Nhiều điểm mới trong chính sách phát triển khu công nghiệp
Từ ngày 15/7/2022, nhiều quy định liên quan đến quản lý khu công nghiệp (KCN) và khu kinh tế (KKT) sẽ được sửa đổi, bổ sung theo Nghị định 35/2022/ NĐ-CP ngày 28/5/2022 của Chính phủ quy định về quản lý KCN và KKT (gọi tắt là Nghị định 35) sẽ đi vào thực tiến.
Trước những bất cập, tồn tại của Nghị định số 82/2018/NĐ- CP (Nghị định 82) thì Nghị định 35/2022/NĐ-CP ( Nghị định 35) được cho là hoàn thiện, ưu việt hơn khi các quy định trong các Điều của Nghị định được xác định phù hợp với thực tế, giảm bớt thủ tục hành chính cho doanh nghiệp (đầu tư hạ tầng, thành lập KCN...).
Khu công nghiệp Deep C Hải Phòng. |
Nhiều thủ tục hành chính được bãi bỏ
Nghị định 35 thay thế Nghị định 82/2018/NĐ-CP ngày 22-5-2018 của Chính phủ. Một trong những điểm mới đáng chú ý là nghị định đã sửa đổi bổ sung nhiều quy định liên quan đến quy định về quy hoạch KCN, KKT để phù hợp với quy định của Luật Quy hoạch.
Nghị định quy định chi tiết hơn về xem xét, chấp thuận chủ trương đầu tư dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng KCN; các quy định về chính sách nhằm tháo gỡ khó khăn và thúc đẩy phát triển KCN, KKT; về nhà ở và các công trình dịch vụ, tiện ích cho người lao động trong KCN; bổ sung một số nội dung liên quan đến KCN và các mô hình KCN mới…
Ngoài ra, Nghị định 35 còn sửa đổi, bổ sung một số quy định liên quan đến đầu tư hạ tầng, trong đó có quy định về phân kỳ đầu tư KCN, bãi bỏ thủ tục thành lập KCN, đơn giản hóa quy định về điều kiện, trình tự, thủ tục đầu tư hạ tầng, thành lập KCN và mở rộng KCN…
Nghị định 35 bãi bỏ quy định về lập, điều chỉnh, bổ sung và phê duyệt quy hoạch phát triển KCN, KKT và thay thế bằng quy định về phương hướng xây dựng, phương án phát triển hệ thống KCN, KKT (có các nội dung cụ thể của phương án phát triển cũng như các điều kiện, nguyên tắc xác định số lượng, quy mô diện tích và địa điểm dự kiến).
Việc lập, thẩm định, phê duyệt và điều chỉnh phương hướng xây dựng, phương án phát triển hệ thống KCN, KKT được thực hiện theo quy định của pháp luật về quy hoạch. Đối với KKT việc điều chỉnh ranh giới chỉ được thực hiện trong một số trường hợp cụ thể theo quy định. Bên cạnh đó, Nghị định còn quy định rõ các điều kiện, nguyên tắc xác định số lượng, quy mô diện tích, các trường hợp điều chỉnh KCN, KKT nhằm rút ngắn thời gian, tiết kiệm chi phí cho địa phương trong quá trình lập, thẩm định và điều chỉnh quy hoạch trong quy hoạch vùng, tỉnh.
Theo đó, các doanh nghiệp hiểu rõ các điều kiện phải tuân thủ khi thực hiện quy hoạch KCN, KKT và dễ dàng tiếp cận hệ thống quy hoạch của các địa phương.
Nghị định 35 cũng trao quyền cho địa phương nhiều hơn trong quá trình quản lý KCN, việc điều chỉnh địa điểm, quy mô diện tích quy hoạch KCN không quá 2% và không quá 6ha so với quy mô diện tích của KCN đã được xác định trong Danh mục các KCN trên địa bàn tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương sẽ do UBND tỉnh quyết định; nếu không quá 10% và không quá 30 ha so với quy mô diện tích của KCN đã được xác định trong Danh mục các KCN trên địa bàn tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương sẽ do UBND tỉnh quyết định sau khi có ý kiến bằng văn bản của Bộ Xây dựng, Bộ TN-MT, Bộ KH-ĐT.
Đây là điểm đột phá, tạo thuận lợi rất nhiều cho các địa phương, các công ty kinh doanh hạ tầng vì thủ tục này thực hiện thường xuyên nhưng trước đây phải theo một quy trình phức tạp và kéo dài.
