Những chính sách mới về bất động sản có hiệu lực trong tháng 11/2023
Bắt đầu từ tháng 11, một số chính sách dành riêng cho thị trường bất động sản do Thủ tướng Chính phủ và Bộ Xây dựng sẽ được áp dụng.
Giảm tiền thuê đất phải nộp của năm 2023
Nhằm tháo gỡ khó khăn cho hoạt động sản xuất kinh doanh theo Nghị quyết 105/NQ-CP ngày 15/7/2023, vừa qua Thủ tướng đã ban hành Quyết định 25 về việc giảm tiền thuê đất năm 2023.
Quyết định 25 chính thức có hiệu lực từ ngày 20/11, áp dụng đối với người thuê đất là tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp, hộ gia đình, cá nhân đang được Nhà nước cho thuê đất trực tiếp theo Quyết định hoặc Hợp đồng hoặc Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất của cơ quan nhà nước có thẩm quyền dưới hình thức thuê đất trả tiền hàng năm.
Trường hợp người thuê đất không thuộc đối tượng được miễn, giảm tiền thuê đất, hết thời hạn được miễn, giảm tiền thuê đất và trường hợp người thuê đất đang được giảm tiền thuê đất theo quy định của pháp luật về đất đai và pháp luật khác có liên quan cũng sẽ thuộc đối tượng áp dụng.
Theo đó, người thuê đất sẽ được giảm 30% tiền thuê đất phải nộp (phát sinh thu) của năm 2023; không thực hiện giảm trên số tiền thuê đất còn nợ của các năm trước năm 2023 và tiền chậm nộp (nếu có).
Mức giảm tiền thuê đất được tính trên số tiền thuê đất phải nộp (phát sinh thu) của năm 2023. Trường hợp người thuê đất đang được giảm tiền thuê đất theo quy định hoặc/và khấu trừ tiền bồi thường, giải phóng mặt bằng theo quy định của pháp luật về tiền thuê đất thì mức giảm 30% tiền thuê đất được tính trên số tiền thuê đất phải nộp (nếu có) sau khi đã được giảm hoặc/và khấu trừ theo quy định của pháp luật (trừ số tiền thuê đất được giảm theo Quyết định số 01/2023 của Thủ tướng Chính phủ).
Để được giảm tiền, người thuê đất phải nộp một bộ hồ sơ gồm: Giấy đề nghị giảm tiền thuê đất năm 2023 theo mẫu và Quyết định cho thuê đất hoặc Hợp đồng thuê đất hoặc sổ hồng của cơ quan nhà nước có thẩm quyền (bản sao), cho cơ quan thuế quản lý thu tiền thuê đất, Ban Quản lý Khu kinh tế, Ban Quản lý Khu công nghệ cao, cơ quan khác theo quy định của pháp luật về quản lý thuế kể từ thời điểm Quyết định này có hiệu lực thi hành đến hết ngày 31/3/2024.
Các vị trí công tác phải định kỳ chuyển đổi lĩnh vực xây dựng
Ngày 3/10 vừa qua, Bộ Xây dựng ban hành Thông tư 08/2023 quy định danh mục và thời hạn định kỳ chuyển đổi vị trí công tác đối với công chức không giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý và viên chức trực tiếp tiếp xúc, giải quyết công việc trong lĩnh vực xây dựng.
Cụ thể, đối với các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ Xây dựng, có 15 nhóm vị trí công tác phải định kỳ chuyển đổi vị trí như: Kiểm tra, đánh giá hồ sơ đề nghị cấp chứng chỉ hành nghề, chứng chỉ năng lực hoạt động xây dựng; kiểm tra, đánh giá hồ sơ đề nghị công nhận tổ chức xã hội - nghề nghiệp đủ điều kiện cấp chứng chỉ hành nghề, chứng chỉ năng lực hoạt động xây dựng;…
Tương tự, tại các cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc phạm vi quản lý theo ngành, lĩnh vực xây dựng tại chính quyền địa phương cũng có 15 nhóm vị trí phải định kỳ chuyển đổi như: Thẩm định, lập kế hoạch, kiểm soát, giám sát, điều phối, đền bù, giải phóng mặt bằng; kiểm tra công tác nghiệm thu công trình xây dựng; thẩm định nhiệm vụ, nhiệm vụ điều chỉnh quy hoạch xây dựng…
Thời hạn định kỳ chuyển đổi vị trí công tác đối với công chức, viên chức công tác tại các vị trí nêu trên là từ đủ 3 năm đến 5 năm. Thời điểm tính thời hạn chuyển đổi vị trí công tác là thời điểm cấp có thẩm quyền ban hành văn bản điều động, bố trí, phân công nhiệm vụ đối với công chức, viên chức.
Thông tư 08/2023/TT-BXD có hiệu lực từ ngày 20/11/2023.
Hướng dẫn nội dung về chương trình phát triển đô thị
Bộ Xây dựng đã ban hành Thông tư 06/2023/TT-BXD ngày 8/9/2023 hướng dẫn một số nội dung về chương trình phát triển đô thị.
Thông tư này hướng dẫn về nội dung, hồ sơ, tổ chức lập, thẩm định, phê duyệt, điều chỉnh, công bố và lưu trữ chương trình phát triển đô thị; áp dụng đối với các cơ quan quản lý nhà nước, các tổ chức, cá nhân tham gia các hoạt động có liên quan đến chương trình phát triển đô thị.
