Nỗi ám ảnh nợ 'zombie': Đã trả hết nợ vẫn nguy cơ bị siết mất nhà
Một số lượng lớn người dân Mỹ đang phải đối mặt với những khoản nợ zombie khiến họ có nguy cơ bị mất trắng những căn hộ đã mua, dù vẫn trả nợ đầy đủ.
Jose Arzate từng mơ về một cuộc sống nghỉ hưu thanh bình tại một khu phố yên tĩnh ở quê nhà. Là một cựu chiến binh 24 năm của văn phòng quản chế quận, Arzate nghĩ rằng ông đã đạt được "Giấc mơ Mỹ" khi mua một ngôi nhà dạng trang trại 3 phòng ngủ ở Santa Maria, California, vào 20 năm trước.
"Là một người nhập cư, bạn sẽ có một giấc mơ, giấc mơ được sở hữu ngôi nhà của riêng mình. Đó là lâu đài của bạn. Nó dành cho gia đình bạn", ông Arzate nói.
Là con trai của những người nhập cư Mexico, ông Arzate đã hình dung ngôi nhà của gia đình sẽ được truyền lại qua nhiều thế hệ. Nhưng một cơn ác mộng tài chính đã "đập tan" suy nghĩ này của ông.
"Một buổi sáng, tôi thức dậy và thấy cảnh sát trưởng bên ngoài cửa nhà mình. Tôi không hề biết chuyện này sẽ xảy ra. Tôi đang nằm trên giường, bắt đầu ngày mới, và đột nhiên, tôi bị đuổi ra ngoài", ông Arzate nói.
Theo đó, ông Arzate đã sửa đổi khoản vay của mình 13 năm trước, thế chấp lần thứ 2 để quản lý chi phí. Ông cho rằng các khoản thanh toán hàng tháng của mình đủ để trang trải cả 2 khoản thế chấp.
Tuy nhiên, khoản thế chấp thứ 2 của ông đã được bán cho một bên cung cấp dịch vụ khác mà ông không hề biết, vì hàng tháng ông không hề nhận được một hoá đơn hay thông báo nào về khoản thế chấp thứ 2 cho tới khi quá muộn.
Hơn một thập kỷ sau, khoản vay chưa trả đó đã được khôi phục lại kèm theo lãi suất và phí trả chậm, khiến khoản nợ tăng từ 65.526 USD lên 139.211 USD.
"Nếu bạn nợ tiền trên thẻ tín dụng, họ sẽ gửi cho bạn hóa đơn hàng tháng. Nhưng họ (một số công ty dịch vụ) không làm thế. Họ chỉ đuổi tôi ra khỏi nhà", ông Arzate nói.
Câu chuyện tương tự đã xảy ra với cựu chiến binh Chiến tranh Iraq Laverne Simmons, người đã có được một ngôi nhà khiêm tốn ở Inglewood, California. Tuy nhiên, sau hơn một thập kỷ thanh toán thế chấp đúng hạn, bà đã bị bất ngờ bởi một thông báo vỡ nợ.
"Tôi không hề thanh toán trễ hay yêu cầu bất cứ điều gì. Vì vậy, tôi thực sự bối rối", bà Simmons nói.
Trong khi làm việc để nhận được trợ cấp tại Quân đội, các hóa đơn y tế cho những vết thương thời chiến của bà đã tăng lên. Do đó, bà Simmons đã thế chấp lần thứ hai vào năm 2014 để trang trải cuộc sống.
Giống như ông Arzate, bà tin rằng khoản thanh toán hàng tháng của mình đã bao gồm khoản tiền cho cả hai khoản thế chấp. Bà cho biết chưa bao giờ nhận được báo cáo cho khoản vay thứ hai.
Theo thời gian, cùng với lãi suất và phí, khoản vay 65.000 USD của bà đã tăng lên hơn 140.000 USD và đối mặt với việc bị tịch thu nhà.
Và cơn "ác mộng của" ông Arzate hay bà Simmons bắt nguồn từ một vấn đề cũ kỹ nhưng không hề lỗi thời tại Mỹ, thứ mà mọi người thường gọi là "khoản nợ zombie".
Sự gia tăng của nợ zombie - Quả bom bổ chậm
"Nợ zombie" là các khoản nợ cũ, thường là các khoản thế chấp thứ cấp, đã bị lãng quên từ lâu nhưng lại xuất hiện trở lại, kèm theo lãi suất và phí tích lũy, đe dọa đến sự ổn định tài chính của những người chủ nhà mà họ không hề hay biết.
Những khoản nợ này thường được bán cho những đơn vị cung cấp dịch vụ mới, những đơn vị này sau đó sẽ tích cực theo đuổi các khoản nợ chưa thanh toán, đôi khi dẫn đến việc tịch biên tài sản. Các đơn vị này thường không cung cấp thông tin về khoản nợ cho các con nợ, khiến họ "đinh ninh" số tiền mình trả hàng tháng có thể trang trải cho tất cả khoản nợ, nhưng thực chất không phải.
