Quảng Bình: Đề xuất đầu tư hơn 2.100 tỷ xây dựng cảng quốc tế Hòn La

Cảng biển Quảng Bình là 1 trong 7 cảng biển loại II mà Phó thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành vừa ký Quyết định số 804/QĐ-TTg công bố danh mục 34 cảng biển Việt Nam.

Sở Kế hoạch Đầu tư tỉnh Quảng Bình cho biết tỉnh này vừa công bố mời gọi các doanh nghiệp, nhà đầu tư quan tâm đến dự án Cảng tổng hợp quốc tế Hòn La tại xã Quảng Đông, huyện Quảng Trạch, Quảng Bình.

Dự án cảng tổng hợp quốc tế Hòn La được Công ty Cổ phần Cảng Hòn La đã đề xuất đầu tư 2.112 tỷ đồng, dự án có diện tích sử dụng khoảng 38,82ha, giai đoạn 1 dự kiến sẽ khởi công vào giữa năm 2022.

Mục tiêu đầu tư Dự án cảng tổng hợp quốc tế Hòn La là xây dựng khu bến cảng, đáp ứng nhu cầu vận chuyển hàng hóa, nguyên vật liệu phục vụ xây dựng, sản xuất kinh doanh, xuất nhập khẩu hàng hóa cho khu kinh tế Hòn La và các nhà máy trong các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh Quảng Bình, vận chuyển hàng hóa từ Lào và các tỉnh đông bắc Thái Lan về cảng Hòn La.

Dự án có diện tích sử dụng khoảng 38,82ha, trong đó đất xây dựng công trình là 25ha và khu mặt nước biển neo đậu hơn 13,81ha, gồm 4 bến cập tàu. Tổng vốn đầu tư của dự án là 2.112 tỷ đồng. Trong đó, tổng mức đầu tư giai đoạn 1 là 938 tỷ đồng, tổng mức đầu tư giai đoạn 2 là 1.174 tỷ đồng.

Mặt bằng Khu kinh tế Hòn La, tỉnh Quảng Bình.  
Mặt bằng Khu kinh tế Hòn La, tỉnh Quảng Bình.  

Trong đó, giai đoạn 1 gồm 2 bến, 1 bến cho tàu 50.000DWT và 1 bến cho tàu đến 100.000DWT. Giai đoạn 2 đầu tư 2 bến còn lại: 1 bến cho tàu đến 70.000DWT và 1 bến cho tàu đến 100.000DWT.

Các hạng mục khu trước cảng gồm vũng đậu tàu và khu quay trở, khu bãi; các kho bãi chứa hàng và hệ thống hạ tầng kỹ thuật đồng bộ. Theo thiết kế, năng lực hàng hoá thông qua cảng giai đoạn 1 khoảng 3 triệu tấn/năm, giai đoạn 2 nâng lên khoảng 6 triệu tấn/năm.

Về tiến độ dự kiến, giai đoạn 1 sẽ khởi công vào giữa năm 2022 và hoàn thành vào cuối 2023; giai đoạn 2 dự kiến khởi công tháng 3/2025 và hoàn thành vào tháng 12/2026.

Vốn góp thực hiện của nhà đầu tư dự kiến chiếm 20% nguồn vốn đầu tư dự án, trong đó vốn tự có của doanh nghiệp giai đoạn 1 là 187,6 tỷ đồng và giai đoạn 2 là 238,8 tỷ đồng. Vốn còn lại được huy động tín dụng từ ngân hàng thương mại trong nước, trong đó giai đoạn 1 dự kiến là 750,4 tỷ đồng và giai đoạn 2 là 939,2 tỷ đồng.

Theo Ban quản lý khu kinh tế Quảng Bình, việc đầu tư xây dựng cảng tổng hợp quốc tế Hòn La phù hợp với quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam thời kỳ 2021-203, tầm nhìn đến 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định 1579/QĐ-TTg ngày 22/9/2021.

Trong quá trình thẩm định chủ trương đầu tư dự án, đơn vị đã lấy ý kiến và được Bộ Giao thông Vận tải cũng như các sở ban ngành liên quan thống nhất chủ trương.

Dự kiến, dự án sẽ được tổ chức lựa chọn nhà thầu theo quy định để lựa chọn nhà đầu tư đủ năng lực thực hiện dự án.

Khu kinh tế Hòn La nằm trong chuỗi các khu kinh tế ven biển miền Trung, thuộc địa bàn 6 xã của huyện Quảng Trạch gồm: Quảng Đông, Quảng Phú, Quảng Tùng, Cảnh Dương, Quảng Hưng và Quảng Xuân.

Một số khu chức năng trong Khu kinh tế Hòn La đã được UBND tỉnh phê duyệt quy hoạch chi tiết gồm có: KCN cảng biển Hòn La 109,26ha; KCN Hòn La II 177,1 ha; khu tái định cư 49,7ha; khu dân cư đô thị 73,5ha...

Trong đó, KCN Cảng biển Hòn La là một trong các KCN được bình hình thành đầu tư, hạ tầng kỹ thuật KCN đã hoàn thiện và đi vào hoạt động từ năm 2008 với thời hạn hoạt động là 50 năm.

KCN Cảng biển Hòn La được xây dựng với mô hình đồng bộ về hạ tầng kỹ thuật, nằm kề quốc lộ 1A, cách Cửa khẩu quốc tế Cha Lo (biên giới Việt – Lào) 160km và cách các tỉnh vùng Đông – Bắc Thái Lan chưa đầy 300km. Phía đông KCN là Vịnh Hòn La, được đánh giá là một vịnh biển lý tưởng để xây dựng cảng nước sâu và làm nơi neo đậu, trú ẩn tàu thuyền. Hiện nay, cảng biển nước sâu Hòn La có thể đón tàu 3 vạn tấn vào ra, tương lai cảng sẽ nâng cấp mở rộng cho tàu 7 đến 10 vạn tấn.

Phó thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành vừa ký Quyết định số 804/QĐ-TTg công bố danh mục cảng biển Việt Nam gồm 34 cảng biển. Theo đó, cảng biển Hải Phòng và cảng biển Bà Rịa - Vũng Tàu là hai cảng biển loại đặc biệt của Việt Nam.

11 cảng biển loại I gồm: cảng biển Quảng Ninh, Thanh hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Đà Nẵng, Quảng Ngãi, Bình Định, Khánh Hòa, TP. Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Cần Thơ.

7 cảng biển loại II gồm: cảng biển Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Bình Thuận, Đồng Tháp, Hậu Giang và Trà Vinh.

14 cảng biển loại III gồm: Nam Định, Thái Bình, Quảng Nam, Phú Yên, Ninh Thuận, Bình Dương, Long An, Tiền Giang, Bến Tre, Sóc Trăng, An Giang, Vĩnh Long, Cà Mau và Kiên Giang.

Thanh Xuân

Theo Chất lượng và Cuộc sống