Sang tay 145 triệu cổ phiếu ACB: Cổ đông ngoại thoái vốn thu về 4.000 tỷ?
ACB ghi nhận giao dịch thoả thuận của khối ngoại với khối lượng 145 triệu cổ phiếu trong phiên sáng 22/3, với giá trị giao dịch 4.000 tỷ đồng.
Trong phiên sáng 22/3, cổ phiếu ACB của Ngân hàng TMCP Á Châu (HoSE: ACB) xuất hiện giao dịch của khối ngoại với khối lượng 145 triệu đơn vị. Mức giá được ghi nhận 27.650 đồng/cổ phiếu, tương đương tổng giá trị giao dịch lên tới hơn 4.000 tỷ đồng. Mức giá này có độ chênh khoảng 2% so với thị giá hiện tại của ACB. Đóng cửa phiên sáng, cổ phiếu ACB dừng ở mức 28.250 đồng/cổ phiếu.
Dù thường xuyên ghi nhận các giao dịch thoả thuận, tuy nhiên khối lượng 145 triệu đơn vị lớn hơn nhiều so với các giao dịch được ghi nhận trong thời gian gần đây của ACB.
Trước đó, Reuter từng cho biết về việc CVC Capital Partners xem xét kế hoạch bán cổ phần sở hữu tại ACB sau khi nhận được lời đề nghị từ những nhà đầu tư tiềm năng, bao gồm các đối tác đến từ Nhật Bản. Theo ước tính của Reuters, số cổ phần của CVC sở hữu có thể trị giá lên tới 200 triệu USD dựa trên vốn hóa thị trường của ACB tại thời điểm đầu năm 2024 là hơn 4 tỷ USD.
Được biết, quỹ CVC đã tham gia đầu tư vào ACB từ năm 2017. Ông Võ Văn Hiệp – thành viên HĐQT ACB từ năm 2018 đồng thời là Giám đốc điều hành CVC Asia Pacific (Singapore).
“Room” ngoại của ACB luôn ở mức tối đa là 30%, do đó việc các nhà đầu tư nước ngoài muốn tham gia vào ngân hàng này đòi hỏi nhà đầu tư nước ngoài khác phải “nhả hàng”. Như vậy, không ngoại trừ khả năng một quỹ ngoại đã thoái vốn thành công khỏi ACB, đồng thời nhà đầu tư nước ngoài khác đã lấp đầy vị trí còn trống.
Mới đây, ACB đã công bố kế hoạch kinh doanh năm 2024 với lợi nhuận trước thuế mục tiêu đạt 22.000 tỷ đồng, tăng 10% so với mức thực hiện năm 2023. Tổng tài sản mục tiêu đạt 805.050 tỷ đồng, tăng 12% so với thời điểm đầu năm.
Tiền gửi khách hàng và giấy tờ có giá đạt 593.779 tỷ đồng, tăng 11%; cho vay khách hàng đạt 555,866 tỷ đồng, tăng 14%. Tỷ lệ nợ xấu dự kiến kiếm soát dưới 2%.
Về phương án phân phối lợi nhuận năm 2023, ACB dự kiến chia cổ tức tổng tỷ lệ 25%, trong đó 15% bằng cổ phiếu và 10% bằng tiền mặt. Với phương án tăng vốn điều lệ thông qua chia cổ tức, ACB dự kiến phát hành thêm hơn 582,6 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu, tỷ lệ phát hành15% (cổ đông sở hữu 100 cổ phiếu sẽ được nhận thêm 15 cổ phiếu mới).
Sau khi phát hành thành công, vốn điều lệ của ACB sẽ tăng từ 38.840 tỷ đồng lên 44.666 tỷ đồng. Phương án phân phối lợi nhuận năm 2024 được ACB dự kiến tương tự năm 2023.
Theo dự phóng của Công ty Chứng khoán KB Việt Nam (KBSV), tăng trưởng tín dụng của ACB năm 2024 có thể đạt 16%, hoàn thành mức tín dụng được Ngân hàng Nhà nước cấp. Thậm chí, KBSV cho rằng ACB có thể tăng trưởng tín dụng 20% trong kích bản tích cực nếu Ngân hàng Nhà nước có thêm đợt cấp room cho các ngân hàng trong năm nay.
Động lực tăng trưởng tín dụng đến từ việc đẩy mạnh hoạt động cho vay ở nhóm khách hàng doanh nghiệp, nhóm khách hàng cá nhân dẫn dắt chủ yếu từ hoạt động cho vay hộ kinh doanh bên cạnh cầu tiêu dùng được kỳ vọng có chuyển biến tích cực hơn kể từ nửa sau năm 2024.
Mảng bancassurance suy giảm mạnh trong năm 2023 tạo nền thấp cho mức tăng trưởng năm 2024 của ACB. Luật Các tổ chức tín dụng sửa đổi giúp thị trường bán chéo bảo hiểm minh bạch hơn sẽ tác động tích cực đến mô hình bancassurance tại ACB.
KBSV dự phóng NIM của ACB năm 2024 sẽ cải thiện 12 điểm cơ bản so với năm 2023 sau khi lãi suất hy động thấp đã được phản ánh vào chi phí vốn, trong bối cảnh lãi suất đầu ra khó giảm mạnh bởi mức lãi suất hiện tại ACB chào cho khách vay ở mức tương đối thấp, gần bằng nhóm Big4.