Nhà ở giá rẻ cho công nhân: Có đi có lại...

PGS.TS Nguyễn Lê Ninh cho rằng, phải coi xây dựng nhà ở cho công nhân là yêu cầu bắt buộc và doanh nghiệp phải đóng góp một phần.

Chính sách chăm lo cho lao động, đặc biệt là lao động nhập cư là vấn đề nóng tại buổi tiếp xúc cử tri của Đoàn ĐBQH TP.HCM hôm 11/10 vừa qua. 

Tại buổi tiếp xúc này, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi cho biết, thành phố có kế hoạch phát triển 1 triệu căn nhà giá rẻ cho công nhân, người thu nhập thấp trong thời gian tới.

Theo ông Mãi, TP dự kiến sẽ phát triển các nhà ở mức giá thấp nhất có thể để người thu nhập thấp có thể tiếp cận được, để giải quyết vấn đề nhà ở cho công nhân, lao động; thay mới các chung cư cũ; nhà ở trên kênh trạch. Đây là những nội dung phải làm ngay, Thường trực UBND TP.HCM đã có chủ trương để các ngành tham mưu.

Trao đổi với Đất Việt, PGS.TS Nguyễn Lê Ninh, Ủy viên Ủy ban MTTQ Việt Nam TP.HCM khẳng định, chăm lo nhà ở cho công nhân, người thu nhập thấp là yêu cầu bắt buộc, cần thiết để người lao động yên tâm gắn bó với doanh nghiệp.

"Xây dựng nhà ở ngay trong khu công nghiệp, khu chế xuất hay gần đó sẽ giúp người lao động đỡ phải di chuyển nhiều, hạn chế sử dụng phương tiện cá nhân, giảm ùn tắc giao thông. Khi khoảng cách từ nơi ở của công nhân đến nhà máy được rút ngắn, chỉ cần sử dụng xe buýt để đưa đón trong khu công nghiệp.

Nhà ở cho công nhân phải xác định là phải chuẩn bị cả nhà cho hộ gia đình, xung quanh có đầy đủ trạm y tế, nhà trẻ, trường học... tóm lại gần như là khép kín", PGS.TS Nguyễn Lê Ninh nói, đồng thời lưu ý, chất lượng nhà ở phải đặt lên hàng đầu chứ không phải là giá rẻ, bởi nhà giá rẻ thì nhanh xuống cấp, chi phí sửa chữa tốn kém, vượt khả năng chi trả của người lao động.

Nhu cầu về nhà ở cho công nhân tại các khu công nghiệp, khu chế xuất rất lớn. Ảnh minh họa  
Nhu cầu về nhà ở cho công nhân tại các khu công nghiệp, khu chế xuất rất lớn. Ảnh minh họa  

Cũng theo ông Ninh, lâu nay, doanh nghiệp không mặn mà xây dựng nhà ở cho công nhân vì dự án đòi hỏi vốn lớn, thời gian hoàn vốn dài, chưa kể tỷ suất lợi nhuận khá thấp. Cho nên, việc này đòi hỏi Nhà nước phải đầu tư, doanh nghiệp có thể đóng góp một tỷ lệ nhất định.

"Sở Xây dựng chịu trách nhiệm chính trong việc lập ra một quỹ đầu tư, doanh nghiệp có đóng góp một tỷ lệ nhất định và điều này phải mang tính ràng buộc. Nếu doanh nghiệp không đóng góp xây dựng nhà ở cho công nhân, không quan tâm đến đời sống công nhân thì Nhà nước có thể xem xét không cấp phép cho doanh nghiệp sản xuất. Cho nên, phải coi đây là yêu cầu bắt buộc, sản xuất phải đi cùng với đảm bảo đời sống cho người lao động.

Dĩ nhiên, Nhà nước không khoán 100% cho doanh nghiệp nhưng doanh nghiệp có trách nhiệm trích một phần lợi nhuận để nuôi dưỡng lực lượng sản xuất cùng với Nhà nước. Doanh nghiệp quan tâm người lao động thì người lao động cũng có động lực để gắn bó với doanh nghiệp, sản xuất đảm bảo năng suất, chất lượng, tiêu chuẩn. "Có qua có lại mới toại lòng nhau" là vì vậy", PGS.TS Nguyễn Lê Ninh đặt vấn đề.

Liên quan đến câu chuyện nhà ở cho công nhân, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) đề nghị rà soát, thống kê các quỹ đất nhà ở xã hội để sớm thực hiện các dự án nhà ở xã hội, trong đó có nhà lưu trú cho công nhân, lao động thuê, phục vụ trực tiếp cho từng khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao và có thể cho từng nhà máy.

Theo ông Châu, thực tiễn phòng chống dịch Covid-19 cho thấy sự cần thiết xây dựng các khu nhà lưu trú công nhân, nhà ở cho chuyên gia phục vụ trực tiếp cho từng khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao, thậm chí phục vụ cho từng nhà máy mà TP.HCM đã chỉ đạo thực hiện trong hơn 20 năm qua.

