Nhiều quốc gia tăng thuế bất động sản để cải thiện nguồn thu
Đại dịch Covid-19 là nguyên nhân chủ chốt khiến hàng loạt quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới tăng thuế bất động sản.
Người mua nhà trên toàn thế giới có thể chịu chi phí giao dịch bất động sản cao hơn trong bối cảnh các chính phủ xem xét áp đặt thuế tài sản để bù đắp ngân sách, sau khi phải chi số tiền kỷ lục nhằm duy trì nền kinh tế trong đại dịch Covid-19.
Một số quốc gia như Argentina và Hàn Quốc đã chuyển sang những chính sách dân túy bằng cách áp thuế đối với giao dịch bất động sản. Các nhà phân tích cảnh báo, những chính sách này có thể làm giảm nhu cầu từ các nhà đầu tư hải ngoại ở thị trường bất động sản của quốc gia đó.
“Thuế bất động sản hay thuế tài sản là một cách để chính phủ bổ sung ngân sách, vốn đã giảm do những chi phí ứng phó Covid-19”, Martin Wong, Giám đốc Nghiên cứu và Tư vấn khu vực Trung Quốc mở rộng của Knight Frank bình luận.
Nhu cầu mua bất động sản sẽ giảm vì thuế
Martin Wong nói thêm rằng, từ những trải nghiệm ở Hồng Kông trong vài năm gần đây, ông thấy việc tăng thuế bất động sản sẽ làm giảm nhu cầu.
Theo Quỹ Tiền tệ Quốc tế, đại dịch Covid-19 đã khiến các nền kinh tế khắp thế giới đình đốn trong năm ngoái, làm giảm 3,5% tổng sản lượng kinh tế quốc gia. Theo thống kê của IMF trong tháng 11, các quốc gia giàu và đang phát triển đã công bố những chương trình kích thích trị giá tới 19,5 nghìn tỷ USD để thúc đẩy tiêu dùng và hỗ trợ thị trường lao động. Tuần trước, Thượng viện Mỹ đã phê chuẩn gói 1,9 nghìn tỷ USD để đối phó đại dịch.
Argentina đã ban hành thuế lũy tiến hồi tháng 1 để tăng mức thuế suất lên tới 5,25% đối với những cá nhân có tài sản lớn hơn 200 triệu peso (2,5 triệu USD). Hồi tháng 7 năm ngoái, Hàn Quốc tăng thuế bất động sản đối với cá nhân sở hữu nhiều nhà lên tới 6% mỗi năm. Hà Lan tăng thuế chuyển nhượng đối với nhà đầu tư bất động sản lên 8% từ mức 2% hồi tháng 1.
“Mức thuế như vậy tạo ra nguồn thu thuế quan trọng đối với chính phủ”, GS. Sing Tien Foo, Giám đốc Viện Nghiên cứu Bất động sản và Đô thị thuộc Đại học Quốc gia Singapore phát biểu. Ông nói, thuế bất động sản đóng góp khoảng 9% tổng nguồn thu thuế của Singapore trong năm tài chính 2019 - 2020.
Các quốc gia khác cũng tìm cách tăng thuế bất động sản. Canada, nơi tỷ lệ người nước ngoài mua nhà chiếm khoảng 5 - 10% tổng số giao dịch, đang xem xét áp dụng thuế quốc gia đối với những bất động sản do công dân ngoại quốc, cá nhân không cư trú ở Canada mua.
Ở Bahamas, một ủy ban của chính phủ đề xuất nâng mức trần 60.000 USD đối với thuế bất động sản hàng năm mà những công dân cư trú ở quốc gia vùng Caribbe phải nộp. Ở New York, những người sở hữu nhà có thể phải nộp thêm một khoản thuế nếu họ sở hữu một bất động sản mà không thường xuyên sử dụng, sau một sắc thuế bất động sản năm 2019 để tăng mức phí chuyển nhượng nhà ở có mức giá trên 2 triệu USD.
Lợi ích không rõ ràng
Không chỉ là thuế tài sản, thuế bất động sản còn là một cách để các chính phủ giảm đà tăng giá nhà và tăng số lượng bất động sản dành cho người dân địa phương, đặc biệt trong giai đoạn kinh tế sa sút. “Thuế bất động sản là một loại thuế tài sản, cũng là công cụ để bình ổn giá bất động sản trong giai đoạn giao dịch thay vì giai đoạn sở hữu”, Cheng Wee Tan, Nhà phân tích tài sản cao cấp ở Singapore của Morningstar phát biểu.
Tuy nhiên, một số chuyên gia cũng cảnh báo rằng thuế bất động sản có thể phá hoại niềm tin của nhà đầu tư và làm giảm nhu cầu, đặc biệt là nhu cầu của nhà đầu tư nước ngoài. “Tùy thuộc vào những chi tiết thực thi cụ thể, một loại thuế bất động sản mới sẽ khiến những người mua nhà ngoại quốc nản lòng. Nó cũng gây tổn hại đối với thị trường bất động sản hạng sang, do một tỷ lệ lớn người mua nhà hạng sang đến từ nước ngoài”, Martin Wong nói.
Giải pháp tăng thuế bất động sản cũng có thể không phải là cách tối ưu để tăng ngân sách chính phủ, theo GS. Sing Tien Foo. “Dùng thuế bất động sản để tăng ngân sách không phải là chiến lược tốt, vì nó sẽ làm tăng chi phí sinh hoạt và kinh doanh đối với người dân, doanh nghiệp ở cả trong nước lẫn nước ngoài”, ông nhấn mạnh./.