Sau thời gian dài tìm kiếm cơ hội ở các thị trường vệ tinh, các nhà đầu tư có quay trở lại TP HCM?

Bối cảnh hiện nay đặt ra cho người mua nhà bài toán thách thức về lựa chọn sản phẩm phù hợp để rót tiền. Theo các chuyên gia, vào thời đểm này, người mua cần nghiêng về các tiêu chí an toàn, có khả năng sinh lời bền vững.

Trong khi thị trường bất động sản phía Bắc và nhiều tỉnh phía Nam giảm cả mức độ quan tâm, tìm kiếm cũng như giao dịch thì thị trường TP HCM đã có dấu hiệu tích cực trong quý III vừa qua. Khác với thị trường Hà Nội, mức độ quan tâm, tìm kiếm BĐS tại thị trường TP HCM trong quý III ghi nhận tăng 19% đối với phân khúc bán và 70% đối với phân khúc cho thuê.

Ông Đinh Minh Tuấn cho biết mức độ tìm kiếm cũng như giao dịch BĐS tại các tỉnh vệ tinh TP HCM như Bình Phước, Đồng Nai, Bình Dương,… đều giảm mạnh 50-60% ở tất cả các phân khúc trong thời gian qua. Chỉ riêng Đồng Nai ghi nhận giá giao dịch giảm 4%, các thị trường khác gần như không có sự thay đổi về giá.

Mức độ quan tâm bất động sản bán trên cả nước quý 2/2022 so với quý 3/2022.
Mức độ quan tâm bất động sản bán trên cả nước quý 2/2022 so với quý 3/2022.

Những số liệu trên phản ánh đúng câu chuyện hạn chế hoạt động đầu cơ của chính phủ. Mặt khác, khi thị trường vệ tinh của TP HCM giảm sức hút thì ngay lập tức thị trường đất nền ở Bình Chánh, Hóc Môn, Củ Chi, Nhà Bè,… những khu vực có thông tin quy hoạch lên quận trong tương lai được quan tâm nhiều hơn.

Bên cạnh đó, cửa ngõ phía Đông TP HCM như quận 9 (cũ), quận Thủ Đức (cũ),… nơi đang được tập trung nguồn lực phát triển hạ tầng đều thu hút sự quan tâm của nhà đầu tư bởi họ kỳ vọng về câu chuyện tương lai. Điều này lý giải về mức độ tăng giá tương đối tốt 3-20% và mức độ quan tâm tăng nhẹ tại TP HCM trong quý vừa qua.

Trong khi toàn thị trường miền Nam từ Kon Tum đến Cà Mau ghi nhận mức độ quan tâm, tìm kiếm giảm thì chỉ riêng TP HCM và một địa phương khác tăng trưởng. Ông Tuấn cho rằng điều này phản ánh xu hướng các chủ đầu tư sắp tới sẽ tập trung tại TP HCM thị trường có nhu cầu nhà ở rất lớn.

Sau thời gian dài các chủ đầu tư chạy theo cơ hội ở các thị trường vệ tinh, liệu những điều chỉnh của chính phủ có làm các chủ đầu tư cũng như người có nhu cầu ở thực quay trở lại thị trường TP HCM để phát triển sản phẩm phù hợp hay không.

Cũng theo nhìn nhận của chuyên gia, giai đoạn 2016-2018, thị trường đã có những bước nhảy vọt và khó khăn sau đó bởi tình hình dịch. Trong quý III vừa rồi, thị trường đã có dấu hiệu tích cực hơn và đang đà đi lên. Chuyên gia dự báo nguồn cung trong quý IV sẽ tăng mạnh, đặc biệt là phân khúc chung cư tại TP HCM, khi các chủ đầu tư đã bắt đầu các đợt mở bán rầm rộ.

Ông Tuấn cho rằng “Quý cuối năm thường là thời điểm sôi động của thị trường BĐS. Chúng tôi cũng kỳ vọng đây là giai đoạn của sự trở lại mạnh mẽ hơn của các chủ đầu tư”.