Rich Szerman, một nhà môi giới bất động sản tại California, cho biết: "Chính khoản thế chấp mà bạn nghĩ đã trả hết, lại quay về từ "cõi chết" để ám ảnh bạn". Szerman cho biết ông đã thấy những trường hợp tương tự ở khách hàng của mình.
"Hầu hết mọi người đều tưởng số tiền thanh toán hàng tháng của mình đã đủ để trả cho mọi khoản vay. Và do họ nhận được thư từ ngân hàng rằng khoản nợ đã được xoá, không cần thanh toán thêm nữa. Thực chất, khoản nợ của họ vẫn tồn tại", ông Szerman nói.
"Những khoản nợ này được bán cho những nhà tư bản tham lam, những người thực thi toàn bộ giá trị khoản vay với lãi suất và tiền phạt. Nếu bạn không trả, họ sẽ lấy nhà của bạn. Điều đó là phi đạo đức, vô đạo đức và sai trái", ông Szerman nói.
Rohit Chopra thuộc Cục Bảo vệ Tài chính Người tiêu dùng liên bang (CFPB) cho biết cơ quan của ông đã chứng kiến sự gia tăng các khiếu nại về nợ zombie, khi một số công ty thu nợ bỏ qua các bước trong quá trình tịch thu tài sản thế chấp và tiến thẳng tới việc tịch biên tài sản.
"Nhiều lần, chúng tôi nghe nói họ nhắm vào những chủ nhà lớn tuổi, những người có thể đang sở hữu nhiều tài sản thế chấp. Nhiều điều trong số này hoàn toàn nằm ngoài tầm ngắm, và những hoạt động này là bất hợp pháp", ônb Chopra nói.
Rohit Chopra cho biết họ không có dữ liệu về mức độ lan rộng của vấn đề này, nhưng ông khuyến khích những chủ nhà đang phải đối mặt với tình trạng thu hồi nợ hãy báo cáo ngay cho CFPB.
"Đây là một thất bại lớn từ trước khi xảy ra cuộc khủng hoảng tài chính, khi các nhà quản lý ở Washington không theo dõi những gì đang diễn ra trên thực tế tại các cộng đồng địa phương", ông Chopra nói.
Intercontinental Exchange Inc., hay ICE, đã theo dõi hiệu suất của các khoản vay thế chấp nhà từ giữa năm 2008, dựa trên một phân nhóm thị trường. Dữ liệu phản ánh tác động của cuộc khủng hoảng tài chính, cho thấy tỷ lệ nợ quá hạn và thanh lý cao trong khoảng từ năm 2006 đến năm 2008.
Cơ sở dữ liệu ICE theo dõi hai số liệu chính: tỷ lệ phần trăm các khoản vay quá hạn 120 ngày và tỷ lệ phần trăm các khoản vay bị thanh lý bắt buộc. Các khoản thanh lý, được báo cáo bởi các công ty dịch vụ, bao gồm các sự kiện như tịch biên tài sản, bên cho vay xóa nợ dưới dạng lỗ hoặc bên cho vay bán tài sản với giá thấp hơn số tiền nợ.
Dữ liệu cho thấy các khoản thế chấp thứ hai quá hạn và thanh lý tăng đột biến, ảnh hưởng đến hơn 30% tổng số các khoản thế chấp thứ hai vào năm 2006 và 2007. Chính từ thời kỳ đó, nhiều khoản thế chấp cũ đang được khôi phục.
Bà Simmons cho biết bà tin rằng chủ nợ của khoản thế chấp thứ hai của bà, Real Time Resolutions, đã đợi cho đến khi sự phát triển kinh tế tại khu phố của bà bắt đầu làm tăng giá trị bất động sản mới gửi thông báo cho bà.
"Chúng chỉ nằm im cho đến khi tôi có đủ vốn chủ sở hữu, và sau đó mọi thứ bắt đầu được xây dựng ở đây, như Sân vận động SoFi, Nhà thi đấu Clippers, và đó là lúc chúng đã sẵn sàng tấn công, giống như một con rắn, chỉ chờ thời điểm thích hợp", bà Simmons nói.
Bảo vệ bản thân
Nợ zombie không chỉ giới hạn ở thế chấp. Nó có thể bao gồm hóa đơn y tế, khoản vay sinh viên và thậm chí là khoản vay mua ô tô, nằm im cho đến khi một đơn vị dịch vụ mới phục hồi chúng.
Để tránh trở thành nạn nhân của nợ zombie, CFPB khuyến khích người tiêu dùng thường xuyên kiểm tra báo cáo tín dụng của mình để biết bất kỳ khoản thế chấp hoặc khoản nợ không quen thuộc nào.
Nếu xuất hiện hóa đơn đáng ngờ, điều quan trọng là không thanh toán ngay lập tức. Thay vào đó, hãy liên hệ với luật sư hoặc nhóm hỗ trợ pháp lý địa phương để giải quyết những phức tạp của các khiếu nại này.
"Đừng trả hóa đơn cho thứ bạn không nợ. Hãy nộp đơn khiếu nại với CFPB và nói chuyện với người mà bạn tin tưởng, người có thể giúp bạn điều hướng quá trình này", ông Chopra nói.