Nhu cầu tiêu thụ thép chưa có tín hiệu phục hồi

Ảnh hưởng từ thị trường bất động sản, ngành xây dựng chưa thể phục hồi trong một sớm một chiều khiến sức tiêu thụ ngành thép suy giảm. Chỉ tính từ đầu năm 2023 đến nay, giá thép trong nước đã ghi nhận 13 lần hạ giá liên tiếp.

 - Nhu cầu tiêu thụ thép chưa có tín hiệu phục hồi - Ảnh 1

Tốc độ sản xuất thép thô đang chững lại

Trong vài tháng trở lại đây, tốc độ sản xuất thép thô tại các nhà máy Việt Nam đang chững lại, mặc dù có ghi nhận mức cao hơn mức đáy vào cuối năm ngoái nhưng vẫn chưa phục hồi hoàn toàn.

Theo ước tính của Công ty Chứng khoán Rồng Việt (VDSC), tiêu thụ thép thô lũy kế 6 tháng đầu năm 2023 đạt dưới 10 triệu tấn, giảm 15% so với cùng kỳ năm ngoái, thấp hơn 9% so với cùng kỳ năm 2021. Những con số này vẫn chưa thể cho thấy nhu cầu thép đang tốt lên.

Nguồn: CTCK Rồng Việt  
Nguồn: CTCK Rồng Việt  

Điểm sáng của thị trường thép thuộc về nhóm xuất khẩu HRC (Formosa và HPG) khi sản lượng xuất khẩu trong tháng 5/2023 đạt kỷ lục hơn 390.000 tấn.

Sang tháng 6, lượng tiêu thụ ngành thép của Hòa Phát ghi nhận lập đỉnh tính từ đầu năm 2023. Thông tin từ Tập đoàn Hòa Phát cho biết, hết tháng 6, Hòa Phát đã sản xuất 520.00 tấn thép thô, giảm 23% so với cùng kỳ 2022. Sản lượng bán hàng các sản phẩm thép xây dựng, thép cuộn cán nóng (HRC), phôi thép đạt 540.000 tấn, giảm 4% so với cùng kỳ 2022.

Sản lượng tiêu thụ thép của Hòa Phát.  
Sản lượng tiêu thụ thép của Hòa Phát.  

Mặc dù các chỉ số sản lượng đều chưa thể phục hồi nhưng đây là mức bán hàng cao nhất kể từ đầu năm nay của "vua thép Việt".

Trong đó, thép xây dựng ghi nhận 286.000 tấn, giảm 18% so với tháng 6 năm ngoái nhưng tăng nhẹ so với tháng 5 vừa qua. Đại diện Hòa Phát nhận định kết quả này chủ yếu nhờ sản lượng bán hàng thép xây dựng Hòa Phát ở miền Trung và miền Nam tăng trưởng cao so với tháng 5, đạt tương ứng lần lượt 30% và 69%.

Sẽ có nhiều đợt giảm giá hơn nữa

Bât động sản có vai trò quan trọng trong ngành kinh tế tại Việt Nam, khi bất động sản gặp khó khăn sẽ kéo theo một loạt ngành phụ trợ khác cũng lâm vào cảnh khó khăn. Nhất là đối với ngành vật liệu xây dựng, trong đó có thép. Khi thị trường rơi vào thoái trào, việc giảm giá sản phẩm là điều không thể tránh khỏi.

Không chỉ tại thị trường Việt Nam mà ở thị trường théo Trung Quốc cũng có chiều hướng giảm giá. Cụ thể, trên sàn giao dịch Thượng Hải (SHFE), giá thép giao kỳ hạn tháng 5/2024 giảm 11 Nhân dân tệ, xuống mức 3.599 Nhân dân tệ/tấn.

Thị trường thép trong nước từ đầu năm 2023 đến nay đã ghi nhận 13 phiên hạ giá thép liên tiếp. Giá thép hạ nhưng tiêu thụ vẫn ảm đạm, chưa có dấu hiệu khởi sắc. Trong lần giảm gần đây nhất ngày 5/7, một số doanh nghiệp sản xuất thép trong nước đã hạ giá bán thép 100.000 - 300.000 đồng/tấn với sản phẩm thép vằn thanh D10 CB300, xuống còn 14,06 - 15,1 triệu đồng/tấn.

Dự báo giá thép sẽ tiếp tục giảm trong thời gian tới.  
Dự báo giá thép sẽ tiếp tục giảm trong thời gian tới.  

Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA) cho biết thị trường bất động sản chưa có tín hiệu khả quan trở lại, các dự án nhà ở xã hội mới được triển khai chưa nhiều, cùng với đó hệ thống ngân hàng siết chặt tín dụng khiến tiêu thụ thép xây dựng ở mức thấp so với kỳ vọng vào mùa xây dựng như mọi năm.

Đánh giá triển vọng ngành bất động sản dân dụng ảnh hưởng lớn nhất đến nhu cầu ngành thép Việt Nam, VNDirect cho rằng, khi chiếm khoảng 60-65% nhu cầu toàn ngành và ảnh hưởng đến hầu hết các mặt hàng thép thành phẩm.

Đơn vị này cũng chỉ ra, trong thời gian gần đây, các tín hiệu tích cực hơn đối với ngành bất động sản đã dần xuất hiện khi hàng loạt chính sách liên quan đến thị trường được ban hành. Và đây được cho là tín hiệu ban đầu cho quá trình phục hồi và tăng trưởng của không chỉ bất động sản mà còn tác động đến nhiều ngành nghề liên quan.

Tuy nhiên, VNDirect cho rằng vẫn còn quá sớm để đánh giá thị trường bất động sản liệu sớm “rã đông” khi hiệu quả thực tế triển khai các chính sách vẫn còn bỏ ngỏ và nhiều điểm nghẽn chưa được giải quyết triệt để.

Điều đó đã kéo theo nhu cầu ảm đảm ở lĩnh vực xây dựng dân dụng và tác động đáng kể tới tình hình tiêu thụ các mặt hàng sắt thép. Mặc dù giải ngân đầu tư công được kỳ vọng sẽ tăng tốc trong những quý tới, dự báo nhu cầu thép trong nước sẽ tăng trưởng âm một chữ số vào năm 2023.

Dự báo về tình hình tiêu thụ thép trong thời gian tới, VNDirect dự báo, từ năm 2024 trở đi, nhu cầu thép trong nước có thể phục hồi mạnh mẽ khi thị trường bất động sản được khởi sắc trở lại. Theo VnDirect, nguồn cung bất động sản nội địa sẽ chỉ có thể được hồi phục từ năm 2024 khi Luật đất đai sửa đổi được thông qua tháo gỡ hàng loạt, đồng bộ các nút thắt pháp lý và áp lực tài chính, lãi suất được giảm bớt khi các ngân hàng tạo điều kiện tiếp cận nguồn vốn thuận lợi hơn cũng như kích cầu người mua nhà.

Hà Thu

Theo Kinh doanh và Phát triển