Quý I đầu năm 2022 Tập đoàn Masan làm ăn ra sao?
Kết thúc quý 1/2022, Tập đoàn Masan báo lãi tăng bằng lần so với cùng kỳ, song dòng tiền kinh doanh lại âm nặng.
Doanh thu Masan giảm
CTCP Tập đoàn Masan (HOSE: MSN) vừa công bố báo cáo tài chính hợp nhất quý 1/2022 với doanh thu thuần đạt 18.189 tỷ đồng, giảm 9% so với cùng kỳ 2021 do tác động của việc ngừng hợp nhất thức ăn chăn nuôi. Giá vốn hàng bán chiếm tới 72% trong doanh thu thuần khiến lãi gộp tăng nhẹ 18%, đạt hơn 5.089 tỷ đồng.
Trong kỳ, các khoản chi phí như chi phí tài chính, chi phí bán hàng, chi phí quản lý doanh nghiệp đều không có biến động lớn.
Điểm nhất trong bức tranh kinh doanh tại MSN chính là doanh thu từ hoạt động tài chính tăng gấp 4,6 lần so với cùng kỳ, thu về hơn 1.006 tỷ đồng. Trong đó, chủ yếu là lãi từ đánh giá lại giá trị khoản đầu tư trước đây vào công ty con hơn 281 tỷ đồng; lãi thu từ tiền gửi và cho va đầu tư khác tăng 84% đạt hơn 197 tỷ đồng; ngoài ra còn có doanh thu tài chính khác gấp 31 lần so với cùng kỳ, đạt hơn 414 tỷ đồng.
Đồng thời, quý 1/2022 MSN thu về gần 1.194 tỷ đồng lãi từ các công ty liên kết, tăng 26% so với cùng kỳ 2021.
Kết quả, lợi nhuận thuần sau thuế tại MSN đạt gần 1.895 tỷ đồng, gấp 5,5 lần so với cùng kỳ 2021.
Thông thường, khi nhìn nhận kết quả kinh doanh của một doanh nghiệp, nhiều nhà đầu tư chủ yếu chỉ quan tâm tới yếu tố doanh thu, lợi nhuận và thường bỏ qua yếu tố dòng tiền. Trong khi trên thực tế, dòng tiền từ hoạt động kinh doanh mới là điểm mấu chốt để có thể đánh giá chính xác và toàn diện về sức khỏe tài chính của doanh nghiệp.
Tại MSN, trong khi lợi nhuận tăng trưởng bằng lần, thì dòng tiền thuần từ hoạt động kinh doanh 3 tháng đầu năm 2022 lại đang ở trạng thái âm gần 1.808 tỷ đồng (cùng kỳ 2021 dương hơn 305 tỷ đồng)
Nguyên nhân là do khoản chi cho hàng tồn kho tăng đột biến 93%, lên hơn 166 tỷ đồng. Tính đến 31/3/2022, giá trị hàng tồn kho tại MSN hơn 13.000 tỷ đồng. Trong đó, tập trung chủ yếu ở thành phẩm (hơn 4.395 tỷ đồng) và hàng hóa (gần 3.247 tỷ đồng).
Ngoài ra, các khoản phải trả và nợ khác gấp 4,4 lần so với cùng kỳ, lên mức 2.438 tỷ đồng cũng là nguyên nhân khiến dòng tiền kinh doanh tại MSN âm nặng.
Dòng tiền từ hoạt động kinh doanh âm luôn là chỉ báo xấu đối với sức khỏe tài chính của doanh nghiệp. Đồng thời, dòng tiền thuần hoạt động đầu tư của trong kỳ tại MSN cũng âm hơn 8.346 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ 2021 chỉ âm hơn 2.121 tỷ đồng. Tổng cộng dòng tiền từ hoạt động kinh doanh và đầu tư 3 tháng đầu năm 2022 âm hơn 10.000 tỷ đồng. Do đó, dòng tiền thuần trong kỳ âm gần 9.956 tỷ đồng trong khi cùng kỳ 2021 chỉ âm gần 602 tỷ đồng.
Tất nhiên, không phải mọi trường hợp dòng tiền kinh doanh âm đều đáng lo ngại. Trong trường hợp doanh nghiệp đang trong giai đoạn mở rộng sản xuất kinh doanh, phải nhập thêm hàng hóa, tăng các khoản phải thu, phải trả… sẽ dẫn tới tình trạng dòng tiền kinh doanh âm. Song, nếu tình trạng này kéo dài thì sẽ là điều báo động, bởi việc dòng tiền thiếu hụt sẽ khiến doanh nghiệp chìm vào gánh nặng nợ nần, kết quả kinh doanh đi xuống.
