Những ‘ông lớn’ bất động sản nào đang dồn dập phát hành trái phiếu không có tài sản đảm bảo?

Trái phiếu vẫn luôn được biết là kênh huy động vốn chủ lực của nhiều doanh nghiệp bất động sản. Tuy nhiên các chuyên gia cũng cảnh báo còn nhiều rủi ro tiềm ẩn cho các nhà đầu tư mua trái phiếu, đặc biệt là với các lô trái phiếu không có tài sản đảm.

Nhiều ‘ông lớn’ huy động trái phiếu không có tài sản đảm bảo

Trong khoảng 4 năm trở lại đây, thị trường trái phiếu doanh nghiệp diễn ra sôi động với giá trị phát hành bùng nổ.

Tính cuối năm 2021, quy mô thị trường trái phiếu doanh nghiệp đạt hơn 700 nghìn tỷ đồng, tương đương 16,7% GDP, chiếm gần 12% dư nợ tín dụng cả nước. Trong đó, trái phiếu của các doanh nghiệp bất động sản tăng trường không ngừng. Đây là hình thức huy động vốn được ưu tiên hàng đầu của các doanh nghiệp bất động sản hơn là các nguồn vốn từ ngân hàng hay nhà đầu tư, khách hàng.

Đáng chú ý, gần một nửa giá trị trái phiếu doanh nghiệp bất động sản nói trên là không có tài sản đảm bảo.

Bước sang năm 2022, theo thống kê do Hội môi giới Bất động sản Việt Nam (VARs) công bố mới đây, tính đến giữa tháng 4/2022, tổng giá trị trái phiếu doanh nghiệp phát hành đạt gần 40.000 tỷ đồng. Trong đó, tỷ trọng trái phiếu doanh nghiệp bất động sản trong quý 1/2022 chiếm tới 43%.

Có thể kể đến các lô trái phiếu của nhiều ‘ông lớn’ bất động sản như: Apec Group, Khang Điền, Đầu tư IPA,…

Theo thống kê của Sở giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX), tính đến thời điểm hiện tại, CTCP Tập đoàn Apec Group đã trải qua 14 đợt phát hành trái phiếu.

Đáng chú ý, phần lớn các lô trái phiếu của Apec Group đều không có tài sản đảm bảo.

Những ‘ông lớn’ bất động sản nào đang dồn dập phát hành trái phiếu không có tài sản đảm bảo? - Ảnh 1
Những ‘ông lớn’ bất động sản nào đang dồn dập phát hành trái phiếu không có tài sản đảm bảo? - Ảnh 2
Nhiều lô trái phiếu do Apec Group phát hành không có tài sản đảm bảo.    
Nhiều lô trái phiếu do Apec Group phát hành không có tài sản đảm bảo.    

Các lô trái phiếu được Apec Group phát hành đều là loại trái phiếu không chuyển đổi, lãi suất dao động từ 10,5% đến 13%/năm.

Mặc dù phát hành với số lượng dày đặc, tuy nhiên trái phiếu của Apec Group lại không ‘thu hút’ nhà đầu tư. Thậm trí có những lô trái phiếu còn không có nhà đầu tư nào đăng ký tham gia.

Còn nhờ thời điểm từ ngày 18/1 đến 6/8/2021, Apec Group đã phát hành thành công gần 500 tỷ đồng trái phiếu ra công chúng thông qua phương tiện thông tin đại chúng và cho các nhà đầu tư không xác định nhưng không nộp hồ sơ đăng ký với Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN).

Kết quả, UBCKNN đã có quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với Apec Group số tiền 600 triệu đồng.

Quyết định xử phạt Apec Group của UBCKNN.  
Quyết định xử phạt Apec Group của UBCKNN.  

Bên cạnh số tiền phạt, Apec Group bị buộc thu hồi chứng khoán đã chào bán, hoàn trả cho nhà đầu tư tiền mua chứng khoán hoặc tiền đặt cọc (nếu có) cộng thêm tiền lãi tính theo lãi suất tiền gửi không kỳ hạn của ngân hàng.

Hay như Công ty cổ phần Tập đoàn Đầu tư I.P.A (Mã CK: IPA), được biết đến là công ty riêng của vợ chồng bà chủ VnDirect – Phạm Minh Hương và ông Vũ Hiền cũng đã huy động 3.300 tỷ đồng trái phiếu kể từ tháng 3/2021.

Cũng giống như Apec Group, các lô lô trái phiếu của IPA đều không có tài sản đảm bảo. Trái phiếu được IPA phát hành là loại không chuyển đổi, không niêm yết, kỳ hạn 3 năm, không kèm chứng quyền, không đảm bảo bằng tài sản và không phải là nợ thứ cấp của doanh nghiệp.

Các lô trái phiếu có lãi suất dao động 9,5-10,5%/năm. Bên đứng ra sắp xếp là Chứng khoán VNDirect – tổ chức có liên quan đến IPA.

Hay như Công ty cổ phần Đầu tư và kinh doanh Nhà Khang Điền (Mã CK: KDH) thông qua phương án huy động 2.000 tỷ đồng trái phiếu không tài sản đảm bảo. Mục đích nhằm rót vào Công ty Khang Phúc và Công ty Thủy Sinh theo hình thức cho vay được xem là nằm trong kế hoạch.

Theo đó, KDH sẽ chào bán tối đã 20 triệu trái phiếu mệnh giá 100.000đ/ trái phiếu, tổng giá trị huy động 2.000 tỷ đồng và thời gian chào bán dự kiến trong quý II/2022. Đây là loại trái phiếu không chuyển đổi, không kèm chứng quyền, không có tài sản đảm bảo. Lãi suất cố định tối thiểu 9%/năm và tối đa 10%/năm. Trái phiếu sẽ bán cho nhà đầu tư trong nước và nước ngoài theo quy định pháp luật.

