Nhà đầu tư nhận trái đắng khi đầu tư đất quê
Về quê đầu tư bất động sản là giải pháp mà những nhà đầu tư tài chính mỏng lựa chọn khi giá bất động sản tại các đô thị lớn như Hà Nội, TP.HCM liên tục tăng cao, đặc biệt trong 2 năm bất động sản liên tục nhảy giá vì dịch bệnh. Dù chọn một hướng dịch chuyển địa bàn đầu tư khá đúng đắn nhưng nhiều nhà đầu tư vẫn ngậm quả đắng khi về quê đầu tư đất.
Đầu năm 2021, khi cả nước quay cuồng trong cơn sốt đất, Lê Thị Minh Hà (nhân viên một công ty công nghệ tại Duy Tân, Cầu Giấy, Hà Nội) cũng quyết định tìm mua bất động sản đầu tư. Với số vốn tích lũy hơn 500 triệu đồng, chị Hà tìm về các vùng ven Hà Nội.
Tuy nhiên, sau một hồi tìm hiểu Hoài Đức, Gia Lâm, Đông Anh, Thanh Trì, chị Hà ngã ngửa vì đất ở những vị trí đường lớn giá đều ở mức thấp nhất là 40-50 triệu đồng/m2. Những vị trí nằm sâu trong các ngõ, đường cụt giá rẻ hơn thì cũng ở mức khoảng 20 triệu đồng/m2 nhưng tích lũy của chị cũng không mua nổi mảnh nhỏ nhất.
Thất vọng vì không thể mua được đất Hà Nội, chị Hà quyết định về quê ở Nghĩa Đàn (Nghệ An) tìm mua đất. Tại đây những mảnh đất đường bê tông rộng, ô tô vào tận đất chỉ dao động 500-600 triệu đồng/lô khiến chị Hà vui mừng vì nằm trong khả năng tài chính. Tháng 3/2021, khi cả nước vẫn quay cuồng trong cơn sốt đất, chị Hà đã sở hữu được mảnh đất hơn 130m2 tại Nghĩa Đàn với giá 460 triệu đồng.
Cuối năm 2021, chị Hà quyết định bán mảnh đất của mình ra. Chị gửi nhờ nhiều môi giới nhưng rất ít khách hỏi. Và khách hỏi mua thì đều trả giá rất thấp. Lúc này chị tìm hiểu thị trường mới phát hiện giá chị mua 460 triệu đồng cho lô đất 130m2, tính ra là khoảng 3,5 triệu đồng/m2 là giá của lúc sốt. Khi đó, bất động sản nhiều nơi nóng sốt, một số đầu nậu, cò đất ở quê chị cũng vin theo cơn sốt đó để thổi giá đất. Trong khi đó đất ở khu vực chị mua giá thị trường chỉ khoảng 2-2,5 triệu đồng/m2. Do xa quê đi học rồi đi làm hơn chục năm trời, chị Hà không nắm được thực tế đó nên đã mua phải giá cao. Đến thời điểm này, chị Hà không rao bán mảnh đất đó nữa, bởi nếu bán thì chắc chắn lỗ.
Cũng mua đất quê trong thời kì nóng sốt đầu năm 2021 nhưng anh Lê Xuân Thắng (Nam Từ Liêm, Hà Nội) không vấp phải cảnh mua phải giá ảo như chị Lê Thị Minh Hà. Dù thường xuyên xa quê nhưng do họ hàng, người thân dưới quê đông, mạng lưới mối quan hệ dày đặc nên anh Thắng xuống tiền với một mảnh đất gần nhà ở Thái Bình với giá sát giá thị trường. Đó là mảnh đất nằm cuối bìa làng được anh Thắng mua với giá 400 triệu đồng.
Tuy nhiên, hơn 1 năm nay, mảnh đất không tăng giá, thậm chí mảnh đất kế bên cạnh, cùng vị trí, diện tích, cùng giá bán thời điểm anh Thắng hỏi mua mới bán được trước Tết – giá còn giảm 30 triệu đồng/lô đất, tính ra chỉ có 370 triệu đồng/lô.
Cuối cùng theo tìm hiểu của anh Thắng giá đất quê anh không tăng được vì người dân quê anh không thiếu đất, nhà cửa, ruộng vườn đều rộng rãi. Đáng nói, làng anh trước đây nghèo, người dân đi xuất khẩu lao động hoặc ra thành phố lớn mưu sinh rất nhiều.
Dân cư trở nên thưa thớt, nhu cầu mua ở, đầu tư không có nên đất khó tăng giá. “Tôi cũng tìm hiểu thị trường bất động sản Hà Nội khi đó thì để mua được một mảnh đất ở Hà Nội khi đó phải có giá khoảng 2 tỷ đồng nên khi về quê mua đất thấy mảnh đất chỉ có vài trăm triệu, quá rẻ nên mua luôn, không quan tâm đến các yếu tố khác”.
Nhà đầu tư Phạm Thị Bưởi (Hà Nội) cho biết, phần lớn những nhà đầu tư vốn mỏng, không có khả năng đầu tư ở các thị trường lớn, phải về các vùng nông thôn đầu tư thường là những nhà đầu tư ít kinh nghiệm. Họ mua đất có khi chỉ vì đất rẻ, pháp lý đã đầy đủ. Nhưng bài toán tăng giá trong đầu tư, theo bà Bưởi, không chỉ có rẻ và pháp lý mà còn cần đến nhiều yếu tố lực đẩy khác từ kinh tế, dân cư, tập tục, hạ tầng. Lời khuyên của bà Bưởi với 2 trường hợp đầu tư trên là nếu không cần vốn gấp thì hãy để đất đó và tiếp tục chờ đợi.