Nhà đất dưới 5 tỷ đang “chiếm sóng” thị trường bất động sản Hà Nội?
Theo thông tin từ OneHousing, trong hơn 22.000 giao dịch sơ cấp và thứ cấp trong Quý I/2024 thì có hơn 13.000 giao dịch có giá trị dưới 5 tỷ đồng.
Chung cư và thổ cư “chiếm sóng”
Báo cáo quý I/2024 của Trung tâm Nghiên cứu thị trường và am hiểu khách hàng OneHousing cho thấy, thị trường bất động sản sôi động trở lại tại Hà Nội với hơn 22.000 giao dịch.
Với thị trường thổ cư, tổng lượng giao dịch nhà trong ngõ quý 1/2024 đạt gần 9.000 căn, tương đương 92% số lượng giao dịch của thị trường thổ cư. Còn lại 8% là giao dịch nhà mặt phố.
Đáng chú ý, hơn 60% giao dịch bất động sản Hà Nội có giá trị dưới 5 tỷ đồng. Đây là phân khúc giá dành cho các khách hàng có nhu cầu ở thực
Với việc giá bất động sản nội thành neo ở mức cao, các giao dịch bất động sản dưới 5 tỷ thường tập trung ở các quận ngoài trung tâm. Chung cư dưới 5 tỷ đồng thường tập trung tại các đại đô thị tại Gia Lâm, Nam Từ Liêm trong khi nhà đất thổ cư dưới 5 tỷ tập trung tại Hà Đông, Long Biên và Hoàng Mai.
Lý giải nguyên nhân nhà đất dưới 5 tỷ đồng hút khách, OneHousing nhận định, đây là phân khúc giá dành cho các khách hàng có nhu cầu ở thực. Thực tế, giá bất động sản tại các quận trung tâm Hà Nội thời gian qua liên tục neo cao, các giao dịch bất động sản dưới 5 tỷ đồng thường tập trung ở các quận ngoài trung tâm Thủ đô.
Theo khảo sát từ Trung tâm nghiên cứu thị trường và Am hiểu khách hàng OneHousing, hơn 50% người được hỏi đang cân nhắc và tích cực chuẩn bị mua nhà trong 1 năm tới. Phần lớn nhóm khách hàng này có thu nhập trung lưu và có nguồn tài chính sẵn để giao dịch.
Theo ông Trần Quang Trung - Giám đốc phát triển Kinh doanh OneHousing, thời điểm hiện tại có khá nhiều người sử dụng vốn tự có để sở hữu BĐS. Nguyên nhân là do lãi suất tiết kiệm thấp khiến họ đáo hạn sổ tiết kiệm và rót tiền vào các kênh đầu tư khác.
“Lạm phát hiện nay đã rơi vào tiệm cận 4%, vàng tăng giá, chứng khoán thì không phải ai cũng có nghề để đầu tư chứng khoán, vậy thì họ phải nghĩ tới câu chuyện đầu tư BĐS.
Với những dự án mà các chủ đầu tư đang ra hàng, họ cũng đưa ra nhiều chính sách bán hàng hấp dẫn, trong đó có việc sử dụng đòn bẩy tài chính với hỗ trợ lãi suất. Trường hợp không sử dụng hỗ trợ lãi suất, không vay thì khách hàng mua trả thẳng và được chiết khấu từ 13 - 15 - 17 thậm chí là 19% giá trị căn hộ, tùy từng dự án. Và đương nhiên, khi mà một người đang có sẵn tiền, người ta chỉ muốn mua một tài sản thôi, họ sẽ sử dụng phương án mua trả thẳng. Nhưng nếu mua trả thẳng thì khách hàng sẽ khó xuống tiền ở phân khúc cao”, ông Trung nhận định.
Anh Hào một môi giới ở khu vực Thanh Xuân (Hà Nội) cho biết: "Nhà đất thổ cư có tầm giá 3-5 tỷ đồng đang được nhiều người tìm mua vì phù hợp với nguồn thu nhập, tài chính. Nhất là từ đầu năm nay, chứng kiến sự tăng giá phi mã của chung cư, 3-4 tỷ mới mua được một căn 2 ngủ, diện tích tầm 70m2, nhiều người đã quyết định chuyển sang mua nhà đất thổ cư".