Người lao động tìm kiếm thông tin tuyển dụng. |
Hỗ trợ và hợp tác phát triển KCN sinh thái
Tại Nghị định mới này có bổ sung các quy định nhằm đẩy mạnh sự phát triển các loại hình KCN, KKT mới bao gồm: loại hình KCN chuyên ngành, loại hình KCN công nghệ cao, khu phi thuế quan trong KKT, các quy định về chính sách hỗ trợ và hợp tác phát triển, tiêu chí xác định, ưu đãi, chứng nhận, trình tự, thủ tục đăng ký chứng nhận KCN sinh thái...
Có thể nói, đây là các bổ sung mang lại lợi ích trực tiếp cho nhà đầu tư. Các quy định này là cơ sở giúp các KCN giải quyết được các vấn đề nổi lên trong thời gian qua là phát triển nhanh dẫn đến quá tải về hạ tầng xã hội, ảnh hưởng đến môi trường sống của người dân.
Nhu cầu phát triển các khu công nghiệp chuyên sâu nhằm tạo chuỗi cung ứng đầu vào, liên kết các nhà đầu tư trong cùng khu vực có khoảng cách gần, tạo thuận lợi để hỗ trợ nhau sản xuất một sản phẩm hoàn chỉnh (điện tử, dệt may…).
Các KCN công nghệ cao, khu công nghệ sinh thái hướng đến các mô hình hoạt động về KCN xanh, thân thiện môi trường, giúp cải thiện điều kiện làm việc của người lao động, tăng cường gắn kết và nâng cao lợi ích cộng đồng và trách nhiệm xã hội của các doanh nghiệp đối với cộng đồng xung quanh KCN, thúc đẩy xã hội phát triển bền vững, hài hòa.
Qui hoạch xây dựng khu nhà ở và công trình dịch vụ, tiện ích cho người lao động trong KCN. Điểm rất mới được quan tâm, bổ sung tại Nghị định lần này đó là việc qui hoạch xây dựng khu nhà ở và công trình dịch vụ, tiện ích công cộng cho người lao động trong KCN.
Khi xác định danh mục các KCN trên địa bàn tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, thì chính quyền phải đảm bảo quỹ đất để quy hoạch xây dựng nhà ở, công trình dịch vụ, tiện ích công cộng cho người lao động làm việc tối thiểu là 2% tổng diện tích của các KCN. Một trong các điều kiện xem xét, chấp thuận chủ trương đầu tư dự án hạ tầng KCN là có quy hoạch xây dựng khu nhà ở và các công trình dịch vụ, tiện ích công cộng cho người lao động.
Tương tự, một trong các điều kiện xem xét, mở rộng KCN là đã xây dựng, đưa vào sử dụng khu nhà ở và công trình dịch vụ, tiện ích công cộng cho người lao động. Các quy định nhằm khuyến khích phát triển nhà ở, công trình dịch vụ, tiện ích công cộng cho người lao động làm việc trong KCN, khu kinh tế.
Ngoài các vấn đề quan tâm đến điều kiện sinh hoạt và đời sống tinh thần cho người lao động, Nghị định định 35/2022/NĐ-CP quy định chi tiết UBND cấp tỉnh ban hành chính sách phát triển KCN sinh thái, trong đó: Hỗ trợ đầu tư xây dựng mới, nâng cấp, cải tạo, sửa chữa các công trình kết cấu hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội trong và ngoài hàng rào KCN hiện hữu để kết nối, hỗ trợ doanh nghiệp trong KCN thực hiện cộng sinh công nghiệp và chuyển đổi thành KCN sinh thái;
Hỗ trợ đầu tư xây dựng mới và thu hút đầu tư vào KCN sinh thái; Hỗ trợ khoa học, kỹ thuật, chuyển giao công nghệ để doanh nghiệp trong KCN cải tiến quy trình quản lý và vận hành, đổi mới công nghệ sản xuất để giảm các nguồn gây ô nhiễm, tái sử dụng nguyên liệu, vật liệu, nước, năng lượng, chất thải, phế liệu, sử dụng hiệu quả tài nguyên.
Với tính ưu việt đã được hoàn thiện trên cơ sở của các Nghị định trước đó (về quản lý các KCN, KKT), hy vọng Nghị định 35 sẽ giúp cho việc xây dựng và phát triển KCN, KKT và các mô hình kinh tế tương tự có nhiều cơ hội phát triển, góp phần cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh và thúc đẩy thu hút đầu tư vào các KCN, KKT; đặc biệt sẽ lan tỏa phát triển mô hình KCN sinh thái như một nhiệm vụ tất yếu tại các địa phương trong cả nước./.