Tại TP.HCM có Khu nhà lưu trú công nhân Khu công nghiệp Tân Bình (Tanimex), Khu chế xuất Linh Xuân (Resco), KCX Linh Trung 2 (Công ty Thiên Phát), KCX Tân Thuận (IPC), Khu công nghệ cao, nhưng các khu nhà này có quy mô nhỏ, chưa đáp ứng đủ nhu cầu lưu trú của lực lượng công nhân lao động rất lớn hiện nay.

Ông Châu cho hay, trước đây, một số người lao động có tâm lý không muốn vào ở trong khu lưu trú công nhân vì sợ bị gò bó, hoặc muốn nương tựa cùng ở chung với người thân, bạn bè, đồng hương và còn do mỗi người lại làm mỗi nơi khác nhau.

Có doanh nghiệp rất đông công nhân tương đương một khu công nghiệp lớn như Công ty Poun Yen quy mô 110 ha với 80.000 công nhân cũng chưa có khu nhà lưu trú công nhân riêng, mà khoảng 80% công nhân sống tại các khu nhà trọ của tỉnh Long An phải đưa đón hàng ngày, vừa phát sinh vấn đề về giao thông đi lại, vừa phát sinh vấn đề về phòng chống dịch.

Các khu nhà trọ của cá nhân, hộ gia đình đầu tư với phòng trọ (cả bếp, khu vệ sinh) có diện tích tối thiểu 10 m2 dành cho 2 người (mỗi người 05 m2) theo quy chuẩn của Bộ Xây dựng, nhưng trên thực tế có số người lưu trú thường cao hơn, không có đủ tiện ích, dịch vụ, không đảm bảo an ninh, an toàn PCCC.

Bởi vậy, HoREA kiến nghị các diện tích đất đã giải phóng mặt bằng được quy hoạch phát triển nhà ở xã hội. Ví dụ: Khoảng 25 ha (02 khu đất) tại Khu công nghệ cao; 39 ha tại xã Lê Minh Xuân huyện Bình Chánh… Các phần đất 20% tại các dự án nhà ở thương mại mà chủ đầu tư dành để làm nhà ở xã hội theo quy định của pháp luật về nhà ở.

Các diện tích đất do doanh nghiệp tự thương lượng nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất, tự giải phóng mặt bằng và tự đầu tư phát triển nhà ở xã hội rất cần khuyến khích và hỗ trợ tạo điều kiện.

Ông Lê Hoàng Châu dẫn ví dụ, Công ty Lê Thành tự bỏ tiền tạo lập nhiều quỹ đất để làm nhà ở xã hội, đặc biệt là làm nhà ở xã hội cho thuê (mà rất hiếm doanh nghiệp tư nhân làm được dự án nhà ở xã hội cho thuê) tại quận Bình Tân và huyện Bình Chánh, Công ty Nam Long, Công ty Đầu tư Thủ Thiêm, Công ty Vạn Thái, Công ty Phú Cường, Sài Gòn Res… tự bỏ vốn đầu tư nhiều  dự án nhà ở xã hội. Trong đó, Công ty Nam Long còn hỗ trợ người mua nhà ở xã hội 2% lãi vay trong 2 năm (giảm được 4%).

Cùng với đó, theo Chủ tịch HoREA, nguồn tiền quy đổi nghĩa vụ của chủ đầu tư dự án nhà ở thương mại phải dành quỹ đất 20% làm nhà ở xã hội có thể dùng để tạo quỹ đất nhà ở xã hội.

Ngoài ra, còn có nguồn quỹ đất của một số nông trường có thể quy hoạch để phát triển nhà ở xã hội.

HoREA cũng đề nghị Chính phủ xem xét ban hành Nghị quyết về Đề án phát triển nhà ở thương mại giá thấp theo đề xuất của Bộ Xây dựng để xây dựng cơ chế, chính sách phát triển nhà ở thương mại giá thấp, có giá vừa túi tiền.

Hiệp hội đề xuất các dự án này có thể áp dụng các chính sách ưu đãi bằng khoảng 1/3, hoặc 1/2 mức ưu đãi nhà ở xã hội hiện nay, để phát triển được các dự án nhà ở thương mại giá thấp có mức giá khoảng không quá 25 triệu đồng/m2 tại đô thị đặc biệt và thành phố trực thuộc Trung ương, không quá 23 triệu đồng/m2 tại đô thị loại 1, không quá 20 triệu đồng/m2 tại các đô thị còn lại, cùng với chính sách nhà ở xã hội đề thực hiện mục tiêu đảm bảo an sinh xã hội về nhà ở cho đông đảo người có thu nhập thấp đô thị.

Thành Luân

Theo Đất Việt