ưu thế là một đất nước rộng lớn, dân số đông, Trung Quốc đã có chính sách tốt để thu hút nguồn lực của thế giới, từ vốn liếng đến khoa học công nghệ, kinh nghiệm quản lý để phát triển kinh tế thị trường. Kết quả là, sau 30 năm đổi mới, kinh tế Trung Quốc đã có bước phát triển ngoạn mục, trở thành công xưởng của thế giới.

Trung Quốc mở cửa cho các nước bán hàng nhưng sự mở cửa ấy là có điều kiện. Trung Quốc lợi dụng ưu thế thị trường lớn và có chính sách để không chỉ đất nước phát triển mà họ còn kiếm lời từ đầu tư của các nước.

Trung Quốc có một cuộc cạnh tranh, mà các quốc gia coi đó là sự bành trướng: Trung Quốc muốn giành thế chủ động, soán ngôi của các nước đứng đầu và việc soán ngôi dễ nhất là về GDP. GDP Trung Quốc đã vượt Nhật, Đức..., đứng thứ hai thế giới, chỉ sau Mỹ và trong kế hoạch của họ là sẽ vượt cả Mỹ.

"Nhiều quốc gia giật mình nhận ra họ đầu tư vào Trung Quốc, giúp Trung Quốc phát triển nhưng Trung Quốc không phải là quốc gia yên tâm phát triển rồi sống hòa bình, cạnh tranh lành mạnh mà Trung Quốc muốn thống trị, chi phối thế giới, thay thế vai trò của các nước lớn. Trung Quốc bành trướng không chỉ về kinh tế mà cả về quốc phòng, vũ khí chiến lược, công nghệ vũ trụ... Chính thái độ hung hăng, bành trướng của Bắc Kinh khiến nhiều nước lo ngại.

Các chính quyền tổng thống trước đây của Mỹ cũng nhìn thấy vấn đề này nhưng chưa thấy nguy cơ lớn như ông Donald Trump đã thấy nên từ khi lên nắm quyền, ông Trump đã hành động quyết liệt với Trung Quốc. Muốn kiềm chế sự bành trướng về mặt quân sự, quốc phòng, an ninh thì trước tiên phải kiềm chế kinh tế, cho nên ông Trump phát động chiến tranh thương mại với Trung Quốc là vì thế", PGS.TS Nguyễn Văn Nam chỉ rõ.

Nguy cơ 'Death by China': Đón gió, làm tổ đại bàng... - Ảnh 1

PGS.TS Nguyễn Văn Nam, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Thương mại

Trong bối cảnh trên, các công ty nước ngoài đã đầu tư vào Trung Quốc không thể kiếm lời được như trước đây nên phải tìm chỗ trú chân khác ở các quốc gia phát triển hòa bình, thân thiện hơn, không phải cạnh tranh để chiếm ngôi vị chi phối thế giới. Đông Nam Á là một điểm được tính đến, trong đó Việt Nam.

"Việt Nam cũng có 30 năm đổi mới nhưng chúng ta mới chỉ từ nghèo đến đỡ nghèo hơn, thu nhập bình quân đầu người hiện mới đạt chưa đầy 3.000 USD/người/năm, đó không phải là điểm hấp dẫn với thế giới", nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Thương mại nhận xét và cho rằng Việt Nam phải làm rõ được vì sao lại như vậy: do chính sách, do nhân lực, hay còn vì nguyên nhân nào khác?

"Việt Nam nhìn thấy cơ hội từ sự dịch chuyển đầu tư của các nước và muốn thu hút nhưng muốn là một chuyện, làm được hay không là chuyện khác. Từ năm 1986, chúng ta đã muốn Việt Nam cất cánh nhưng chưa thể, liệu lần này Việt Nam có thể được không?", PGS.TS Nguyễn Văn Nam đặt câu hỏi.

Phụ thuộc cũng là một lợi thế....