Trước đó, KDH cũng đã phát hành lô trái phiếu trị giá 400 tỷ đồng mà không có tài sản đảm bảo. Theo báo cáo tài chính của KDH, lô trái phiếu được đảm bảo theo hình thức tín chấp (tức dựa vào uy tín và năng lực trả nợ để phục vụ cho các mục đích của doanh nghiệp).

Lô trái phiếu 400 tỷ của KDH không có tài sản đảm bảo.  
Lô trái phiếu 400 tỷ của KDH không có tài sản đảm bảo.  

Ngoài ra, CTCP Đầu tư Hạ tầng Kỹ thuật TP HCM (Mã CK: CII), tại Báo cáo tài chính hợp nhất quý IV/2021 của CII, tính đến cuối năm 2021, nợ phải trả của CII ở mức khá cao, với tổng số nợ lên đến 22.503 tỷ đồng. Trong đó, nợ vay hơn 17.000 tỷ đồng, với 6.776 tỷ đồng là giá trị trái phiếu CII phát hành, lãi suất chủ yếu từ 9 – 11%.

Nguồn: Báo cáo tài chính hợp nhất quý IV/2021 của CII.
Nguồn: Báo cáo tài chính hợp nhất quý IV/2021 của CII.

Đáng chú ý, trong đó nhiều lô trái phiếu với tổng giá trị huy động lên đến 2.343 tỷ đồng được CII phát hành không có tài sản đảm bảo. Điển hình như mã trái phiếu CII012029 với tổng mệnh giá 1.150 tỷ đồng, phát hành ngày 31/1/2019, kỳ hạn 10 năm, lãi suất 7,2%/năm, là trái phiếu không chuyển đổi, không có tài sản đảm bảo. Mục đích phát hành nhằm tài trợ vốn cho các dự án BOT trọng điểm của công ty.

Hay lô trái phiếu CIIB2124002 với tổng mệnh giá 500 tỷ đồng, phát hành ngày 21/10/2021, kỳ hạn 36 tháng, lãi suất 9,5%/năm, là lô trái phiếu không chuyển đổi, không kèm chứng quyền và không có tài sản đảm bảo. Mục đích phát hành nhằm tăng quy mô vốn hoạt động cho công ty.

Những ‘ông lớn’ bất động sản nào đang dồn dập phát hành trái phiếu không có tài sản đảm bảo? - Ảnh 3

 

Nhiều lô trái phiếu của CII đều không có tài sản đảm bảo.  
Nhiều lô trái phiếu của CII đều không có tài sản đảm bảo.  

 

 

Nhà đầu tư đang ‘mạo hiểm’ khi mua trái phiếu không có tài sản đảm bảo

Trước tình hình thị trường trái phiếu diễn ra quá nóng trong những năm gần đây, Bộ Tài chính đánh giá, việc phát hành trái phiếu doanh nghiệp, đặc biệt là phát hành không có tài sản đảm bảo có dấu hiệu tăng nhanh và nóng, tiềm ẩn nguy cơ gây hậu quả cho nền kinh tế.

Bộ cũng cho biết sẽ thanh tra, kiểm tra các đợt phát hành trái phiếu của các doanh nghiệp bất động sản, khi có nhiều trường hợp doanh nghiệp phát hành trái phiếu với khối lượng lớn trong khi vốn chủ sở hữu nhỏ, kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh lỗ qua các năm.

Ngoài ra, theo Hội môi giới Bất động sản Việt Nam (VARs), hiện nay, những vấn đề đang khiến các cơ quan quản lý thị trường lo ngại về thị trường trái phiếu doanh nghiệp nói chung, trái phiếu doanh nghiệp bất động sản nói riêng bao gồm doanh nghiệp sử dụng trái phiếu không đúng mục đích, không hiệu quả, thông tin chưa minh bạch dẫn đến rủi ro cho trái chủ.

“Việc trái phiếu phải có bảo lãnh bằng tài sản là cổ phiếu hay bất động sản… cơ bản đều không giải quyết được vấn đề an toàn cho nhà đầu tư do người mua trái phiếu là cá nhân còn người phát hành là tổ chức. Tài sản của tổ chức không thể đem ra để bảo lãnh cho cá nhân và việc xử lý tài sản bảo lãnh này là vô cùng phức tạp”, Chuyên gia kinh tế TS. Lê Xuân Nghĩa nhận định.

Thực tế mà nói, thị trường trái phiếu doanh nghiệp nói chung vẫn còn một số tồn tại và trái phiếu, đặc biệt là đối với doanh nghiệp bất động sản nói riêng. Tuy nhiên, theo các chuyên gia về lâu dài, trái phiếu doanh nghiệp vẫn là kênh huy động vốn hiệu quả, thể hiện sự năng động của một nền kinh tế, trao cơ hội đầu tư đa dạng cho các nhà đầu tư.

Chia sẻ về những định hướng, giải pháp cho thị trường trái phiếu thời gian tới, TS. Nguyễn Văn Đính - Chủ tịch VARs cho rằng việc đánh giá hạn mức tín nhiệm với các doanh nghiệp phát hành trái phiếu là vô cùng cần thiết. Hạn mức tín nhiệm cho phép nhà đầu tư có cái nhìn tổng quát đủ khách quan để đánh giá những rủi ro có thể khi đầu tư vào doanh nghiệp thông qua trái phiếu.

 

Quang Anh

Theo Chất lượng và Cuộc sống