"Ôm" đất nền Tây Nguyên lúc đỉnh sóng, nhà đầu tư chật vật "cắt lỗ"
Sau giai đoạn tăng nóng, cùng với sự trầm lắng của thị trường bất động sản cả nước, nhiều nhà đầu tư mua đất nền tại một số khu vực tại Tây Nguyên như Lâm Đồng, Đắk Lắk, Kon Tum,… đã chật vật rao bán nhưng lại không dễ tìm được người mua dù chấp nhận cắt lỗ sâu.
Nhà đầu tư chật vật cắt lỗ sau sốt sóng
Cách đây gần hai, những cơn sốt đất bùng nổ và lan rộng ở nhiều địa phương tại khu vực Tây Nguyên như Bảo Lộc (Lâm Đồng), Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk), Măng Đen (Kon Tum),…
Thời điểm đó, dòng người đầu tư từ Hà Nội, TP.HCM… đổ về săn lùng đất ráo riết. Kéo theo đó là sự tăng giá đất phi mã theo cấp số nhân.
Đơn cử như tại huyện Cư M’gar (Đắk Lắk), đất trồng cây lâu năm từ 60 triệu đồng/sào được đẩy lên 200 triệu đồng/sào. Ở thị trấn Ea Kar và Phước An, giá đất giao dịch bình quân cũng được rao bán nâng gấp 3 – 4 lần chỉ sau vài tháng. Đặc biệt, nhà đầu tư rất quan tâm tới những lô đất vườn, đất rẫy nằm gần sông suối, ao hồ.
Tại Buôn Kbu nằm ở vùng ven TP Buôn Ma Thuột, vốn yên tĩnh bởi quần tụ một khu vực dân cư người đồng bào dân tộc thiểu số. Tuy nhiên, thời điểm đó, buôn này trở nên sôi động khi “cò” và người đi mua đất liên tục lui tới.
Hay như tại tỉnh Đắk Nông, trước thông tin các dự án lớn về du lịch đang được đầu tư, giá đất khu vực ven hồ Tà Đùng, huyện Đắk Glong cũng tăng chóng mặt. Có những lô đất nông nghiệp được đẩy lên hàng tỉ đồng, thậm chí hàng chục tỉ đồng/ha.
Tuy nhiên, sau giai đoạn tăng nóng, cùng với sự trầm lắng của thị trường bất động sản cả nước do lãi suất tăng cao cùng các biện pháp kiểm soát dòng vốn vào thị trường và sự suy giảm của nền kinh tế, thị trường bất động sản Tây Nguyên đã hạ nhiệt.
Từ giữa năm 2022, sức mua trên thị trường bắt đầu có dấu hiệu giảm sút. Theo nhiều đơn vị môi giới tại khu vực, thị trường bất động sản Tây Nguyên đã không còn hiện tượng nhà đầu tư ồ ạt đi xem đất như giai đoạn trước.
Đến những tháng đầu tiên của năm 2023, bất động sản Tây Nguyên mới thực sự “đóng băng” khi thị trường sơ cấp hoàn toàn không ghi nhận giao dịch.
Cụ thể, tại Đắk Lắk, làn sóng giảm giá, cắt lỗ bất động sản đã diễn ra mạnh mẽ. Giá bất động sản liên tục giảm nhưng không có giao dịch. Thông tin từ Hội Môi giới bất động sản Việt Nam cho thấy, các sản phẩm bất động sản thế chấp tại ngân hàng đã bị hạ mức định giá. Nhiều người vay tiền ngân hàng thế chấp bằng bất động sản đã buộc phải nộp bổ sung tiền, tài sản khác hoặc ngân hàng sẽ phát mãi tài sản đảm bảo để thu hồi nợ.
Một nhà đầu tư tại Đắk Lắk cho biết, nhiều tháng nay đang tìm cách rao bán lô đất có diện tích 100m2 ở gần trung tâm huyện Cư Kuin nhưng mãi chẳng có người hỏi thăm. Người này mua lô đất này vào cuối năm 2021 với giá 1,3 tỷ đồng nhưng hiện đang phải cắt lỗ 400 triệu.