Về nội dung chương trình phát triển đô thị tỉnh, Thông tư nêu rõ, nội dung chương trình phát triển đô thị tỉnh thực hiện theo quy định tại điểm a khoản 4 Điều 3a Nghị định số 11/2013/NĐ-CP ngày 14/01/2013 của Chính phủ về quản lý đầu tư phát triển đô thị được bổ sung tại khoản 3 Điều 4 Nghị định số 35/2023/NĐ-CP ngày 20/6/2023 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của các Nghị định thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ Xây dựng (gọi chung là Nghị định về quản lý đầu tư phát triển đô thị) và các quy định chi tiết sau đây:
1/ Chỉ tiêu phát triển đô thị quy định tại điểm a khoản 3 Điều 3a Nghị định về quản lý đầu tư phát triển đô thị gồm: Tỷ lệ đô thị hóa; số lượng đô thị, danh mục đô thị, đô thị dự kiến điều chỉnh địa giới hành chính và đô thị dự kiến thành lập mới theo phân loại đô thị; tỷ lệ đất xây dựng đô thị trên tổng diện tích đất tự nhiên toàn tỉnh; các chỉ tiêu thống kê cấp tỉnh khác liên quan đến phát triển đô thị theo yêu cầu của địa phương.
2/ Các chương trình, đề án trọng tâm để từng bước thực hiện phát triển bền vững đô thị quy định tại điểm d khoản 3 Điều 3a Nghị định về quản lý đầu tư phát triển đô thị gồm:
a) Một hoặc một số chương trình, đề án cấp quốc gia có liên quan (nếu có) và cấp tỉnh đang triển khai hoặc đề xuất mới về phát triển đô thị ứng phó biến đổi khí hậu, phát triển đô thị tăng trưởng xanh, giảm phát thải, phát triển đô thị thông minh hoặc các chương trình, đề án cấp quốc gia, cấp tỉnh khác để cụ thể hóa các chỉ tiêu phát triển bền vững hệ thống đô thị của tỉnh;
b) Dự kiến sơ bộ nhu cầu kinh phí tổng thể và trong khung thời gian của chương trình, giai đoạn thực hiện, cơ quan chịu trách nhiệm chủ trì xây dựng trình cấp có thẩm quyền phê duyệt đối với các chương trình, đề án quy định tại điểm a khoản này.
3/ Các dự án đầu tư phát triển đô thị sử dụng nguồn vốn đầu tư công và các nguồn vốn khác ngoài vốn đầu tư công quy định tại điểm đ khoản 3 Điều 3a Nghị định về quản lý đầu tư phát triển đô thị được sắp xếp theo thứ tự ưu tiên cho từng giai đoạn 5 năm và 10 năm gồm:
a) Các dự án đầu tư phát triển hạ tầng kỹ thuật khung, công trình hạ tầng kỹ thuật đầu mối và các dự án khác đã được xác định trong quy hoạch tỉnh;
b) Các dự án đầu tư phát triển đô thị trên địa bàn 02 đơn vị hành chính cấp huyện trở lên và các dự án khác thuộc thẩm quyền đầu tư cấp tỉnh để thực hiện phương án phát triển hệ thống đô thị của tỉnh;
c) Các dự án thực hiện chương trình, đề án trọng tâm quy định tại khoản 2 nêu trên (nếu có).
Thông tư có hiệu lực từ 10/11/2023.
Định giá dịch vụ sự nghiệp công trong lĩnh vực quản lý kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia
Ngày 15/9, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải ban hành Thông tư 25/2023/TT-BGTVT sửa đổi Thông tư 11/2021/TT-BGTVT hướng dẫn phương pháp định giá và quản lý giá dịch vụ sự nghiệp công trong lĩnh vực quản lý, bảo trì kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia thực hiện theo phương thức đặt hàng sử dụng ngân sách Nhà nước từ nguồn kinh phí chi thường xuyên.
Theo đó, Cục Đường sắt Việt Nam được giao thực hiện thẩm định, phê duyệt phương án giá dịch vụ sự nghiệp công trong lĩnh vực quản lý, bảo trì kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia thực hiện theo phương thức đặt hàng sử dụng ngân sách Nhà nước từ nguồn kinh phí chi thường xuyên.
Thời hạn, trình tự thẩm định và quyết định phương án giá thực hiện theo quy định tại Nghị định 177/2013/NĐ-CP và Nghị định 149/2016/NĐ-CP.
Thông tư có hiệu lực từ ngày 1/11/2023.
Ban hành 3 quy chuẩn về linh kiện, thiết bị của phương tiện giao thông đường sắt
Ngày 17/4, Bộ Giao thông vận tải ban hành kèm theo Thông tư 04/2023/TT-BGTVT 3 Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về linh kiện, thiết bị của phương tiện giao thông đường sắt gồm:
- Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về bộ trục bánh xe của đầu máy, toa xe (QCVN 110: 2023/BGTVT);
- Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về bộ móc nối, đỡ đấm của đầu máy, toa xe (QCVN 111: 2023/BGTVT);
- Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về van hãm sử dụng trên đầu máy, toa xe (QCVN 112: 2023/BGTVT)
Thông tư có hiệu lực thi hành từ ngày 1/11/2023.