Sau thập kỷ “ngủ đông”, đất Ba Vì “sốt“ trở lại
Sau cơn sốt đất năm 2010, vùng đất Ba Vì rơi vào trạng thái im ắng cả chục năm sau đó. Tuy nhiên, từ đầu năm tới nay, giao dịch bắt đầu nóng trở lại, NĐT nườm nượp kéo về khiến giá đất nơi đây tăng gấp 3, 4 lần.
Đất Ba Vì từng dậy sóng
Giữa năm 2008, tỉnh Hà Tây (cũ) sáp nhập về Hà Nội, cộng thêm thông tin dự kiến sẽ xây 1 khu hành chính tại Ba Vì và lúc đó sẽ chuyển các Bộ ngành ra đó. Trước thông tin này, tại Ba Vì đã chứng kiến nhiều cuộc giao dịch nhà, đất từ giá gốc 15 - 20 triệu đồng/m2 và chỉ một năm sau có nơi chạm ngưỡng 140 triệu đồng/m2, nhà đầu tư từ các nơi vẫn ôm cả bao tải tiền tìm về mua đất.
Điều này đã khiến thị trường bất động sản rơi vào tình trạng hỗn loạn. Thời điểm đó, các loại đất thổ cư, đất dịch vụ, đất vườn, cho đến đất nông nghiệp, thậm chí đất rừng ở Ba Vì cũng bị xẻ ra rao bán khi lượng người đổ về đầu tư ngày một đông.
Khi cơn sốt lên tới đỉnh điểm, hàng trăm người đổ xô đi lùng mua đất để lướt sóng thì giá khu vực này bị đẩy lên đến mức khó tin khi một số thửa đất tưởng chẳng có giá trị gì thì nay lên đến tiền tỷ.
Ngay sau khi thông tin được phát đi, giá đất Ba Vì bỗng nhiên lao dốc với mức giảm tới 70%. Một số gia đình ở huyện Ba Vì chạy theo "cơn bão sốt đất" đứng trước nguy cơ sạt nghiệp khi phải bán tháo đất trước đây mua gom để đáo nợ, trả nợ. Ba Vì trở thành “tử huyệt” chôn vùi tiền của nhiều nhà đầu tư.
Nhiều nhà đầu tư còn cầu cứu lãnh đạo huyện Ba Vì khi đã trót mua đất không chính thống qua buôn bán trao tay. 10 năm trôi qua, nhiều dự án tại cơn “lốc giá” Ba Vì năm nào nay bị bỏ hoang, cỏ mọc um tùm. Có thể điểm qua một vài dự án như hàng chục biệt thự tiền tỷ ở đồi Đá Bạc (xã Yên Bài), ở khu Điền Viên Thôn, gần 60 biệt thự nhà vườn đã mọc lên ngay bên cạnh khu đất người dân vẫn cày cấy, không hề được cấp phép xây dựng, bị bao quanh bởi những lùm cỏ dại. Đó là kết cục dễ hiểu của trào lưu “lướt sóng”.
"Cơn sốt" mới tại Ba Vì sau cả thập kỷ
Chia sẻ với PV Reatimes, bà Nga (bán hàng nước tại Tản Lĩnh) cho biết, từ sau Tết Nguyên đán Tân Sửu tới nay giá đất tại địa phương tăng cao, thậm chí không có để mua. Nhiều nhà đầu tư kéo về xem đất khiến quán nước của cô cũng trở nên đông đúc.
“Từ sau Tết âm lịch giá đất tăng cao hơn hẳn, chủ yếu người từ Hà Nội về tìm mua, giá cao nhưng còn không mua được”, bà Nga nói.
Bà Nga cho biết, những thửa đất nằm ở tuyến đường Tỉnh lộ 84 có giá giao dịch từ 600 - 650 triệu đồng/mét dài trong khi trước Tết Nguyên đán chỉ khoảng 400 triệu đồng/mét dài. Chiều dài phụ thuộc vào từng thửa đất, có thửa dài chục mét, có thửa dài ba, bốn chục mét.
Đối với các thửa đất nằm ở đường làng, thường dao động từ 150 - 200 triệu đồng/mét dài, trong khi 1 năm trước mức giá chỉ khoảng 45 triệu đồng/mét dài. "Gia đình cô cũng mua được 1 thửa vào tháng 6/2020, đất cũng chỉ giao dịch bằng giấy viết tay và có xác nhận của Trưởng thôn", cô Nga nói.
“Mảnh này đẹp, em mua để đầu tư lướt sóng cũng được không thì xây homestay kinh doanh, ở đây phát triển tốt về nghỉ dưỡng”, anh Quyền nói.
Cách đây 2 tuần, anh Quyền có mua một mảnh đất vườn rộng 1.700m2, mặt đường 2,5m có giá 1 tỷ đồng, nay đã bán được 1 tỷ 400 triệu đồng cho khách đầu tư. Anh cho rằng, đất tại đây rất dễ bán và giá có xu hướng tăng dần tới cuối năm nay chứ không giảm.
“Nhiều hôm đông người tới xem đất chị phải dẫn 2 - 3 người đi xem 1 lượt, mỗi ngày khoảng 4 - 5 giao dịch thành công tại văn phòng chị từ sau Tết tới nay”, chị Trang cho hay.
Ngoài ra, theo khảo sát của PV, đất vườn tại Ba Vì cũng đã tăng gấp 4,5 lần, dao động trong khoảng 250 - 350 triệu đồng/sào đất (360m2), trong khi 1 năm trước, mức giá chỉ khoảng 50 triệu đồng/sào.
Tuy nhiên, theo các chuyên gia, nhà đầu tư nên hết sức cẩn thận trọng khi "lướt sóng" tại khu Ba Vì, bởi lẽ, đất tại đây chủ yếu là đất nông nghiệp, thậm chí đất không có sổ đỏ. Nên khi giao dịch, chủ yếu là giấy viết tay. Việc giao dịch đất qua giấy viết tay có nhiều rủi ro. Trường hợp xấu nhất, các nhà đầu tư sẽ mất trắng nếu không chứng minh được nguồn gốc đất.
Trao đổi với báo chí, ông Nguyễn Văn Đính, Phó Chủ tịch Hội môi giới Bất động sản Việt Nam (VARs) nhận định: “10 năm trước, khu vực Ba Vì từng xuất hiện "sốt" đất và trở thành nỗi ác mộng của nhiều nhà đầu tư thời kỳ đó. Thời điểm này, dù giá đất Ba Vì không “phình” to như 10 năm trước, nhưng với tốc độ giá tăng phi mã như hiện nay cũng là một dấu hiệu cảnh báo cho nhà đầu tư cần cẩn trọng”./.