Sốt đất tại Ba Vì: Mảnh đất vốn chẳng có giá, nay đã chạm ngưỡng tiền tỷ?

Kể từ sau “sơn sốt” năm 2010, thị trường BĐS Ba Vì gần như bị “đóng băng”. Tuy nhiên kể từ thời điểm sau Tết Tân Sửu, giá nhà đất nơi này bỗng “sốt nóng” trở lại, có nơi tăng 3,4 lần

 Sốt đất tại Ba Vì: Mảnh đất vốn chẳng có giá, nay đã chạm ngưỡng tiền tỷ? - Ảnh 1

Nhà đất Ba Vì đã từng “nóng” như thế nào?

Ba Vì là một huyện nằm cách trung tâm thủ đô Hà Nội hơn 60 km về phía Tây Bắc. Diện tích khoảng 424,03km2. Dân số khoảng khoảng 267.300 người (bao gồm 3 dân tộc Kinh, Mường, Dao).

Huyện có 31 đơn vị hành chính gồm thị trấn Tây Đằng và 30 xã: Ba Trại, Ba Vì, Cam Thượng, Cẩm Lĩnh, Cổ Đô, Châu Sơn, Chu Minh, Đông Quang, Đồng Thái, Khánh Thượng, Minh Châu, Minh Quang, Phong Vân, Phú Cường, Phú Châu, Phú Đông, Phú Phương, Phú Sơn, Sơn Đà, Tản Hồng, Tản Lĩnh, Tiên Phong, Tòng Bạt, Thái Hòa, Thuần Mỹ, Thụy An, Vạn Thắng, Vân Hòa, Vật Lại, Yên Bài. Phía Đông giáp thị xã Sơn Tây, phía Nam giáp tỉnh Hòa Bình, phía Tây giáp tỉnh Phú Thọ và phía Bắc giáp tỉnh Vĩnh Phúc. Địa hình của huyện thấp dần từ phía Tây Nam sang phía Đông Bắc, chia thành 3 tiểu vùng khác nhau: Vùng núi, vùng đồi, vùng đồng bằng ven sông Hồng.

Sốt đất tại Ba Vì: Mảnh đất vốn chẳng có giá, nay đã chạm ngưỡng tiền tỷ? - Ảnh 2

Giữa năm 2008 trước thông tin tỉnh Hà Tây (cũ) sẽ sáp nhập về Hà Nội, cộng thêm thông tin dự kiến sẽ xây 1 khu hành chính tại Ba Vì và lúc đó sẽ chuyển các Bộ ngành ra đó đã khiến thị trường nhà đất Ba Vì được phen “nhảy múa”. Cụ thể có nơi chạm ngưỡng 140 triệu đồng/m2 trong khi trước đó chỉ rơi vào khoảng 15 – 20 triệu đồng/m2. Trước hiện tượng sốt đất đó, thậm trí đất rừng  cũng bị xẻ ra rao bán khi lượng người đổ về đầu tư ngày một đông khiến thị trường BĐS Ba Vì rơi vào tình trạng hỗn loạn.

Thời điểm cơn sốt lên tới đỉnh điểm, giá nhà đất khu vực này bị đẩy lên đến mức khó tin, kéo theo việc một số thửa đất vốn chẳng có giá trị gì thì nay đã lên đến tiền tỷ.

Tuy nhiên ngay sau đó, giá đất Ba Vì bỗng nhiên lao dốc với mức giảm tới 70%. Lý do được biết là vào tháng 10/2020, Bộ Xây dựng trình Thủ tướng Chính phủ dự thảo mới về việc phê duyệt Đồ án quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội, trong đó giữ nguyên trục Hồ Tây – Ba Vì và trụ sở các Bộ ngành xây mới sẽ được đặt tại Mỹ Đình, Tây Hồ Tây. Một số gia đình ở huyện Ba Vì chạy theo “cơn bão sốt đất” đứng trước nguy cơ sạt nghiệp khi phải bán tháo đất trước đây mua gom để đáo nợ, trả nợ. Ba Vì trở thành “tử huyệt” chôn vùi tiền của nhiều nhà đầu tư.