Môi giới này cho hay, nhiều vị khách chia sẻ với anh rằng, dù nhà đất không có nhiều tiện ích như ở chung cư nhưng với những gia đình đông người thì lại khá phù hợp vì có nhiều phòng. Nhiều người còn tìm nhà đất vừa để ở vừa làm nơi để kinh doanh, buôn bán online.
Về giá cả, môi giới này cho biết, theo đà tăng giá của chung cư, giá nhà đất Hà Nội cũng tăng, tuy nhiên mức tăng nhẹ chỉ từ 5-10%.
Dòng tiền đang tìm về bất động sản?
Số liệu Tổng cục Thống kê (GSO) vừa công bố cho thấy tính đến cuối quý I/2024, huy động vốn của các tổ chức tín dụng giảm 0,76% so với quý cuối năm 2023. Điều này phần nào cho thấy người dân đã bắt đầu luân chuyển dòng tiền theo nhiều hướng thay vì chỉ tập chung vào các ngân hàng.
PGS.TS. Trần Việt Dũng, chuyên gia từ Học viện Ngân hàng, nhận định trên truyền thông rằng, việc huy động vốn giảm trong quý đầu năm 2024 đến từ nhiều nguyên nhân, song có 3 lý do chính là bởi lãi suất huy động thấp nhất lịch sử, chứng khoán khởi sắc và đặc biệt là thị trường nhà đất bắt đầu ấm lên.
Thực tế cũng cho thấy rất nhiều nhà đầu tư giàu tiềm lực sau thời gian dài chọn gửi tiền vào ngân hàng như một giải pháp an toàn trong thời kỳ kinh tế khó khăn, đã và đang rục rịch “nắn” dòng vốn sang thị trường bất động sản.
Anh Bắc (tại Bắc Từ Liêm, Hà Nội) cho hay vào đầu tháng 2/2023, sổ tiết kiệm 5,5 tỷ đồng của anh đến kỳ đáo hạn, lãi suất còn chưa đầy 6%/năm ở kỳ hạn 12 tháng, nên anh bắt đầu thay đổi chiến lược để tìm cơ hội từ thị trường địa ốc.
Cụ thể, sau khi đáo hạn, anh Bắc chọn tiếp tục gửi tiền vào ngân hàng, tuy nhiên, thay vì dài hạn, anh chia khoản tiền làm 3 phần, lần lượt là 1 tỷ đồng, 1,5 tỷ đồng và 3 tỷ đồng, rồi gửi tiết kiệm theo kỳ hạn 3 tháng. Mục đích là để dễ dàng rút ra khi tìm được sản phẩm nhà đất giá tốt.
“Gần 2 tháng nay tôi đi khắp các tỉnh vùng ven Hà Nội để săn hàng giá tốt. Ưu tiên của tôi là các sản phẩm có vị trí đẹp, tầm giá 1,3 - 2,5 tỷ đồng, chưa bị thổi quá cao. Mới đây, tôi xuống tiền mua một lô đất ở Yên Phong (Bắc Ninh), gần khu công nghiệp, giá 2,1 tỷ đồng. Mảnh đất này có giá mua vào 2,6 tỷ đồng vào năm 2021”, anh Bắc chia sẻ.
Rõ ràng, thị trường bất động sản đang có xu hướng "ấm" dần lên và không loại trừ khả năng đang hút một lượng tiền đáng kể của nền kinh tế, trong đó có dòng tiền tiết kiệm. Không ít người còn kỳ vọng lượng tiền rút ra từ nhà băng có thể góp phần đẩy nhanh đà hồi phục, thậm chí tạo cơn sốt cho thị trường địa ốc.
Cần nhắc lại, thời kỳ “tiền rẻ” kéo dài từ đầu năm 2020 đến giữa năm 2022 chính là thời gian thị trường bất động sản nổi sóng, giá nhà đất nhảy múa. Vì vậy, khi những tín hiệu cho thấy lãi suất hạ nhiệt, nhiều nhà đầu tư kỳ vọng “bổn cũ soạn lại”, dòng tiền chảy vào địa ốc sẽ dễ dàng hơn.
Tuy nhiên, theo chuyên gia, kỳ vọng trên là không thể, bởi thời kỳ “tiền rẻ” cho bất động sản đã qua, và bài toán vốn sẽ tiếp tục là “bài toán khó” với doanh nghiệp và nhà đầu tư trong ngắn và trung hạn.