Nhìn lại quá trình phát triển của kinh tế Việt Nam, vị chuyên gia cho biết: "Trình độ phát triển của Việt Nam thấp hơn nên đương nhiên phụ thuộc vào Trung Quốc. Nhưng nếu có chính sách đúng đắn thì sự phụ thuộc này lại là cơ hội của Việt Nam.

Hãy nhìn các quốc gia như Canada, Mexico ở cạnh Mỹ, nhờ sự phát triển của Mỹ và sự gắn bó với thị trường Mỹ mà các quốc gia này cũng phát triển theo, dù không thể bằng Mỹ.

Trước đây, khi Nhật phát triển cũng kéo theo nhiều quốc gia, khu vực khác như Hàn Quốc, Singapore, Đài Loan (Trung Quốc) phát triển. Cho nên, ở cạnh một nền kinh tế phát triển, nếu tận dụng được cơ hội thì chúng ta cũng đi lên được", PGS.TS Nguyễn Văn Nam nhận xét.

Việt Nam ở cạnh Trung Quốc cái gì cũng thuận lợi, hàng hóa không phải chở đi xa, doanh nghiệp hiểu biết nhau... nhưng thực tế, theo ông Nam, chúng ta chưa tận dụng được, trái lại trở thành "sân chơi" của hàng lậu, hàng giả, hàng kém chất lượng từ Trung Quốc.

Lý giải điều này, vị chuyên gia cho rằng, một phần nằm ở chính sách chưa đủ để khuyến khích những người làm ăn đúng đắn, luật pháp còn lỏng lẻo để buôn gian bán lận phát triển; phần khác do nhiều doanh nhân Việt vẫn mang tư tưởng "ăn xổi ở thì", không tự lực tự cường, không thấy rằng cơ hội mở cửa, giao thương với nhau là để phát triển lên chứ không phải để làm giàu trước mắt.

Vậy nên, chuyện Trung Quốc gia công cho Việt Nam, thương nhân Việt sang Trung Quốc đặt hàng rồi đưa về dán mác Việt Nam để bán vẫn được kể trong nhiều năm, từ khóa Minh Khai đến tơ lụa Khải Silk... Hệ quả là công nghiệp Việt Nam không phát triển được, Việt Nam thành một thị trường tiêu thụ hàng giả, hàng kém chất lượng của Trung Quốc.

Dọn tổ đón đại bàng thế nào?

Trở lại với câu chuyện đón làn sóng đầu tư nước ngoài mới, đặc biệt là sự dịch chuyển của dòng vốn đầu tư nước ngoài từ Trung Quốc, PGS.TS Nguyễn Văn Nam khẳng định Việt Nam có cơ hội, nhưng không phải cứ ngồi chờ cơ hội đến.

Trước hết, khi Mỹ và nhiều quốc gia châu Âu dịch chuyển đầu tư khỏi Trung Quốc, cơ hội không chỉ đến với Việt Nam. Một loạt nước đang phát triển khác ở Đông Nam Á đến Ấn Độ, các nước Đông Âu... cũng "dọn tổ đón đại bàng".

"Việt Nam phải làm tổ thế nào thì đầu tư nước ngoài mới đến. Chiếc tổ này rất phức tạp, từ môi trường kinh doanh thế nào đến chính sách phải rõ ràng, minh bạch, để nhà đầu tư thấy được nếu họ vào thì có lợi nhuận ra sao, được đối xử thế nào...

Việc này đòi hỏi trên dưới đồng lòng, chính sách rõ ràng, người dân phải nhìn thấy có lợi và ủng hộ thì mới làm được", nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Thương mại nói và nhấn mạnh, điều quan trọng là phải tận dụng FDI để phát huy nội lực của Việt Nam.

Ông dẫn ngay trường hợp của Trung Quốc làm ví dụ. Trung Quốc mời nước ngoài vào đầu tư nhưng không phải dâng ưu đãi cho nước ngoài hưởng. Khi đầu tư nước ngoài vào Trung Quốc được vài năm, doanh nghiệp nội địa của nước này đã có thể làm được sản phẩm như của FDI, từ xe máy đến ô tô, công nghệ điện tử... đều không thua kém, thậm chí còn gạt được sản phẩm của các nước để chiếm lĩnh thị trường. Ngay bây giờ, công nghệ 5G của Trung Quốc cũng khiến các nước châu Âu muốn mở cửa hợp tác.

