Diễn biến thị trường BĐS quý III/2022: Vẫn ghi nhận nhiều lực đẩy tích cực

(CL&CS) - Nền kinh tế thế giới đang đối mặt nhiều thách thức phức tạp khi áp lực từ lạm phát cùng với động thái tăng lãi suất từ hàng loạt quốc gia trên thế giới trong đó có Việt Nam đang khiến kinh tế đối mặt thách thức lớn.

Vừa qua, Ngân hàng Dự trữ liên bang Mỹ (FED) vừa điều chỉnh lãi suất tăng mạnh để chống lạm phát. Ngân hàng nhà nước Việt Nam cũng có động thái tăng lãi suất lên thêm 1% trong tháng 9, các quốc gia lân cận như Philipine đã tăng lãi suất lên hơn 2%, các nước còn lại trong khu vực như Thái Lan, Indonosia, Malaysia cũng điều chỉnh lãi suất lên 0,5 -1% trong vòng vài tháng qua.

Sự điều chỉnh lãi suất dự báo có thể tiếp tục diễn ra trong năm 2023 và biến động kinh tế thế giới vẫn đang trong giai đoạn phức tạp.

Thị trường BĐS Việt Nam trong quý 3/2022 vẫn ghi nhận nhiều lực đẩy tích cực.
Thị trường BĐS Việt Nam trong quý 3/2022 vẫn ghi nhận nhiều lực đẩy tích cực.

Theo báo cáo quý 3/2022 của Batdongsan.com.vn, xét về các chỉ số vĩ mô của Việt Nam trong quý vừa qua, ông Quốc Anh cho biết, mọi số liệu đều cho thấy kinh tế Việt Nam đang trong xu hướng phục hồi và tăng trưởng tích cực, đặc biệt khi so với thời kỳ cách ly diện rộng vào quý 3/2021. Chỉ số GDP đạt 8,83%, vẫn trong kế hoạch kiểm soát lạm phát tốt, giải ngân FDI tốt, tỷ giá đồng USD so với đồng Việt Nam vẫn ở mức 3%, duy trì mức ổn định.

Bên cạnh đó, hoạt động của doanh nghiệp BĐS có cải thiện, trong 9 tháng đầu năm, lượng doanh nghiệp BĐS thành lập mới đạt 7.124 doanh nghiệp, tăng mạnh so với cùng kỳ. Lượng doanh nghiệp quay lại hoạt động là 1.769, cao hơn con số 998 so với cùng kỳ 2021.

Vốn giải ngân đầu tư công dù chậm hơn so với kế hoạch nhưng vẫn đang được đẩy nhanh. Tuy nhiên tăng trưởng tín dụng hiện ở mức cao và tốc độ giải ngân công vẫn chậm so với chỉ tiêu đề ra.

Riêng với thị trường BĐS, trong quý vừa qua câu chuyện về nguồn vốn là trọng điểm được nhiều doanh nghiệp và người mua nhà quan tâm. Chính sách kiểm soát tín dụng vào các lĩnh vực rủi ro cao trong đó có BĐS đang khiến thị trường gặp khó khăn về giao dịch và gây ảnh hưởng mạnh đến thanh khoản chung của thị trường.

Cụ thể, số liệu từ báo cáo chỉ ra, trong quý 3/2022 mức độ quan tâm với BĐS bán trên cả nước tiếp tục giảm mạnh. Đơn cử như nhu cầu mua BĐS Hải Phòng giảm 19%, Đà Nẵng giảm 12%, Cần Thơ giảm 14%, Hà Nội giảm 1% so với quý 2 trước đó. Nhu cầu tìm mua các loại hình BĐS đều giảm mạnh trong tháng 9, lượt tìm kiếm đất nền cả nước giảm 50%, căn hộ giảm 9%, nhà riêng giảm 25% và biệt thự liền kề giảm 12% so với giai đoạn đầu năm 2022.