Ngoài ra, phân khúc thứ hai sẽ tăng trưởng trở lại là đất nền. Cuối quý IV cho đến quý I hàng năm hầu như đều có những cơn sốt đất nền vì đây là thời điểm các địa phương công bố quy hoạch mới tập trung giải ngân vốn đầu tư công.

Ông Tuấn nói thêm, trong 1-2 tháng tới có thể thị trường vẫn chưa hồi phục được ngay nhưng về lâu về dài, đối với một thị trường có tốc độ tăng trưởng GPD lớn và nhu cầu nhà ở lớn như Việt Nam thì sự quan tâm đến phân khúc đất nền rất cao.

Mức độ quan tâm đến bất động sản tại TP Hồ Chí Minh tăng mạnh hơn Hà Nội

Trước đó, theo dữ liệu của Batdongsan.com.vn, mức độ quan tâm đến bất động sản (BĐS) tại TP Hồ Chí Minh trong 8 tháng đầu năm 2022 tăng 17% so với cùng kỳ năm trước, trong khi chỉ số này của Hà Nội là 4%.

Trong khi lượt tìm kiếm BĐS toàn thị trường Hà Nội chỉ tăng 4% trong 8 tháng đầu năm nay so với cùng kỳ năm 2021, thì TP Hồ Chí Minh đạt mức tăng 17% và tăng ở hầu hết các loại hình. Cụ thể, mức độ quan tâm đến chung cư, nhà riêng và đất của TP Hồ Chí Minh tăng lần lượt là 17%, 9% và 8%.

Ông Nguyễn Quốc Anh- Phó Tổng Giám đốc Batdongsan.com.vn cho rằng phần lớn nhà đầu tư BĐS ở miền Nam đến từ miền Bắc, trong 2 năm dịch bệnh vừa qua, họ đã rút tiền về đầu tư vào các khu vực lân cận khiến cho sự quan tâm đối với BĐS phía Bắc tăng khá mạnh.

Khi lượng quan tâm tăng, BĐS miền Bắc bị đẩy mặt bằng giá lên cao, dòng tiền của nhà đầu tư sau đó lại tìm đến những khu vực có mặt bằng giá ổn định hơn như miền Trung và vào đến miền Nam.

Trong dài hạn, dòng tiền sẽ ở lại với TP Hồ Chí Minh và miền Nam nói chung vì kinh tế khu vực phía Nam vốn là đầu tầu cả nước, kinh tế ổn định giúp cho thu nhập của người dân bền vững và khả năng chi trả cho mặt hàng BĐS tốt.

Đồng thời, mặt bằng giá BĐS tại đây nhìn chung duy trì ở mức ổn định. Sau dịch COVID-19, kinh tế khu vực phía Nam ngày càng phục hồi, đặc biệt là các khu công nghiệp với lượng lớn người lao động quay trở lại, thúc đẩy nhu cầu về BĐS tăng.

Dữ liệu lớn của Batdongsan.com.vn cũng ghi nhận trong 8 tháng đầu năm 2022, nhu cầu tìm kiếm căn hộ chung cư tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh đều tăng so với cùng kỳ năm trước. Lượt tìm mua chung cư Hà Nội và TP Hồ Chí Minh tăng lần lượt 9% và 4%. Lượt tìm thuê chung cư tại 2 thành phố này còn tăng mạnh hơn, lần lượt là là 25% và 48%.

Thu hút lượng quan tâm lớn, loại hình chung cư có mặt bằng giá rao bán gia tăng trong 8 tháng qua. Đáng chú ý, tốc độ tăng giá chung cư Hà Nội cao khoảng gấp đôi thậm chí gấp ba so với TP Hồ Chí Minh, tùy từng phân khúc.

Các phân khúc căn hộ tại Hà Nội có giá rao bán tăng từ 15% đến 15,5% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong khi đó, giá rao bán chung cư bình dân, trung cấp và cao cấp ở TP Hồ Chí Minh tăng lần lượt là 3%, 5,5% và 8%.

Thanh Xuân

Theo Chất lượng và Cuộc sống