Rõ ràng ưu đãi chỉ là mồi câu, thế nhưng với Việt Nam, câu chuyện được nhắc đi nhắc lại trong suốt những năm Việt Nam mở cửa thu hút FDI là ưu đãi và ưu đãi mà không không tạo được môi trường tốt, trong khi môi trường mới là yếu tố quan trọng.

"Chính sách của Việt Nam trong nhiều năm thiếu sự đồng bộ, nhất quán. Nhà đầu tư nước ngoài đi đến đâu cũng được ưu đãi: Trung ương đã ưu đãi của Trung ương, đến tỉnh lại ưu đãi của tỉnh, thậm chí ưu đãi còn xuống đến cấp huyện.

Khắp các nơi cứ tìm cách mở rộng nhiều ưu đãi, "xẻo thịt" mình cho doanh nghiệp nước ngoài ăn để kêu gọi được nhiều đầu tư, cuối cùng FDI cứ làm giàu cho chính họ, không đóng góp được gì nhiều cho Việt Nam.

Trong khi đó, về phía mình thì cứ xác xơ vì đã ưu đãi hết, doanh nghiệp không học hỏi được gì, đầu tư, công nghệ tiên tiến, kinh nghiệm quản lý của FDI không lan tỏa gì cho doanh nghiệp Việt. Thậm chí, ở một số ngành, FDI vào Việt Nam còn khiến cho chúng èo uột hơn, mà ngành cơ khí là điển hình. Thời gian qua xuất hiện một số doanh nghiệp có tên tuổi như Vinfast, Thaco, nhưng những doanh nghiệp quốc doanh lừng lẫy một thời thì không còn bóng dáng, doanh nghiệp nhỏ cũng bị tiêu diệt.

Riêng về thành tích xuất khẩu, dù thành tích xuất khẩu của FDI được tính vào GDP Việt Nam nhưng hàm lượng giá trị gia tăng trong giá trị xuất khẩu mà Việt Nam được hưởng cực thấp, khi chúng ta chủ yếu gia công, lắp ráp. FDI mượn Việt Nam và xuất xứ của Việt Nam để xuất khẩu sang nước thứ ba hoặc sang chính nước chủ sở hữu FDI hoặc để bán hàng ngay tại thị trường Việt Nam. Họ lợi nhiều nhờ được hưởng ưu đãi, chi phí nhân công rẻ, còn phần  giá trị gia tăng Việt Nam nhận được chỉ vài ba phần trăm", PGS.TS Nguyễn Văn Nam chỉ ra thực tế buồn.

Bởi vậy, vị chuyên gia cho rằng Việt Nam vẫn phải thu hút đầu tư nước ngoài nhưng cần đặt ra vấn đề nghiêm túc hơn, phải thay đổi chính sách và cách làm, làm sao để gọi được FDI vào làm ăn thân thiện, để từ đó lan tỏa sang cho kinh tế và doanh nghiệp Việt Nam, làm sao để cân bằng lợi ích.

"Nếu Việt Nam vẫn làm như mấy chục năm qua thì e rằng sẽ vô ích, lợi chỉ tí ti. Cũng phải thừa nhận thực tế là trình độ của Việt Nam còn kém, chưa bắt kịp với các nước, nhưng trong mấy chục năm qua, một số doanh nghiệp, công nghệ của Việt Nam đã có tiến bộ nhất định. Quan trọng là Nhà nước phải hỗ trợ cho các doanh nghiệp làm ăn mới, hiện đại, kinh doanh theo thông lệ quốc tế bởi họ có tiềm lực để mạnh lên.

 

Theo Thành Luân/ Báo Đất Việt

 

 

Link nguồn: https://baodatviet.vn/kinh-te/thi-truong/nguy-co-death-by-china-don-gio-lam-to-dai-bang-3409484/

Tin liên quan