Đòn bẩy nợ cao
Hệ sinh thái của Tập đoàn Masan hiện đang bao gồm các mảng kinh doanh sản phẩm tiêu dùng (hàng tiêu dùng nhanh - FMCG và thịt), bán lẻ nhu yếu phẩm, bán lẻ F&B (cà phê & trà thông qua chuỗi Phúc Long), viễn thông di động (thương hiệu Reddi), và các dịch vụ tài chính thông qua Techcombank. Vì đầu tư đa ngành nên nhiều năm qua, Masan liên tục sử dụng đòn bẩy nợ cao.
Mới đây, báo cáo tài chính hợp nhất quý 1/2022 cho thấy, tính đến 31/3/2022, tổng tài sản tại MSN giảm nhẹ so với đầu năm, đạt hơn 124.284 tỷ đồng được hình thành từ 87.545 tỷ đồng nợ phải trả (chiếm hơn 70%) và chỉ có 36.738 tỷ đồng vốn chủ sở hữu.
Như vậy, tỉ số nợ phải trả trên tổng tài sản của MSN là 70%. Các con số trên cho thấy MSN đang sử dụng đòn bẩy nợ cao, hầu hết tài sản của doanh nghiệp này được tài trợ bởi nợ.
Đáng nói, nợ phải trả của MSN chủ yếu là vay, trái phiếu phát hành và nợ thuê tài chính gần 58.436 tỷ đồng, chiếm 67% nợ phải trả, hệ số nợ trên vốn chủ sở hữu là gấp 1,6 lần. Trong đó, nợ vay ngắn hạn ghi nhận hơn 19.182 tỷ đồng, chủ yếu là nợ vay dài hạn hơn 39.253 tỷ đồng.
Trước đó, tại thời điểm 31/12/2021, tổng tài sản tại Masan ghi nhận hơn 126.093 tỷ đồng, tăng nhẹ 9% so với đầu năm. Nợ phải trả của doanh nghiệp ở mức 83.757 tỷ đồng, giảm 8% so với đầu năm, chiếm 66% tổng tài sản.
Đáng chú ý, do huy động hàng chục ngàn tỷ đồng từ trái phiếu, dư nợ vay của Tập đoàn Masan tính đến cuối năm 2021 ghi nhận hơn 58.177 tỷ đồng. Trong đó, trái phiếu không đảm bảo mà “ông vua” trong lĩnh vực tiêu dùng bán lẻ này huy động đạt gần 16.209 tỷ đồng, giảm 8% so với đầu năm và trái phiếu có đảm bảo gần 18.723 tỷ đồng, tăng 7% so với đầu năm.
Do nợ vay ở mức cao nên Masan phải trả hơn 4.669 tỷ đồng lãi vay trong năm 2021, tăng 24% so với năm 2020, tương đương lãi vay Masan phải trả hơn 12,7 tỷ đồng mỗi ngày.
Trong năm 2022, MSN kỳ vọng tăng trưởng doanh thu thuần và lợi nhuận trên tất cả mảng kinh doanh. Động lực tăng trưởng đến từ các hoạt động đầu tư gần đây, điều kiện thị trường thuận lợi hơn, sức mạnh hiệp lực của nền tảng Tiêu dùng - Bán lẻ tích hợp và hiện thực hóa nền tảng Point of Life. Năm 2022, MSN đặt mục tiêu doanh thu thuần hợp nhất từ 90,000-100,000 tỷ đồng và lãi ròng từ 4,800-6,200 tỷ đồng.
Về triển vọng dài hạn, Ban lãnh đạo tin rằng những nỗ lực thực hiện trong năm 2021 đã tạo tiền đề cho giai đoạn chuyển đổi và tăng trưởng tiếp theo của MSN. Giai đoạn tới, Công ty sẽ tăng tốc chiến lược Point of Life, nhân rộng mô hình cửa hàng mini mall hiện đại tích hợp các thương hiệu và dịch vụ đột phá có chất lượng vượt trội để phục vụ các nhu cầu lớn, thiết yếu hằng ngày của người Việt xuyên suốt từ offline đến online. Bằng cách ứng dụng dữ liệu lớn (Big data) vào hệ sinh thái ngày càng mở rộng, Masan sẽ mang đến cho người tiêu dùng các sản phẩm kỹ thuật số thế hệ mới, từ đó tiếp tục thúc đẩy tăng trưởng trong thập kỷ tới.