Giấc mơ mua nhà giá rẻ vẫn xa vời: Vì đâu?

Giá nhà tiếp tục tăng khiến giấc mơ về ngôi nhà giá rẻ vẫn xa vời với người dân có thu nhập thấp.

Thông tin về nhà ở và thị trường bất động sản quý II/2021, Bộ Xây dựng ghi nhận giá giao dịch nhà ở tại hầu hết địa phương có xu hướng tăng nhẹ so với cùng kỳ năm 2020. Nguồn cung vẫn tập trung chủ yếu là nhà ở trung cấp và cao cấp, nguồn cung nhà ở xã hội và giá thấp còn rất hạn chế.

Trong khi ở phân khúc căn hộ cao cấp (trên 50 triệu đồng/m2) xuất hiện một số dự án được chào bán rất cao, có dự án ở TP.HCM lên tới 800 triệu đồng/m2 thì căn hộ bình dân tại các dự án nhà ở thương mại khu vực trung tâm đô thị hầu như không có. Căn hộ bình dân có mức giá 25-30 triệu đồng/m2 chỉ xuất hiện tại một số ít các dự án tại khu vực xa trung tâm. Nguồn cung ngày một hạn chế trong khi nhu cầu của người dân vẫn còn nhiều dẫn đến giá bán tiếp tục tăng.

PGS.TS Nguyễn Quang Học, khoa Quản lý đất đai, Học viện Nông nghiệp Việt Nam cho biết, thị trường bất động sản từ lâu đã xảy ra tình trạng lệch pha cung cầu, thừa cung trong phân khúc thị trường căn hộ bất động sản cao cấp, bất động sản du lịch nghỉ dưỡng, song lại rất thiếu sản phẩm nhà ở vừa túi tiền, nhà ở thương mại giá thấp và nhà ở xã hội.

Tuy nhiên, ông cũng khẳng định giá nhà tăng lên là đúng quy luật, vì khi đại dịch bùng phát, đi lại hạn chế, sản xuất kinh doanh ngưng trệ, lãi suất ngân hàng thấp, kênh đầu tư bị hạn chế dù nguồn tiền trong dân có. So với chứng khoán, người dân đổ tiền vào bất động sản là an tâm nhất bởi quy luật những năm qua cho thấy, giá nhà đất chưa bao giờ giảm, nếu không sử dụng, để đấy thì cũng không bị mất đi.

"Đầu tư vào nhà đất là đầu tư có sinh lời và an toàn. Ở đây cũng chủ yếu là những người mua để đầu tư. Còn mua để ở, với những người có tiền, họ sẽ chọn nơi trung tâm, mà trung tâm thì giá cao. Đại dịch Covid-19 làm thay đổi về mặt tư duy, nhận thức, phương pháp truyền tải giáo dục cho đến các hoạt động của con người, chẳng hạn bán hàng online, đào tạo online... Do đó, với những người có tiền, họ có nhu cầu ở nơi trung tâm hiện đại, internet tốt, phục vụ  tốt", PGS.TS Nguyễn Quang Học nói.

Với người có thu nhập thấp, dù nhu cầu nhà ở là có thực và nhu cầu ấy ngày càng lớn do quá trình nhập cư, sinh con đẻ cái, nhưng giá nhà thường xuyên tăng khiến họ càng khó mua được nhà.

Giấc mơ mua nhà giá rẻ vẫn xa vời: Vì đâu? - Ảnh 1
Thị trường bất động sản thiếu trầm trọng nhà ở bình dân dù nhu cầu rất lớn. Ảnh minh họa

Đối với nhà đầu tư, ông Học cho rằng, mục tiêu của họ là tối đa hóa lợi nhuận, bán được hàng cho thật nhiều, trách nhiệm của họ không phải là làm từ thiện, do đó, chuyện người dân (chủ yếu là người có thu nhập trung bình, thu nhập thấp) có nhà hay không không phải là mục tiêu của nhà đầu tư.

Bản thân cơ quan quản lý trực tiếp nhất là Bộ Xây dựng, qua nhiều nhiệm kỳ, nhiều đời Bộ trưởng, cũng đều nhắc đến và đặt ra mục tiêu xâu dựng nhà ở bình dân để đáp ứng nhu cầu của đại đa số người dân, tuy nhiên, đến nay mục tiêu này vẫn chưa đạt được.

Lý giải điều này, PGS.TS Nguyễn Quang Học cho rằng, vấn đề muôn thuở là không có tiền, không có đủ nguồn lực.

Ông dẫn ví dụ,  khu vực phía đông Hà Nội như Trâu Quỳ (Gia Lâm), trước đây giá đất chỉ giá 10-15 triệu đồng/m2, nhưng giờ đã tăng gấp 2-3 lần, thậm chí hơn, chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội hay nhà ở thương mại giá thấp sẽ không chịu nổi.