Thậm trí có nhà đầu tư còn cầu cứu lãnh đạo huyện Ba Vì khi đã trót mua đất không chính thống qua buôn bán trao tay. 10 năm trôi qua, nhiều dự án tại cơn “lốc giá” Ba Vì năm nào nay bị bỏ hoang, cỏ mọc um tùm. Đó chính là hậu quả của trào lưu “lướt sóng”.

Sau 10 năm “đứng hình” thị trường BĐS Ba Vì lại “nóng” trở lại

Được biết, những ngày qua, tại các trục đường từ thôn, xóm đến tỉnh lộ, quốc lộ trên địa bàn huyện Ba Vì người dân tấp nập mua bán nhà, đất chẳng khác gì trẩy hội. Nhiều nhà hàng, quán cà phê cũng được cải tiến thành văn phòng giao dịch nhà, đất.

Theo tìm hiểu, một mảnh đất trên địa bàn có diện tích khoảng 1.000m2, vốn có giá 450 triệu đồng thì nay đã lên tới 2,4 tỷ đồng. Hay những thửa đất nằm ở các tuyến đường lớn có giá giao dịch từ 800 triệu đến trên 1 tỷ đồng/mét dài. Chiều dài phụ thuộc vào từng thửa đất, có thửa dài chục mét, có thửa dài ba, bốn chục mét. Do đó giá cả của các thửa đất phụ thuộc vào địa thế rất nhiều. Còn đối với các thửa đất nằm ở đường làng, giá thường dao động từ 150 triệu đến 200 triệu đồng/mét dài.

Sốt đất tại Ba Vì: Mảnh đất vốn chẳng có giá, nay đã chạm ngưỡng tiền tỷ? - Ảnh 3

Theo một môi giới đất tại xã Ba Trại (Ba Vì, Hà Nội) cho biết, một thửa đất tại thôn 4, Ba Trại nằm ở mặt đường hơn 3m, rộng hơn 3.000m2 có giá 3 tỷ 200 triệu đồng. Được biết mức giá này đã tăng 30% so với năm ngoái. Hay như một mảnh đất vườn rộng 1.700m2, mặt đường 2,5m có giá 1 tỷ đồng, nay đã bán được 1 tỷ 400 triệu đồng cho khách đầu tư.

Ngoài ra, đất vườn tại Ba Vì cũng đã tăng gấp 4,5 lần, dao động trong khoảng 250 – 350 triệu đồng/sào đất (360m2), trong khi 1 năm trước, mức giá chỉ khoảng 50 triệu đồng/sào.

Nhận định về việc giá đất tăng nóng trong thời gian gần đây tại Ba Vì, nhiều môi giới cho hay, ăn theo quy hoạch sông Hồng, đất vùng ven ngoại thành được nhiều người quan tâm. Bên cạnh đó, sau khi dịch Covid-19 được kiểm soát, nhiều dự án nghỉ dưỡng mới lân cận Ba Vì đã rục rịch lên kế hoạch triển khai, điều này là chất xúc tác khiến đất tại khu vực này nóng trở lại.

Tuy nhiên, theo các chuyên gia nhận định, nhà đầu tư nên hết sức cẩn thận trọng khi “lướt sóng” tại khu Ba Vì, bởi lẽ, đất tại đây chủ yếu là đất nông nghiệp, thậm chí đất không có sổ đỏ. Nên khi giao dịch, chủ yếu là giấy viết tay. Việc giao dịch đất qua giấy viết tay có nhiều rủi ro. Trường hợp xấu nhất, các nhà đầu tư sẽ mất trắng nếu không chứng minh được nguồn gốc đất.

Theo ông Nguyễn Văn Đính – Phó Chủ tịch Hội môi giới Bất động sản Việt Nam (VARs): “10 năm trước, khu vực Ba Vì từng xuất hiện “sốt” đất và trở thành nỗi ác mộng của nhiều nhà đầu tư thời kỳ đó. Thời điểm này, dù giá đất Ba Vì không “phình” to như 10 năm trước, nhưng với tốc độ giá tăng phi mã như hiện nay cũng là một dấu hiệu cảnh báo cho nhà đầu tư cần cẩn trọng”.

Cao Lãng

Theo Kinh doanh & phát triển