Tình trạng khát vốn của chủ đầu tư đã diễn ra từ đầu năm tới nay trong khi người mua nhà cũng gặp khó khăn khi muốn tiếp cận dòng vốn vay mua BDS từ phía ngân hàng.

Theo báo cáo thị trường quý 3/2022, trong quý vừa qua, thị trường BĐS Hà Nội có sự suy giảm nhẹ mức độ quan tâm BĐS bán và vẫn tiếp tục tăng trưởng mạnh mảng BĐS cho thuê.

Cụ thể, nhu cầu tìm mua BĐS tại Hà Nội giảm 3% so với quý trước. Trong đó loại hình đất nền bán tại Hà Nội có sự sụt giảm mạnh nhất ghi nhận ở mức giảm 18%, nhà riêng giảm 5%, biệt thự giảm 2%, tăng nhẹ ở nhu cầu mua chung cư và nhà phố (tăng lần lượt 1% và 5%).

Với BĐS cho thuê, Hà Nội tiếp tục xu hướng tăng trưởng nhu cầu tìm thuê hơn 58% so với quý trước. Tăng mạnh nhất là ở loại hình văn phòng (tăng 51%) và nhà mặt phố (tăng 40%).

Riêng với thị trường BĐS TP.HCM, diễn biến có phần tích cưc hơn khi nhu cầu tìm kiếm BĐS tăng ở cả thị trường bán và cho thuê. Nhu cầu tìm mua BĐS tại TP.HCM tăng 19% trong khi nhu cầu tìm thuê cũng tăng đến 70% và hầu như tăng ở mọi phân khúc. 

Nhu cầu mua nhà mặt phố TP.HCM tăng mạnh nhất quý vừa qua với mức tăng 25% so với quý trước và nhu cầu thuê nhà trọ TP.HCM tăng 78%, dẫn đầu thị trường cho thuê.

Siết tín dụng khiến nhu cầu tìm mua nhà đất trên thị trường BĐS quý 3/2022 suy giảm.
Siết tín dụng khiến nhu cầu tìm mua nhà đất trên thị trường BĐS quý 3/2022 suy giảm.

Các chuyên gia nhận định, trong những tháng cuối năm 2022, thị trường BĐS sẽ tiếp tục gặp khó khăn về nguồn cung mới sản phẩm nhưng cũng đang có nhiều xung lực mới để mang đến cái nhìn lạc quan hơn, như kinh tế tăng trưởng trở lại; việc đẩy mạnh xây dựng hệ thống hạ tầng thông qua cú hích về đầu tư công; sự chênh lệch cung - cầu ở thời điểm hiện tại với cầu lớn hơn cung, sẽ tác động tích cực đến tâm lý triển khai dự án của DN...

Trước đó, TS Lê Xuân Nghĩa, Thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính tiền tệ quốc gia đánh giá, thị trường BĐS đang ở mức "chân không tới đất, đầu không tới trời".

Phần lớn giao dịch BĐS trong 2 năm vừa qua đều là của nhà đầu tư, số lượng mua để ở chỉ chiếm 0,26 phần nghìn, thị trường là sân chơi của nhà phát triển dự án và nhà đầu tư thứ cấp. Nhưng kinh tế Việt Nam đang tăng trưởng tốt khiến cho lo ngại về thị trường BĐS, chứng khoán giảm đi, với nền tảng kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát thấp, tăng trưởng kinh tế cao, lãi suất tăng ít... giúp cho thị trường sẽ không sụp đổ và sau đó sẽ phục hồi.

Thời gian sắp tới, đà tăng giá sơ cấp sẽ khó có thể dừng lại trong bối cảnh chi phí đầu vào liên tục leo thang, nguồn cung mới khan hiếm trong khi đó nhu cầu đầu tư còn rất lớn. Nhưng với sự mạnh tay của Chính phủ và cơ quan quản lý Nhà nước để xử lý những rủi ro, thách thức sẽ có tác động tích cực đến khả năng hồi phục của thị trường.

Thanh Xuân

Theo Chất lượng và Cuộc sống