"Mong muốn của các chủ đầu tư dự án bất động sản luôn là chọn được vị trí đất đẹp, đất vàng để xây dựng dự án, khả năng sinh lời cao. Muốn có nhà ở bình dân thì vị trí phải xa trung tâm, trong khi quy hoạch hạ tầng ở những nơi này chưa đồng bộ, giá đất, chi phí xây dựng ngày một cao, nên lợi nhuận thấp, khiến không mấy ai mặn mà, nhà ở bình dân ngày càng không có cửa. Lúc này cũng không thể trông đợi vào việc đẩy mạnh vai trò xã hội của các doanh nghiệp bất động sản, chủ đầu tư dự án được", PGS.TS Nguyễn Quang Học chỉ rõ.

Bên cạnh đó, ông cũng lưu ý, những đối tượng đầu cơ bất động sản lợi dụng việc chuẩn bị quy hoạch đô thị, mở rộng đô thị, chuẩn bị xây dựng các công trình hạ tầng... để đẩy giá lên cao, thu lợi bất chính, làm bất ổn thị trường.

Vị giảng viên Học viện Nông nghiệp Việt Nam nhắc đến các đợt sốt ảo giá đất nền, đất nông nghiệp diễn ra thường xuyên trong những năm qua.

Đơn cử, ngay từ đầu năm 2021, tại các khu vực ven đô TP.HCM, Hà Nội và các tỉnh đã chứng kiến một đợt sốt đất trên diện rộng. Không chỉ sốt đất nền, đất đã được quy hoạch, mà giá đã tăng cả ở đất thổ cư, đất nông nghiệp, đất phi nông nghiệp, đất vườn…

Ông cho rằng, các đợt sốt ảo giá đất này đã tác động tiêu cực đến sự phát triển ổn định, bền vững của thị trường bất động sản, làm cho người có thu nhập trung bình, người có thu nhập thấp đô thị ngày càng khó tạo lập nhà ở.  

Cũng từ đây, PGS.TS Nguyễn Quang Học nhận định, thời gian tới, các dự án nhà ở thương mại giá thấp, nhà ở xã hội sẽ tiếp tục nhỏ giọt và cơ hội sở hữu một căn nhà của phần lớn người dân tại các đô thị, nhất là Hà Nội và TP.HCM vẫn còn xa vời, hoặc phải mất rất nhiều năm để tích lũy.

 

Báo cáo thị trường bất động sản quý II/2021 của Bộ Xây dựng thừa nhận, cơ cấu hàng hóa bất động sản tuy đã được điều chỉnh từng bước nhưng vẫn chưa đủ để đáp ứng nhu cầu thị trường, nguồn cung nhà ở trung, cao cấp vẫn chiếm tỷ lệ lớn, trong khi nguồn cung nhà ở giá rẻ, nhà ở xã hội vẫn thiếu so với nhu cầu thực tế.

Giá nhà ở đặc biệt là tại khu vực đô thị có xu hướng tăng so với mặt bằng thu nhập chung của người dân cũng như tốc độ phát triển của nền kinh tế, nguyên nhân là do giá đất tại một số địa phương được điều chỉnh tăng, giá một số vật liệu xây dựng trong thời gian qua cũng tăng đột biến….).

Bộ Xây dựng dẫn số liệu tổng hợp từ 55/63 địa phương cho thấy, trong quý II/2021, chỉ có 3 dự án nhà ở xã hội với 1.766 căn được cấp phép mới tại Đà Nẵng, Thanh Hóa và Lạng Sơn; 94 dự án với 123.085 căn đang triển khai, tập trung chủ yếu tại Bình Dương, Đồng Nai, Hà Nội và Thanh Hóa; có 02 dự án với 264 căn hoàn thành tại Phú Thọ và Long An; 05 dự án với 1.855 căn hộ tại Hòa Bình, Lạng Sơn, Bắc Ninh, Hưng Yên và An Giang được các Sở Xây dựng có văn bản thông báo đủ điều kiện bán nhà ở hình thành trong tương lai.

Hiện Bộ Xây dựng đang nghiên cứu, rà soát sửa đổi Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản, Nghịđịnh 117/2015/NĐ-CP về xây dựng, quản lý và sử dụng hệ thống thông tin về nhàở và thị trường bất động sản; Nghiên cứu, trình ban hành và triển khai thực hiện tốt Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2040, ổn định và cân đối cung cầu nhà ở góp phần ổn định thị trường bất động sản.

 

 

 

Thành Luân

Theo Đất Việt