Nhà đất: Bùng nổ “công nghệ môi giới”
Thời đại công nghệ 4.0 đã giúp ích cho đội ngũ môi giới nhà đất rất nhiều trong việc tiếp cận và kịp thời hỗ trợ người phát sinh nhu cầu mua bán bất động sản (BĐS). Nhiều chuyên gia cũng cho rằng, nhân viên môi giới có vai trò quan trọng, đóng góp phần lớn sự tăng trưởng của ngành.
Tuy nhiên, có không ít môi giới lợi dụng công nghệ để trục lợi thông tin sai sự thật, tạo sốt đất, thổi giá ảo, làm nhiễu loạn thị trường. Nhiều đề xuất cho rằng cần đưa ra khung chế tài để nâng cao hiệu quả quản lý chất lượng của đội ngũ này.
Trợ lý môi giới bất động sản ứng dụng công nghệ 4.0
Cùng với sự phát triển vượt bậc của nền tảng công nghệ 4.0, phát minh mang tính thời đại với sự ra đời của công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) dữ liệu lớn (big data), blockchain… đã tạo cơ hội phát triển mạnh mẽ cho nhiều lĩnh vực, trong đó có môi giới BĐS.
Công nghệ 4.0 đã góp phần làm tăng tiện ích trong các giao dịch bất động sản hơn trước đây rất nhiều. Nếu trước đây nhân viên môi giới chỉ bán sản phẩm bằng cách thức truyền thống là gọi điện thoại mời khách đi xem nhà đất, đăng quảng cáo trên báo, đài… thì bây giờ với sự bùng nổ công nghệ, nhiều ứng dụng đa nền tảng,…. môi giới có thể quảng bá, tiếp cận khách hàng bằng nhiều cách thức khác nhau.
“Trang thiết bị của môi giới BĐS bây giờ đầy đủ đồ chơi công nghệ như một phóng viên, từ máy quay phim, điện thoại thông minh, thiết bị dụng cụ hỗ trợ ánh sáng, thu âm,… Thậm chí môi giới còn livestream sản phẩm cho hàng ngàn khách hàng cùng lúc trên rất nhiều nền tảng mạng xã hội, giúp khách hàng nhìn thấy được sơ bộ về dự án, vị trí, hình ảnh thực tế BĐS đó” – một chuyên gia bất động sản cho hay.
Trong thời đại bùng nổ công nghệ số như hiện nay thì hầu hết các lĩnh vực đều phát triển nền tảng ứng dụng (app) trên điện thoại thông minh, bất động sản cũng không nằm ngoại lệ. Khách hàng khi tải app của công ty về điện thoại sẽ được cung cấp đầy đủ các thông tin về dự án và chi tiết đến từng thiết bị bàn giao, thanh toán trực tuyến. Công nghệ này giúp môi giới tiết kiệm thời gian và trao đổi thông tin nhanh hơn, chính xác hơn, khả năng chốt hàng đạt hiệu quả cao.
Trí tuệ nhân tạo AI cũng được nhiều doanh nghiệp ứng dụng. Thông qua kịch bản đã được lập trình sẵn, trợ lý ảo có thể trò chuyện với khách hàng như chuyên viên tư vấn, có thể gửi tài liệu phù hợp và lấy được thông tin khách hàng. Trợ lý AI có thể làm việc cả ngày lẫn đêm và phục vụ hàng trăm khách hàng, giúp tiết kiệm chi phí rất lớn cho doanh nghiệp.
Ông Nguyễn Văn Đính, Chủ tịch Hội Môi giới BĐS Việt Nam, cho biết khi dịch bệnh xảy ra, công nghệ số đã chứng minh những ưu điểm trong việc quảng bá sản phẩm, kết nối thông tin, nhu cầu và tăng sự tương tác.
Chuyển đổi số là phương thức cần phải có đối với đại đa số các ngành nghề nói chung và là xu hướng tất yếu của thị trường bất động sản nói riêng. Chủ động thích ứng và có chiến lược tiếp cận khách hàng mục tiêu, tăng trải nghiệm, mở rộng thị trường, từ đó tăng doanh thu, làm gia tăng giá trị thương hiệu.
Thời đại càng tân tiến, hoạt động quản lý càng cần thắt chặt
Bên cạnh những hỗ trợ đắc lực từ phía công nghệ cao, hoạt động này đôi khi để lại những hệ lụy tiêu cực cho thị trường bất động sản nói chung. Tình trạng giá BĐS “nhảy múa”, sốt ảo, trong đó có sự thao túng của giới đầu cơ, môi giới không chuyên nghiệp chính là điểm “nhức nhối” còn tồn đọng.
Đơn cử như vụ việc xảy ra hồi tháng 2, mạng xã hội Facebook xuất hiện clip ghi lại cảnh một nhóm môi giới BĐS dựng rạp bán đất với sự tham gia của hàng trăm người như đi trẩy hội tại xã Lộc Khánh, huyện Lộc Ninh (Bình Phước). Thế nhưng thông tin với báo chí, lãnh đạo UBND xã Lộc Khánh cho biết địa phương hiện không có dự án khu dân cư nào được cấp phép.
Đầu năm 2022, Chính phủ vừa ban hành Nghị định 16 quy định xử phạt hành chính về xây dựng. Theo đó, hàng loạt hành vi vi phạm trong hoạt động môi giới BĐS sẽ bị xử phạt hành chính từ hàng chục đến hàng trăm triệu đồng. Như quy định phạt 40-60 triệu đồng đối với một trong các hành vi kinh doanh dịch vụ môi giới BĐS độc lập mà không có chứng chỉ hành nghề hoặc chứng chỉ hết thời hạn sử dụng theo quy định. Mức phạt này cũng áp dụng với hành vi vi phạm tổ chức, cá nhân kinh doanh dịch vụ môi giới BĐS đồng thời vừa là nhà môi giới vừa là một bên thực hiện hợp đồng trong một giao dịch kinh doanh BĐS.
Phạt 120-160 triệu đồng đối với hành vi kinh doanh dịch vụ BĐS mà không thành lập doanh nghiệp theo quy định hoặc không đủ số người có chứng chỉ hành nghề môi giới BĐS theo quy định.
Tuy nhiên, ông Nguyễn Văn Đính cho biết đến nay chỉ có khoảng 10% người làm môi giới có chứng chỉ hành nghề. Việc tổ chức sát hạch cấp chứng chỉ cũng rất yếu và thiếu. Nghị định 16 nêu khá rõ từng hành vi vi phạm đối với hoạt động môi giới BĐS nhưng việc kiểm tra, xử phạt rất khó vì cơ quan chức năng cũng không đủ lực lượng, kiểm tra không thường xuyên. Về lâu dài cần phải quản lý bằng mã số định danh, chứng chỉ hành nghề môi giới BĐS.