Một nhà đầu tư khác cũng đang ôm lô đất gần 10.000m2 tại xã Xã Ea H'ding, Cư M'gar được mua năm 2021 với giá 6 tỷ đồng. Hiện đang rao bán lại với giá giảm 1 tỉ nhưng không tìm được người mua.
Một môi giới bất động sản tại Đắk Lắk cho biết, so với cuối năm 2021, giá đất vườn, đất rẫy tại nhiều xã trên địa bàn tỉnh đang giảm mạnh từ 20 – 40% nhưng rất ít giao dịch được thực hiện.
Tương tự, tại Lâm Đồng, thị trường bất động sản vốn rất "sốt nóng" giai đoạn năm 2021 cũng trong tình trạng đóng băng thanh khoản. Trong khi đó, tại Gia Lai cũng không có dự án bất động sản nào đang chào bán ra thị trường. Thị trường đất nền trầm lắng, hoàn toàn không còn sôi động so với trước đây. Tại Kon Tum cũng không ghi nhận giao dịch.
Thị trường Tây Nguyên vẫn nhiều tiềm năng?
Khu vực Tây Nguyên hiện có các đoạn cao tốc trọng điểm như: Cao tốc Dầu Giây - Liên khương đi qua hai tỉnh Đồng Nai và Lâm Đồng. Cao tốc Gia Nghĩa (Đắk Nông) - Chơn Thành (Bình Phước) với điểm đầu tuyến kết nối đường Hồ Chí Minh, cắt quốc lộ 28 tại Đắk Nông, điểm cuối ở huyện Chơn Thành tỉnh Bình Phước.
Giao thông thuận tiện góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội Tây Nguyên. Hiện tại, các nhà đầu tư lớn cũng đã tập trung về Tây Nguyên, không chỉ trong nước mà còn quốc tế với những dự án giá trị lớn.
Được dự báo vẫn sẽ khó khăn trong thời gian tới nhưng nhìn chung Tây Nguyên vẫn là mảnh đất tiềm năng cho nhà đầu tư. (Ảnh minh họa) |
Với việc sở hữu vị trí địa lý tốt, quỹ đất vô cùng lớn, giá đất còn khá rẻ, Tây Nguyên thời gian trước là một trong những điểm đến của các nhà đầu tư. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia nhìn nhận, các nhà đầu tư vẫn nên dựa vào những điều kiện sẵn có để định hình chiến lược phát triển tại đây. Cần cẩn trọng và tìm cho mình một định hướng lâu dài, tránh lướt sóng. Đặc biệt chỉ nên giải ngân vào những khu vực có tính pháp lý rõ ràng, đừng chỉ nhìn thấy cơ hội, tiềm năng rồi vội vàng, bất chấp.
Với đặc thù dân cư của Tây Nguyên còn nhiều bỡ ngỡ, các thủ tục pháp lý càng cần chặt chẽ, kỹ càng, tránh qua loa, sơ hở. Hiểu rõ về văn hóa địa phương cũng là một lợi thế khi tham gia vào thị trường bất động sản Tây Nguyên.
Về diễn biến trong thời gian tới, nhiều chuyên gia cho rằng thị trường bất động sản Tây Nguyên trong thời gian tới sẽ tiếp tục gặp nhiều khó khăn, khó hồi phục trong ngắn hạn.
Nguyên nhân là do mặc dù có nhiều tiềm năng phát triển với những quy hoạch đô thị mới, sự phát triển của hạ tầng giao thông, song sự phát triển của bất động sản về cơ bản, vẫn sẽ chỉ bám sát những khu vực đã phân định quy hoạch rõ ràng, nằm trong chiến lược phát triển của địa phương.
Mặt khác, sau đại dịch, xu hướng nhiều nhà đầu tư mong muốn tìm “căn nhà thứ hai” tại khu vực này cũng đã hạ nhiệt. Cùng với đó là cơ hội đầu tư sinh lời không đạt như kỳ vọng do sự trầm lắng của thị trường bất động sản khiến các nhà đầu tư không còn mạnh dạn xuống tiền.